Làm sao tránh… thất nghiệp?


Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016 có những điểm gì mới, thị trường lao động trong 4 năm tới như thế nào, tại sao lại có nghịch lý thiếu - thừa lao động?... Đó là những vấn đề được giải đáp trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Vĩnh Viễn cuối tuần qua.

 

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân giải đáp thắc mắc của học sinh ở phần tư vấn riêng

 

Nghịch lý thiếu thừa lao động

 

Hiện nay cơ cấu ngành nghề ở Việt Nam cần nhiều nhân lực, tuy nhiên người lao động có đáp ứng được hay không mới là điều quan trọng.

 

Đề cập về xu hướng nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập, trong đó hội nhập lớn nhất là gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo thành tổng thể phát triển kinh tế. Cộng đồng này có đến 625 triệu dân, trong đó Việt Nam có khoảng 90 triệu dân. Điều này tạo nên sự luân chuyển lao động tự do ở 10 nước ASEAN. Hơn nữa, chúng ta vừa ký hiệp định TPP, khoảng 2-3 năm nữa hiệp định này có hiệu lực thì Việt Nam lại tiếp tục mở rộng thị trường lao động. Như vậy, cơ hội việc làm đang mở rộng nhưng cơ bản là các em có nắm bắt được hay không mới là quan trọng. Việc di chuyển lao động những năm đầu có thể ở trình độ bậc cao nhưng 4-5 năm sau sẽ mở rộng ở các bậc thấp”.

 

Thời gian tới có 8 nhóm ngành nghề sẽ phát triển mạnh, trong đó nhóm ngành kinh tế được nhiều người cho là thời gian gần đây khó kiếm việc làm, tuy nhiên ông Tuấn cho rằng: “Nhóm ngành này đang phát triển nhưng do có nhiều học sinh lựa chọn nên tính cạnh tranh cao”.

 

Ông Đoàn Thanh Phong, đại diện Ban tư vấn Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho biết thêm: “Nhóm ngành kinh tế chiếm khoảng 33% trong tổng số nhu cầu nhân lực ở nước ta hiện nay, mỗi năm tạo khoảng 70 ngàn đầu việc làm. Tuy nhiên, chúng ta đang có nghịch lý là vừa thừa lại vừa thiếu lao động trong nhóm ngành này. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm ổn định nhưng doanh nghiệp vẫn đang thiếu nhân lực chất lượng cao trong nhóm ngành này”.

 

Nhóm ngành CNTT đang phát triển mạnh, nhu cầu nhân lực cao nhưng cũng nằm trong nghịch lý thiếu - thừa lao động. “Việt Nam đang cần nhiều nhân lực ngành CNTT, nếu năm 2014 mức lương của ngành này nằm trong tốp thứ 4 ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thì năm 2015 đã lên tốp thứ 3. Tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, có đến 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này vào làm tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đào tạo lại; trong đó có đến 40% thiếu kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm…”, ông Phạm Viết Thế, Giám đốc tuyển sinh của Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech, chia sẻ.

 

Cần đào tạo nhân lực chất lượng cao

 

Nghịch lý thiếu - thừa lao động khiến không ít học sinh hoang mang, lo lắng. Vậy làm thế nào để các em tránh được tình trạng thất nghiệp trong thời gian tới?

 

Phân tích vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn cho hay: “Nhu cầu việc làm thời kỳ này là nhu cầu lao động chất lượng cao, nghĩa là các em cần có nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và đạo đức kỷ luật làm việc. Hiện các trường ĐH, CĐ trên cả nước đào tạo khoảng 300 nghề nhưng vận hành có 45-50 ngàn nghề. Vì vậy, các em được đào tạo 1 nghề nhưng ra trường có thể làm được nhiều nghề, tuy nhiên phải có kỹ năng cho một số nghề”.

 

Dự kiến thay đổi phương thức thi THPT quốc gia 2016

 

Ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Tư vấn - Hướng nghiệp tuyển sinh (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì nhưng có tới 72% thí sinh dự thi, trong khi 61 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì chỉ có khoảng 28% thí sinh dự thi. Vì vậy, để tránh cho nhiều thí sinh phải di chuyển xa, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay đổi phương thức, chỉ còn cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Thời gian dự thi dự kiến sẽ sớm hơn khoảng nửa tháng so với năm trước.

Ông Đoàn Thanh Phong cho biết thêm: “Làm kinh doanh, đầu óc nhạy bén về những con số thôi chưa đủ mà các em cần có kỹ năng như làm việc nhóm, lắng nghe… thì mới thành công”.

 

Hiện nay, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các trường đã chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lại đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, các trường đã chủ động tăng cường thời gian thực hành thực tập cho các em. “Sinh viên học ngành công nghệ ô tô cũng như nhiều ngành khác ở Viện Đào tạo Việt - Nhật thì sau 5 học kỳ, các em sẽ làm việc ở các doanh nghiệp Nhật Bản khoảng 5-6 tháng để có kinh nghiệm thực tế trước khi đi làm”, ông Lê Thiên Duy, Phó trưởng phòng Đào tạo Viện Đào tạo Việt - Nhật (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), nói.

 

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, đại diện Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) định hướng thêm: “Nếu học ĐH phải mất ít nhất 4 năm, do đó các em nên nhìn xa xem đến 2020 ngành nào xã hội sẽ cần nhiều nhân lực, mức lương dự kiến như thế nào, có xứng đáng để mình đầu tư hay chỉ học các trường nghề là đủ để lựa chọn…”.

Bài, ảnh: Minh Châu

Em Gia Thi đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Hỏi đáp

Em muốn học ngành tâm lý học nhưng không biết các trường đào tạo ngành này ở Việt Nam có gì khác so với thế giới.

Gia Thi (học lớp 12A3 Trường THPT Vĩnh Viễn)

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (đại diện Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) giải đáp: Hiện ở TP.HCM có 4 trường đào tạo ngành tâm lý học là ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Văn Hiến và ĐH Công nghệ TP.HCM. Tâm lý học là tìm hiểu về con người để vận dụng vào tất cả hoạt động của đời sống. Ngành này có những chuyên ngành như tham vấn học đường, tham vấn trị liệu, ứng dụng tâm lý học truyền thông và sự kiện, tâm lý học giáo dục (làm giáo viên, giảng viên tâm lý...). Ở nhiều nước trên thế giới, ngành này được chia thành nhiều nhánh như tâm lý học nhận thức, tâm lý học hướng nghiệp… mang tính ứng dụng cao. 

 

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932168

TRUY CẬP HÔM NAY: 4938

ĐANG ONLINE: 16