Năng động nghề tổ chức sự kiện


Các sự kiện như quảng bá sản phẩm, kỷ niệm ngày thành lập, hợp tác kinh doanh, lễ ký kết, hội thảo, hội nghị… muốn thành công đều cần đến những người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.

 

Mỗi sự kiện thường quy tụ rất đông người tham gia nên việc thành công hay thất bại đều ảnh hưởng rất nhiều đến đơn vị đứng ra tổ chức - Ảnh: Mỹ Quyên
Mỗi sự kiện thường quy tụ rất đông người tham gia nên việc thành công
hay thất bại đều ảnh hưởng rất nhiều đến đơn vị đứng ra tổ chức - Ảnh: Mỹ Quyên
 
Đó là lý do mà ngày nay, các công ty cung cấp dịch vụ này xuất hiện ngày càng nhiều.
 
Nghề cần tinh thần thép
 
Một sự kiện diễn ra nếu thành công thì sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, đơn vị rất nhiều. Ngược lại, nếu thất bại thì ảnh hưởng của nó sẽ rất nghiêm trọng, vì thông thường sự kiện có sự tham gia rộng rãi của rất nhiều quan khách, khách hàng…
 
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, người làm sự kiện phải giỏi về quản lý dự án, có khả năng bao quát cao, hiểu sâu về lĩnh vực liên quan và quan trọng là phải hiểu sâu về quản lý rủi ro.
 
Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết, trang thiết bị, máy móc... đều rất dễ làm ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại. Do đó, người tổ chức sự kiện phải thật giỏi trong việc dự báo, điều phối và có cả tinh thần thép để linh hoạt xử lý các sự cố.
 
Những ngành học liên quan
 
Hiện nay, có một số trường đại học có đào tạo chuyên ngành tổ chức sự kiện nằm trong các ngành như marketing, quản trị công nghệ truyền thông, quản trị khách sạn, quan hệ công chúng…
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Nghề này nằm trong nhóm ngành quản trị kinh doanh kết hợp với truyền thông, quan hệ công chúng, marketing… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày nay có nhu cầu rất cao trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm nên nghề này đang rất phát triển”.
 
Theo ông Tuấn, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, đi học thêm một khóa ngắn hạn về tổ chức sự kiện để ra đi làm, cũng là một cách để theo đuổi đam mê nghề nghiệp nhiều áp lực và năng động này.
 
Còn theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, tổ chức sự kiện có thể được xem như là một ứng dụng của quản trị/quản lý dự án, thông qua việc tạo ra và phát triển các sự kiện có quy mô như ngày hội (festival), hội thảo, lễ kỷ niệm, các cuộc họp chính thức, hòa nhạc, hội nghị...
 
Và vì yêu cầu phải am hiểu sâu trong từng lĩnh vực nên những người làm công việc này phải hội đủ 2 khối kiến thức: kiến thức về marketing, truyền thông, sáng tạo và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực mình tổ chức.
 

Mỹ Quyên

Nguồn: Thanh Niên Online

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878125

TRUY CẬP HÔM NAY: 363

ĐANG ONLINE: 12