Bước ngoặt trong việc thay đổi chính sách giảm nghèo


 

   Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam triển khai và ban hành nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người nghèo như chính sách vay vốn, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch. Trong đó, tâm điểm là Chương trình 30A hỗ trợ 62 huyện nghèo đầu tư hạ tầng thiết yếu, công trình thủy lợi, giao thông phục vụ đời sống dân sinh vùng đồng bào khó khăn, giúp cho người nghèo phát triển sản xuất, đời sống khá hơn.
   Từ thực tế triển khai các chương trình giảm nghèo, Chính phủ nhận thấy để giảm nghèo bền vững cần thay đổi cách tiếp cận về đói nghèo. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Theo chuẩn thế giới, chuẩn nghèo không chỉ có đủ ăn mà phải có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu. Chính vì vậy, Việt Nam thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, vẫn bao gồm mức thu nhập cao hơn mức hiện nay và tính tới việc để người nghèo phải tiếp cận được những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 1/1/2016. Chuẩn này sẽ phải nâng cao hơn để đảm bảo giá trị đồng tiền, mức sống của người nghèo và cải thiện đời sống cho bà con”. 
   Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều của Việt Nam thích ứng với mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc vừa thông qua, theo đó, các quốc gia xóa bỏ nghèo đói dưới mọi hình thức, mọi nơi và ở mọi chỗ nghèo. Không chỉ vậy, cách tiếp cận này giúp nhiều người dân hưởng lợi.
   Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phân tích: “Trước đây khi xây dựng chính sách, Việt Nam căn cứ vào tiêu chí thu nhập để đánh giá và ai có thu nhập dưới mức đó thì được coi là hộ nghèo. Tuy nhiên cách đánh giá đó chưa thực sự chính xác về hộ nghèo bởi con người đôi khi không phải là thiếu tiền mà là không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ khác. Vì vậy Thủ tướng quyết định giai đoạn tới sẽ đồng thời cả cách đo về thu nhập và cách đo về mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản và đặc biệt nữa là chuẩn nghèo theo thu nhập đã được Chính phủ điều chỉnh sát với mức sống tối thiểu. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi hơn. Một bộ phận người dân trước đây không thuộc diện hộ nghèo thì nay sẽ là hộ nghèo và sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Phấn đấu thực hiện thành công ngay trong năm đầu tiên
   Dự kiến trong năm 2016, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi khoảng 15 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ số người nghèo và cận nghèo so với năm nay. Thủ tướng yêu cầu Bộ tài chính tìm nguồn lực để thực hiện thành công chuẩn nghèo đa chiều ngay trong năm đầu tiên thực hiện. Song song với đảm bảo nguồn vốn là việc rà soát để điều chỉnh chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ cho vay, phân loại chính xác đối tượng hộ nghèo.
   Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Bộ tham mưu cho Chính phủ rà soát lại tất cả chính sách đối với người nghèo, trên cơ sở đó phân công lại trách nhiệm của từng ngành trong từng lĩnh vực. Mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong từng chỉ tiêu giảm nghèo, đồng thời là chuyển từ 16 Chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung còn 2 Chương trình. Đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững. Như vậy nguồn lực sẽ tập trung hơn vào những đối tượng, địa phương còn khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo”.
   Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm nghèo trước hai năm so với cam kết với cộng đồng quốc tế. Việt Nam là một trong sáu quốc gia thực hiện sớm nhất mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo. Với việc chuyển đối cách tiếp cận về đói nghèo từ đơn chiều sang đa chiều trong 5 năm tới, thành quả giảm nghèo của Việt Nam sẽ bền vững hơn, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu an sinh xã hội.

Nguồn: http://molisa.gov.vn/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722122

TRUY CẬP HÔM NAY: 6740

ĐANG ONLINE: 17