CHUYÊN ĐỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CUỐI NĂM 2015


CHUYÊN ĐỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CUỐI NĂM 2015

ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN ANH TUẤN - PHÓ GIÁM ĐỐC

TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM - NGÀY 3.11.2015

 

Câu 1 - Xin chào ông, đầu tiên xin ông cho biết về thị trường lao động trong những tháng cuối năm?

 

Trả lời:

 

Trong 02 tháng cuối năm 2015 Kinh tế Việt nam; từng Tình-Thành và tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, các ngành công nghiệp trọng yếu ngày càng chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng chung, đồng thời sự chuyển dịch cơ cấu trong các ngành kinh tế tốt hơn, theo hướng chuyển dần sang các ngành có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Do vậy, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng.

 

Hai tháng cuối năm 2015, nhu cầu sử dụng lao động theo hướng lao động có trình độ, tay nghề đồng thời tăng nhu cầu lao động phổ thông, sơ cấp nghề để phục vụ nhu cầu sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm.

 

   Dự kiến thị trường lao động 02 tháng cuối năm tại thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng 37.000 chỗ làm việc và 20.000 lao động thời vụ, việc làm bán thời gian.

 

Về trình độ chuyên môn: Đại học – Trên đại học (20%), Cao đẳng (15%), Trung cấp (22%), CNKT (7%), Sơ cấp nghề (6%), Lao động phổ thông (30%). Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục chú trọng lao động có trình độ, tay nghề.

 

Về ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều như là: Kinh doanh, Dịch vụ - Phục vụ, Công nghệ thông tin, Dệt may – Giày da, Du lịch, Tư vấn – Bảo hiểm, Cơ khí, Điện tử,  Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng – Kiến trúc…

 

Câu 2 - So với cùng kỳ năm trước có những thay đổi biến động gì thưa ông?

 

Trả lời:

 

Đặc điềm nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2015 là xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ, nghề chuyên môn. Nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở các nhóm ngành nghề như: Kinh doanh – Bán hàng (25,27%); Dịch vụ phục vụ (17,35%);Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (9,57%); Công nghệ thông tin (7,28%); Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (5,39%), Kinh doanh tài sản bất động sản (3,7%);…

 

So với cùng kỳ năm 2014 chỉ số nhu cầu tuyển dụng năm 2015 tăng lao động có trình độ Đại học – Trên đại học (16,50%), Cao đẳng (18,24%), Trung cấp (20,74%), CNKT (11,90%) tăng 44,61%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông năm 2015 chiếm 24,56% (giảm 29,53%) so với năm 2014 giảm nhiều trong các nhóm ngành nghề như Dệt may – Giày da, Dịch vụ - Phục vụ, Kinh doanh - Bán hàng ; nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp chiếm 8,06% thường xuyên tuyển dụng ở các vị trí như: Lễ tân – phục vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên giao nhận, bảo vệ,...

 

Về kinh nghiệm: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực có kinh nghiệm chiếm 62,4%: trong đó nhu cầu tuyển dụng nhân lực với 01 năm kinh nghiệm chiếm 42,55%, 2 năm – 5 năm kinh nghiệm chiếm 18,69%, trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 1,16%; nhu cầu tuyển dụng nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm chiếm 37,6%. Nhu cầu tìm việc năm 2015 tập trung nhiều ở lao động có kinh nghiệm (cao nhất ở nhóm người lao động có kinh nghiệm từ 02 – 05 năm). Cho thấy, thị trường lao động tiếp tục dịch chuyển lao động có kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp, bên cạnh đó việc tái cấu trúc doanh nghiệp khiến một bộ phận người lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phải tìm công việc khác.

 

Về nhu cầu tìm việc làm: Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc nhiều là: Kế toán – kiểm toán (26,30%); Hành chính văn phòng (10,81%); Kinh doanh – Bán hàng (8,17%); Cơ khí tự động hóa (5,88%); Kiến trúc – Kỹ thuật công trình – Xây dựng (5,86%)…Nhu cầu tìm việc có trình độ Đại học – Trên đại học chiếm 65,13%. Chủ yếu ở các nhóm ngành Kế toán – kiểm toán; Kinh doanh – Bán hàng, Hành chính văn phòng; Cơ khí tự động hóa, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Marketing – Quan hệ công chúng…Người tìm việc có trình độ Trung cấp – Cao đẳng chiếm 31,72%. Nhu cầu tìm việc ở các nhóm ngành Dệt May – Giày da, Mộc – Mỹ Nghệ - Tiểu thủ công nghiệp, Y dược – Chăm sóc sức khỏe. Nhu cầu tìm việc lao động phổ thông – Sơ cấp nghề - CNKT chiếm 24,56% chủ yếu ở các nhóm ngành Dịch vụ - phục vụ (bảo vệ, giúp việc gia đình…), Bán hàng, Vận tải,…

 

ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động

 

 Câu 3 - Lâu nay tình hình Cung - Cầu nhân lực vẫn không gặp nhau. Theo ông đâu là hạn chế cần khắc phục?

