Khởi động tư vấn tuyển sinh qua 120 trường THPT: Hành trình chọn ngành để học, chọn nghề để làm


Với hành trình đi qua 120 trường THPT, trong đó có 40 trường THPT thuộc các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đồng Tháp, chương trình hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 8 - năm 2016 đang ngày một khẳng định vai trò của Báo Giáo dục TP.HCM trong công tác tuyên truyền, định hướng lối đi phù hợp cho các em học sinh (HS) sau THPT.

ThS. Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Tuyển sinh truyền thông Trường ĐH Hoa Sen tư vấn cho HS Trường THPT Phan Đăng Lưu trong chương trình do Báo Giáo dục tổ chức

 

Chương trình đã được khởi động tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM), mở đầu cho chuỗi hành trình tư vấn xuyên suốt từ tháng 1 đến tháng 3-2016, cũng là thời điểm mà hàng triệu HS và phụ huynh trên cả nước đang lo lắng, tất bật chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên của tương lai con em mình.

 

Vẫn còn nhiều HS chọn sai ngành

 

Ông Nguyễn Thanh Tú - Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM - cho rằng: Để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, mỗi HS không chỉ cần nỗ lực hết mình trong học tập mà còn phải khéo léo lựa chọn môn thi sao cho phù hợp với ngành học, trường học mình yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình mình. Sự lựa chọn này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai của các em. Nếu lựa chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, các em sẽ có một tương lai tươi sáng. Còn nếu chọn sai, các em không chỉ làm mất thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn lao động của xã hội.

 

Thực tế đã chứng minh, có không ít HS mặc dù năng lực học tập tốt nhưng lại không vào được các trường ĐH vì lựa chọn trường quá cao. Và cũng có không ít sinh viên học đến năm 2, năm 3 mới thấy ngành đang theo học không phù hợp với mình. Lúc này, có bạn mạnh dạn lựa chọn một lối đi khác, một sự khởi đầu khác nhưng cũng có không ít bạn lâm vào bi kịch, phải sống với một nghề mà mình không hề yêu thích hoặc ngành nghề mình theo học ra trường không còn phù hợp với nhu cầu xã hội. “Xuất phát từ thực tế này, Báo Giáo dục TP.HCM được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã kết hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh với chủ đề “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 8 - năm 2016 nhằm định hướng giúp các em HS lựa chọn cho mình một ngành học, một trường học phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình, phù hợp với nhu cầu xã hội trong 4-5 năm tới. Đồng thời, qua chương trình này, các em HS và các bậc phụ huynh không chỉ được các chuyên gia trong Ban tư vấn cung cấp những thông tin chính xác và bổ ích về hệ thống các ngành nghề đào tạo trong xã hội, những thông tin mới về kỳ thi THPT quốc gia 2016 mà còn được tư vấn về tâm lý, sức khỏe để các em tham gia kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả cao nhất”, Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú khẳng định.

 

Tại buổi khai mạc, ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - cũng nhìn nhận: Việc thiếu định hướng ngành nghề trước kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã khiến nhiều thí sinh chỉ chăm chăm bằng mọi giá vào được trường ĐH mà không quan tâm tới ngành nghề mình đã chọn. “Trong lúc chờ quy chế chính thức của bộ về kỳ thi THPT quốc gia 2016, tôi mong rằng, chương trình sẽ định hướng giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp, giữ vững tâm lý và sức khỏe trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”, ông Phúc nói.

 

Thêm một môn thi là thêm cơ hội xét tuyển

 

Cho tới thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành quy chế cụ thể về kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, kỳ thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi, nghĩa là vẫn sử dụng kết quả thi cho cả 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Hiện bộ đang cân nhắc về thời gian tổ chức thi, hình thức tổ chức thi theo cụm, thời gian xét tuyển ở các trường ĐH tốp trên để cân đối việc xét tuyển đầu vào cho các trường ĐH tốp dưới. “Các thí sinh vẫn dự thi các môn bắt buộc và môn tự chọn giống như quy định năm trước. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn môn thi tự chọn vì thêm một môn thi là thêm một cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Số liệu thống kê tại kỳ thi năm 2015 cho thấy: Có tới 50% chỉ tiêu ĐH, CĐ dành cho khối A và A1. Và cũng tại kỳ thi này, có tới gần 50% thí sinh chọn môn lý, 50% thí sinh chọn môn hóa là môn thi tự chọn. Việc lựa chọn môn thi phù hợp không chỉ có lợi khi xét tuyển ĐH, CĐ mà còn giúp các em giảm bớt áp lực trong kỳ thi”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

 

Đừng “yêu” vẻ hào nhoáng của nghề

 

Phân tích về những sai lầm của HS khi lựa chọn ngành nghề, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn -  Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam - đánh giá: Rất nhiều HS hiện nay chọn ngành học chỉ vì “yêu” vẻ hào nhoáng của nghề mà chưa nhìn thấy được những mặt trái của nó, không để ý xem bản thân mình có chống chỉ định về mặt y học với ngành nghề đó hay không. Không ít em còn vì quá tự đề cao bản thân mà chọn những trường ở tốp cao theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, rớt trường này thì vẫn có cơ hội xét tuyển ở những trường khác để rồi sau đó phải loay hoay với việc “đong trường, đếm điểm”, bỏ lỡ cơ hội vào được trường học vừa sức. “Một số em khác dù gia đình có xưởng sản xuất nhưng kiên quyết không nối nghiệp gia đình chỉ vì cho rằng đó là những công việc không xứng tầm với mình, không muốn mình lấm lem khói bụi, dầu mỡ. Công việc nào, ngành nghề nào cũng có giá trị của nó. Vì vậy, các em đừng ngây ngô khẳng định cá tính của mình một cách quá đáng để rồi làm buồn lòng cha mẹ, trong khi bản thân mình thì loay hoay với những suy nghĩ non nớt, không có định hướng rõ ràng. Chọn ngành để học, chọn nghề để làm là cả một quá trình trải nghiệm nên việc lắng nghe ý kiến người khác, phân tích và khám phá bản thân một cách thận trọng là yếu tố quan trọng để chọn ra hướng đi đúng đắn cho mình”,  PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên.

 

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024925244

TRUY CẬP HÔM NAY: 5424

ĐANG ONLINE: 57