Chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao


 

QĐND - TP Hồ Chí Minh là địa phương có sự phát triển năng động, quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đang dồn sức đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xúc tiến thương mại, nguồn lao động… để thu hút đầu tư, đón đầu những cơ hội lớn khi hàng loạt hiệp định thương mại giữa Việt Nam và quốc tế được ký kết, có hiệu lực như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…Một trong những vấn đề được Thành phố đặc biệt quan tâm là công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC), nhằm chủ động đón đầu làn sóng đầu tư mới trên các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Cơ khí, công nghệ thông tin, chế biến lương thực, thực phẩm, hóa chất-nhựa-cao su…

 

Giai đoạn 2010-2015, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình nâng cao chất lượng nguồn NLCLC gắn với xã hội hóa, đầu tư cho khoa học-công nghệ, ứng dụng, tổ chức thí điểm chính sách thu hút chuyên gia nghiên cứu khoa học-công nghệ và chính sách phát triển khoa học-công nghệ theo hướng xã hội hóa; đặt hàng các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực theo từng chuyên ngành, cung cấp NLCLC cho các khu công nghệ cao ở Thành phố…Giai đoạn 2015-2020, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu 85% lực lượng lao động phải được qua đào tạo nghề.

 

Việc cung ứng NLCLC cho yêu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn tồn tại những khó khăn. Tại Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách thức cho thị trường lao động TP Hồ Chí Minh” vừa qua, nhiều tham luận đã nêu những tồn tại, khó khăn như: Năng suất lao động còn thấp, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu, mất cân đối cơ cấu NLCLC giữa các thành phần kinh tế, cơ chế thu hút và phát triển NLCLC theo hướng chuyên sâu còn nhiều vướng mắc…

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự dịch chuyển cơ cấu lao động sẽ diễn ra mạnh mẽ khi TP Hồ Chí Minh hội nhập sâu rộng trong môi trường khu vực và quốc tế theo hướng tăng NLCLC ở nhiều lĩnh vực. Do đó, chiến lược đào tạo, thu hút NLCLC phải tạo được sự đột phá, đón đầu trong xu thế hội nhập. Theo dự báo nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2020, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần khoảng 270.000 việc làm, trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 28%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%.

 

Khi các hiệp định về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với quốc tế được áp dụng sẽ tạo sự cạnh tranh về nguồn NLCLC rất gay gắt tại TP Hồ Chí Minh. Để chủ động nguồn NLCLC, tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế, Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020 đã tiếp tục xác định chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đây là chủ trương mang tính định hướng, nền tảng để TP Hồ Chí Minh phát triển được đội ngũ lao động CLC, có tính cạnh tranh, tự tin trong quá trình hội nhập, phát triển năng động, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

ĐẶNG BẢO MINH

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878123

TRUY CẬP HÔM NAY: 361

ĐANG ONLINE: 10