 

 Trả lời:

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

 

Tuy nhiên, việc phát triển thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng, đặc biệt chất lượng lao động chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa ba yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

    Có nhiều nguyên nhân trong quan hệ cung - cầu của thị trường lao động dẫn đến thực trạng trên như công tác dự báo và thông tin thị trường lao động chưa được quan tâm, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện hiệu quả nhằm tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành. Vấn đề nghịch lý là đang thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng

 

   Với góc nhìn của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về thị trường lao động thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, theo tôi, có ba vấn đề thách thức: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm).

 

    Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế nghịch lý

 

Câu 4 - Để có một công việc phù hợp trong thời gian này, các ứng cử viên, lao động cần lưu ý gì, thưa ông?

 

Trả lời:

 

Thị trường lao động hiện nay và sắp tới được đánh giá là thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và có tay nghề chất lượng cao. Theo đó, người tham gia lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ để hòa nhập vào thị trường năng động hiện tại và những năm tới.

 

     Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TP.HCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng: giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực; làm việc theo nhóm; thương thuyết; tính linh hoạt; thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo… 

 

    Nhiều doanh nghiệp hiện nay có những cách phỏng vấn khác nhau, từ kiểu hỏi đáp thân mật để đánh giá độ “chân thành” của ứng viên cho đến việc tạo áp lực bằng cách liên tục đưa ra các tình huống khó khăn để xem xét năng lực thực sự của người được phỏng vấn. Nhưng dù phải ứng phó với kiểu phỏng vấn nào đi nữa, người lao động phải luôn giữ được sự tự tin, 40% doanh nghiệp xem giao tiếp là kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần có.

 

    Hiện nay đa số các doanh nghiệp trả lương theo vị trí làm việc của người lao động được tuyển chọn và thỏa thuận hợp đồng lao động theo quy định pháp luật về điều kiện, mức lương, chính sách phúc lợi... nếu vị trí làm việc và bằng cấp tương xứng nhu cầu tuyển dụng thì người lao động được hưởng lương theo bằng cấp và có thể cao hơn.

 

     Trong quá trình thích ứng với doanh nghiệp, sinh viên phải luôn hoàn thiện, cạnh tranh với chính mình. Bên cạnh đó, các bạn cần làm quen với việc không chỉ cạnh tranh với sinh viên cùng ngành mà còn phải cạnh tranh quốc tế.

 

Để thành công và phát triển nghề nghiệp, về khía cạnh người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, tôi nhận thấy có  những vấn đề cần chú ý đối với sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp và người lao động trong quá trình lao động làm việc:

 

a. Tìm đúng nghề và phát triển công việc

 

Người lao động trong thị trường lao động hội nhập khu vưc và quốc tế cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Sự phù hợp nghề và kế đến là đam mê khám phá thế giới nghề nghiệp là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người, để nâng cao năng lực và giá trị bản thân định hướng và có trọng tâm phấn đấu, rất cần phải thường xuyên tự đánh giá các yếu tố như: Kiến thức; Kinh nghiệm; Kỹ năng; Tính cách; Động lực; Sức khỏe; Gia đình; Quan hệ bạn bè; Đối tác; Cách giao tiếp; Hình thức bên ngoài…

 

b. Biết xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp

 

 Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.

 

c. Xây dựng giá trị hành nghề

 

Không ai là hoàn hảo, nhưng nếu một người có nhiều “thói quen xấu” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc nhu làm việc đi trễ, về sớm, nói nhiều hơn làm, tự kỷ, tự mãn, tự kiêu, tự ti, xem thường đạo đức trách nhiệm, không chấp hành nội quy kỷ luật, lãng phí tài sản, lãng phí thời gian... Xem thường những hành vi nhỏ này có thể gây hậu quả to lớn cho nghề nghiệp.

 

Cảm ơn ông Trần Anh Tuấn!

 

Trần Anh Tuấn

                                                                                                     Phó Giám đốc

                                                                                 Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                           và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024704815

TRUY CẬP HÔM NAY: 9469

ĐANG ONLINE: 79