Đánh giá về thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020


Ngày 9/12/2015, tại TPHCM, Tổng Cục Dạy nghề đã tổ chức Hội thảo Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và Đánh giá Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội thảo có đ/c Huỳnh Văn Tí - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; đ/c Dương Đức Lân – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đại diện lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề thuộc khu vực phía Nam...

 


Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí nhấn mạnh: Nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn với khu vực trên thế giới nên có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, thách thức về nguồn chất lượng nhân lực đang đặt ra cấp bách, đặt vai trò quan trọng cho toàn Ngành. Việc phát triển hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên dạy nghề thời gian qua đạt được kết quả khích lệ, chất lượng dạy nghề được nâng lên nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều trăn trở, bất cập và vướng mắc.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị: Hội thảo nhằm đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2015, định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và Đánh giá Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” đều là những nội dung rất quan trọ
ng nên các đại biểu cần nghiêm túc nhìn nhận cụ thể các vấn đề, đặc biệt là rà soát lại hệ thống chính sách, tập trung đi sâu đề cập đến giải pháp tổng thể phát triển dạy nghề.


Đồng thời, cần đánh giá thẳng thắn, khách quan về thực trạng và thảo luận sâu các vấn đề còn vướng mắc, bất cập để lãnh đạo Bộ nghiên cứu, nội dung nào có thể điều chỉnh, bổ sung sẽ trình tham mưu cũng như có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ.


Báo cáo sơ kết năm năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 200, ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề  trong 5 năm (2011 – 2015) được 9.171.371 người, đạt 95,5% so với mục tiêu Chiến lược đề ra, tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010. Riêng đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có trên 2,4 triệu lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các cấp trình độ đạt 38,5%, gần đạt với mục tiêu của Chiến lược (96,2%).

 


Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu tại hội thảo


Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đã có bước chuyển và hiện có 59 tỉnh thành lập trường cao đẳng nghề, đạt 92%. Các cơ sở dạy nghề đã tự chủ về tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề, quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên. Tính đến năm 2015 cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề ( gồm 190 trường Cao đẳng nghề (CĐN), 280 trường Trung cấp nghề ( TCN) và 997 Trung tâm dạy nghề (TTDN), cùng với trên 40.615 giáo viên dạy nghề và sau 5 năm (2011-2020) đã có 7.352 lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề.


Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận những yếu kém về các nhiệm vụ phát triển chương trình, giáo trình; xây dựng khung trình độ quốc gia; cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; kiểm định chất lượng dạy nghề; hợp tác quốc tế…Trong đó, một số mục tiêu của Chiến lược đã không đạt yêu cầu được chỉ ra như mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cấp chứng chỉ nghề quốc gia; hướng nghiệp phân luồng học nghề sau trung học cơ sở…


Nguyên nhân của việc không đạt được một số mục tiêu Chiến lược trên là do việc chậm ban hành “quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đến năm 2020”. Ảnh  hưởng từ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề sau thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhất là thay đổi hệ thống sẽ dẫn đến thay đổi mạng lưới cơ sở dạy nghề nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạm thời chưa ban hành quy hoạch.


Bên cạnh đó, hiện việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu cho các trường chỉ đạt 62% so với kế hoạch. Đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề tuy tăng số lượng nhưng kỹ năng nghề đạt theo chỉ tiêu mới khoảng 60% và việc tiến hành bồi  dưỡng, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề còn yếu và chưa hệ thống, chuyên nghiệp…


Trước những bất cập, khó khăn đó, ông Dương Đức Lân – Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề đã nhìn nhận và đanh giá, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém về thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 là cơ sở để giai đoạn tiếp theo thực hiện Chiến  lược theo hướng tiêu chuẩn hóa và thể chế hóa. Dạy nghề là hoạt động đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư nên để đáp ứng được đào tạo nhân lực cho quốc gia cần nguồn ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo thông qua các chương trình, đề án, dự án về dạy nghề.


Trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 sẽ hướng đến tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, bao gồm: đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đặc biệt sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm việc trường cao đẳng được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ.


Song song đó, có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa; phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề…


Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng nêu lên những vẫn đề tồn tại, hạn chế trong việc tuyển sinh, đào tạo các nghề hiện gặp rất nhiều khó khăn và đưa ra các giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất với Bộ để kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung và điều chỉnh kịp thời  trong chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2016 – 2020. Các đại biểu cũng băn khoăn trong việc xây dựng kế hoạch triển khai mạng lưới dạy nghề của địa phương hiện còn lúng tứng chưa biết triển khai như thế nào? Bởi từ khi Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý dạy nghề sẽ thuộc về cơ quan nào quản lý?


Theo ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề ( Bộ LĐTBXH) cho biết: Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp để triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp. Còn việc cơ quan quản lý về công tác dạy nghề sẽ thuộc về cơ quan nào quản lý là do Chính phủ quy định. Vì vậy, các địa phương vẫn tiếp tục triển khai, thực hiện tốt  công tác dạy nghề theo quy định trong thời gian tới.

 

Nguồn: http://molisa.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024881810

TRUY CẬP HÔM NAY: 4142

ĐANG ONLINE: 43