Chọn đúng hướng đi để tránh lãng phí tuổi trẻ


Đi đúng hướng ngay từ đầu, người trẻ sẽ không tiêu tốn thời gian vô ích vào những vị trí việc làm không phù hợp sở thích. Để chọn đúng hướng, người trẻ cần chịu khó tìm hiểu, trải nghiệm, làm giàu vốn sống, rèn luyện ngoại ngữ, kỹ năng…

 

Khởi động cho Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vào ngày 23-1 tới là các chương trình tư vấn học đường tại các trường. Trong ảnh, HS Trường THPT Trương Vĩnh Ký đặt câu hỏi xung quanh về tuyển sinh ĐH năm 2016. Ảnh: M.Tâm

 

Ban tư vấn chương trình tư vấn kỹ năng 2016 “Chìa khóa thành công” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Trường CĐ Quốc tế Kent tổ chức đã nhấn mạnh điều này với học sinh Trường TH - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký mới đây.

 

Đưa ra câu chuyện một sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí nhưng về… bán trái cây và mất nhiều năm sau đó mới tìm kiếm được đúng lối đi của mình hay chuyện một sinh viên xuất thân từ ngành ô tô trở thành “cây kéo vàng” ở lĩnh vực làm tóc, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - ví von mỗi người như những hạt giống, nếu gieo đúng mảnh đất nghề nghiệp sẽ nảy mầm tươi tốt, tiết kiệm được thời gian quý báu của tuổi trẻ. Nếu “gieo” sai có thể cuối cùng cũng sẽ về đích nhưng lại mất thời gian đi lòng vòng.

 

Với những học sinh cuối cấp, đứng trước ngưỡng cửa vào đời, TS. Hiếu nhắn nhủ các em cân nhắc 3 yếu tố cần thiết khi chọn nghề, đó là có sự yêu thích, có năng lực phù hợp yêu cầu của nghề và chú ý nhu cầu nhân lực của xã hội. TS. Hiếu hướng dẫn học sinh cụ thể cách thức xác định lĩnh vực nghề nghiệp yêu thích. Theo ông Hiếu, muốn biết một cuốn sách có hay không cần đọc thử vài phần, xem qua mục lục... Đối với nghề nghiệp cũng tương tự vậy, học sinh cứ lọc ra vài nghề mình hào hứng trong số cả trăm nghề hiện có, sau đó tìm hiểu kỹ càng. Một số học sinh thích ngành có đầu vào cao cần làm thử đề thi các năm trước để xác định khả năng của bản thân.

 

Học sinh Trường TH - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký đặt câu hỏi nên học gì và làm gì để không bị “chậm chân”, yếu thế trong thời kỳ lao động hội nhập

 

Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng chọn ngành không phù hợp năng lực, sở thích rất khó đạt kết quả cao, đồng thời thiếu động lực theo đuổi lâu dài. Vì vậy, ông hướng học sinh vào việc chọn ngành theo sở thích, sở trường, cân nhắc điều kiện việc làm, khả năng tài chính. Ông Cường lưu ý thêm, năm 2016, ngoài các trường ĐH-CĐ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia còn có những trường xét học bạ, thí sinh cần theo dõi chặt chẽ thông tin để kịp thời đăng ký.

 

Liên quan đến câu hỏi của học sinh về việc học gì và làm thế nào để không bị “chậm chân”, yếu thế trong thời kỳ lao động hội nhập, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - nhận định, trong thị trường lao động đầy cạnh tranh sắp tới, người lao động xuất thân từ trường nào không quan trọng bằng việc thể hiện được nội lực, kỹ năng, thái độ làm việc và mức độ thông thạo ngoại ngữ. Do vậy, các học sinh ngay từ bây giờ cần lên kế hoạch và không ngừng cố gắng để khẳng định bản thân, bên cạnh ngoại ngữ chính, cần học thêm tiếng của nước mà mình muốn dịch chuyển sang làm việc. “Các em đừng quá quan tâm ngành nào khi dịch chuyển sẽ đạt lương cao, thay vào đó chú ý phát triển nội lực để nghề tìm mình, thay vì mình tìm nghề”,  ông Tuấn nói.

 

Đồng quan điểm, ông Trần Công Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Quốc tế Kent - cho rằng, thông thạo ngoại ngữ sẽ đem lại lợi thế lớn, giúp người lao động tự tin hội nhập. Học chương trình quốc tế cũng là một trong những cách để người học được trang bị nền tảng ngoại ngữ vững vàng, mạnh dạn cạnh tranh với lao động các nước. Theo ông Nam, thực tế hiện nay, nhiều học sinh có nguyện vọng du học nhưng lại lo ngại kinh phí lớn. Tuy nhiên, chi phí này sẽ được tiết kiệm tới 2/3 và giảm đến phân nửa thời gian nếu các em tham gia học trong nước một số chương trình đào tạo quốc tế trong đó có chương trình của Trường CĐ Quốc tế Kent. Hiện trường tuyển sinh các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, quản trị marketing, quản trị nhà hàng - bar quốc tế, thiết kế và kinh doanh thời trang, sản xuất phim ảnh, mỹ thuật đa phương tiện và khởi nghiệp kinh doanh.

 

Bài, ảnh: Thục Trân

 

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024872094

TRUY CẬP HÔM NAY: 1153

ĐANG ONLINE: 7