Trải thảm đỏ đón nhân tài ở đâu?


TTO - "Để thu hút người tài về làm việc, phải cụ thể bằng những chính sách. Đừng nói những từ đẹp đẽ như “trải thảm đỏ đón nhân tài” mà không có chiều sâu..." - là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp.


			Một buổi tư vấn du học 

Một buổi tư vấn du học 

 

Câu chuyện 12/13 học sinh nhận học bổng từ một cuộc thi, sau thời gian du học đã quyết định ở lại nước ngoài làm việc mà không “dụng võ” ở Việt Nam lại một lần nữa đặt ra câu hỏi cho nhiều người: Vì sao người giỏi không về và về rồi thì cũng bỏ đi?

 

Nhiều người nhắc lại câu chuyện tuồn đề thi tuyển cán bộ, công chức xảy ra một vài năm trước hay chuyện “chung chi” để “thuận buồm xuôi gió” đầu vào thi cao học như những ví dụ cho chuyện không minh bạch, thiếu rõ ràng trong việc tuyển dụng và sử dụng người tài.

 

Du học sinh, vì sao không về?


			ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa nói lên trăn trở về 12/13 em du học sinh không về nước làm việc

ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa nói lên trăn trở về 12/13 em du học sinh không về nước làm việc

 

“Tiền lương thấp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế chỉ là một phần lý do mà nhiều du học sinh không về. Phần khác chính là những mảng tối trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực làm nhiều người nản lòng”- bạn đọc Phương Thảo nhận xét.

 

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa đã đặt câu hỏi làm thế nào có thể thu hút được những bạn trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng “trải thảm đỏ đón nhân tài” thật ra là một từ không có chiều sâu.

 

“Lương trả cho họ thế nào? Nếu anh trả lương cho họ cao thì sẽ có sự so sánh rằng chưa chắc người đi học nước ngoài về có năng lực hơn người được đào tạo ở VN. Vấn đề cơ bản là phải có sự bình đẳng. Nếu sống không đủ với lương, như mỗi sáng ăn tô phở còn phải suy tính chỗ nào mắc, chỗ nào rẻ thì làm sao làm chuyện lớn được?”, ông Hiệp đặt câu hỏi.

 

Theo ông Hiệp, để thu hút người tài về làm việc, phải cụ thể bằng những chính sách. “Đừng nói những từ đẹp đẽ mà không có chiều sâu”, ông Hiệp thẳng thắn nói.

 

Về rồi lại ra đi

 

Trò chuyện với TTO, anh T.L, du học sinh Pháp cho biết mình từng về VN làm việc trong vòng một năm rưỡi nhưng vì nhiều lý do nên đã quyết định quay lại Pháp, dù phải bắt đầu từ những việc như giao hàng, phục vụ bàn…

 

“Sau 6 năm sống ở Pháp, khi về, rào cản lớn nhất là khó hòa nhập được với môi trường làm việc ở VN. Có nhiều thứ ràng buộc. Bạn bè tôi đa phần đều không muốn trở về, những người trở về phần lớn là học những ngành khó xin việc hoặc ở nước nhà, họ đã được sắp sẵn những vị trí rất “ngon” rồi”, anh T.L tâm sự.

 

Từng học tập và nay quyết định ở lại Pháp làm việc, chị Q.T cũng cho biết có nhiều rào cản với du học sinh khi họ về nước làm việc.

 

Thứ nhất là việc du học sinh không nhận được sự hợp tác của những đồng nghiệp VN vì “họ e ngại mình sẽ thay thế vị trí của họ”.

 

Thứ hai là đôi khi trong công việc, những nhân viên cùng công ty không thể phối hợp tốt với làn sóng, nhịp độ, cách suy nghĩ, cách tổ chức mà du học sinh mang về và áp dụng.

 

Thứ nữa là những kiến thức được đào tạo ở nước ngoài lại không thể áp dụng trong các công ty VN và những ý kiến sáng tạo, đóng góp trong cuộc họp thường bị “bàn ra”.

 

Một vấn đề khác là sự đùn đẩy trách nhiệm trong công việc.

