Ảnh minh họa. (Nguồn: baotintuc.vn)
 

* Còn nhiều rào cản 

Phần lớn những người khuyết tật khi được hỏi về khả năng xin việc thành công đều cho rằng xin việc làm còn gặp nhiều khó khăn . Do đó, công việc chủ yếu của người khuyết tật vẫn là bán vé số, bán hàng rong hoặc làm những công việc thời vụ với mức lương thấp, không ổn định. 

Chị Hoàng Xuân Bính, 26 tuổi, ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) bị khuyết tật một chân do tai nạn giao thông. Chị cho biết; Thấy mình vẫn còn sức khỏe, lại không muốn phụ thuộc gia đình nên chị đã nộp đơn xin việc ở một số doanh nghiệp. Thế nhưng, thấy chị bị khuyết tật, các doanh nghiệp liền từ chối khéo với đủ lý do dù chị đã tự nguyện nhận mức lương thấp. 

Theo Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 15.000 người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, nhưng số người khuyết tật có việc làm chỉ khoảng 40%. Trong số những người khuyết tật tìm được việc làm chỉ có khoảng 25% duy trì được công việc ổn định. Nguyên nhân của thực trạng này là do không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Thêm vào đó, năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng nên người khuyết tật khó có điều kiện trang trải cuộc sống, tái tạo sức lao động. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người khuyết tật không duy trì việc làm lâu dài. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, bình quân mỗi năm thành phố thu hút trên 270.000 chỗ làm việc (trong đó 130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó, những nhóm ngành có thể sử dụng nhiều người khuyết tật là: công nghệ thông tin, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ. 

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong tương lai là rất lớn. Song hiện nay vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Trình độ học vấn chung của người khuyết tật thấp hơn so với lực lượng lao động xã hội, từ đó khó khăn trong học nghề ảnh hưởng đến khả năng tham gia thị trường lao động với nhiều nghề mà người khuyết tật có thể làm việc như: điện, điện tử, công nghệ thông tin... 

Theo các chuyên gia, hiện nay vẫn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa thật sự muốn sử dụng người khuyết tật, vì vậy nhiều người khuyết tật vẫn khó tìm việc làm. Cũng có một số người khuyết tật có trình độ song lại thiếu tự tin nên ảnh hưởng tới vấn đề việc làm. 

* Cần nỗ lực từ hai phía 

Ở trung tâm xưởng in Công ty CP In nhãn Bao bì Hoàng Hà (khu công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là khu vực làm việc của 5 công nhân khuyết tật mới được Công ty nhận vào làm việc cách đây 2 tháng. Các công nhân này đều bị khuyết tật ở chân, phải ngồi xe lăn. 

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In nhãn Bao bì Hoàng Hà cho biết, Công ty vừa đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng mới, vừa để bảo đảm việc làm, vừa tăng thu nhập cho công nhân. Ngay sau khi mở rộng sản xuất, lãnh đạo công ty đã đề ra mục tiêu thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có việc nhận người khuyết tật vào làm việc. Công ty cũng đã xây dựng một nhà vệ sinh riêng, làm thêm lối đi cho xe lăn và bố trí xe lăn đón người khuyết tật tại cổng công ty. 5 lao động được tuyển chọn từ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà may mắn và ký hợp đồng với mức lương khởi điểm là 3,1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chế độ làm việc thuận lợi 4 ngày/tuần, công việc nhẹ nhàng, ít phải di chuyển, phù hợp với điều kiện sức khỏe, các công nhân khuyết tật còn được lãnh đạo công ty dành nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt trong chế độ nghỉ giữa giờ. 

Được hưởng nhiều ưu đãi với mức lương thưởng công bằng như các đồng nghiệp, anh Ngô Hữu Tiến (29 tuổi) - một công nhân chia sẻ: Càng được ưu tiên anh và các lao động khác càng phải cố gắng để chứng minh năng lực của mình. Bị tai nạn giao thông từ năm 2004 khiến anh Tiến mất đi đôi chân. Trong 4 năm điều trị tại bệnh viện, Tiến đã nhiều lần muốn buông xuôi, thậm chí có lần đã tìm đến cái chết. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh làm hồ sơ xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà may mắn để học vẽ tranh. Công việc nhẹ nhàng nhưng sản phẩm khó tìm đầu ra nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Thế nên, khi được Công ty Hoàng Hà nhận vào làm việc cùng một số người khác, anh Tiến mừng đến không thể tin nổi. 

Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, để giúp người khuyết tật có việc làm ổn định cần sự tích cực của cả hai phía. Người khuyết tật cần nỗ lực vươn lên, học hỏi, trang bị cho mình các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập. Còn doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội việc làm cho người khuyết tật. 

Để giải quyết được nhiều người khuyết tật học nghề, có việc làm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trước hết, cần có chính khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và hỗ trợ hướng nghiệp người khuyết tật giúp họ tự chọn nghề phù hợp để học và tự tạo việc làm. Nhà nước, các tổ chức cũng cần có các công cụ trợ giúp để người khuyết tật có điều kiện đi lại, giao tiếp để học nghề và tiếp cận việc làm. Người khuyết tật cũng cần được cung cấp thông tin để nâng cao trình độ nhận thức về xã hội và pháp lý. Bên cạnh đó, hàng năm nên tổ chức hội thi tay nghề, ngày hội việc làm của người khuyết tật, các nghiên cứu khoa học, dự án hỗ trợ dạy nghề và giải pháp việc làm cho người khuyết tật./. 
 

Nguyễn Cúc - Thu Hoài/TTXVN