 

Tất cả những lý do này dẫn đến sự nản lòng của không chỉ chị Q.T mà còn nhiều du học sinh khác khi đầu quân về VN làm việc.

 

“Dần dần, thấy năng lực của mình không được trọng dụng, rồi ở lại thì lụt nghề nữa nên mình cũng tìm cty khác, phù hợp hơn đề đầu quân”, chị Q.T nói.

 

Anh Chiêu Đăng, từng du học Malaysia ngành Quản trị kinh doanh cho rằng môi trường làm việc ở các công ty Việt Nam chưa kích thích được sự sáng tạo.

 

“Tôi ở nước ngoài thấy có nhiều mô hình hay, đề xuất để công ty Việt Nam áp dụng thì có khi lại không được ủng hộ. Thường thì họ chỉ thích giữ cách làm việc truyền thống chứ không muốn thay đổi. Một mình không thể thay đổi cả công ty được nên buộc lòng phải chạy theo cái guồng đã có sẵn. Nếu không chịu chấp nhận thì mình mới là người bị đào thải” - anh Đăng chia sẻ kinh nghiệm của mình.

 

"Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải đào tạo sao cho khi rời ghế nhà trường các em phải biết tự mình đặt ra nhiệm vụ là phải làm gì để xây dựng đất nước..."- cựu lãnh đạo ngành GD TPHCM.

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Mỹ

 

Quan trọng là chính sách thu hút nhân tài linh hoạt để người đi và ở đều thấy được lợi ích bản thân và cộng đồng, xã hội. 

 

 TS Đặng Trường Sơn

 

Thi tuyển phải công bằng, đãi ngộ tốt mới hút được nhân tài

 


			Sinh viên tại Canada - Ảnh: renjie.ca

Sinh viên tại Canada - Ảnh: renjie.ca

 

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng thường các du học sinh về nước sẽ gặp khó khăn trong việc tìm công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng và thường phải làm việc không đúng chuyên ngành.

 

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM cho rằng ai cũng có quyền lựa chọn cho mình nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp với ý thích, nguyện vọng của bản thân.

 

“Doanh nghiệp Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ. Không những vậy, văn hóa gia đình trong công việc vẫn còn tồn tại rất nhiều. Vậy nên sự tương thích của du học sinh đối với môi trường làm việc ở Việt Nam là không nhiều. Tiền lương đãi ngộ của các doanh nghiệp cũng không đủ sức hấp dẫn.

 

Loại bỏ những yếu tố tiêu cực và không công bằng thì nếu người du học sinh chấp nhận môi trường làm việc trong nước, có tinh thần phục vụ tổ quốc thì vẫn có thể về làm việc ở Việt Nam. Nhưng các cơ quan, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức làm việc. Còn nếu cứ khăng khăng giữ truyền thống thì khó thu hút nhân tài" - ông Tuấn nhận định.

 

Theo GS Kỳ Anh, muốn tuyển dụng người nước ngoài về nước làm việc thì trước hết là phải có cơ chế, chế độ chính sách thu hút người tài, không chỉ ở nước ngoài mà cả ở trong nước.

 

“Phải tạo điều kiện để họ đóng góp trong lĩnh vực mà họ có khả năng và yêu thích chứ không chỉ là làm công chức hoặc làm những công việc không đúng sở trường. Bên cạnh đó nhà nước cũng phải thúc đẩy quá trình minh bạch trong tuyển dụng”, GS Kỳ Anh phân tích.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng không chỉ mạnh tay, rộng cửa với du học sinh mà ngay cả những người tốt nghiệp trong nước cũng phải làm sao đảm bảo được cuộc sống cho họ.

 

“Đặc biệt trong các lĩnh vực cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì không nên có các bài thi chung cho tất cả mọi thành phần. Nên chú trọng vào tay nghề và chuyên môn của họ chứ không nên quá chú trọng vào chuyện nguyên tắc”, ông Trần Anh Tuấn nhận định.

 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> GS Nguyễn Võ Kỳ Anh

 

>> Ông Trần Anh Tuấn

 

>> Anh Chiêu Đăng

 
 
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722845

TRUY CẬP HÔM NAY: 7508

ĐANG ONLINE: 24