Tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao


Với 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề, TPHCM đào tạo cho xã hội trên 300.000 lao động mỗi năm. Với số lượng đó, TPHCM là địa phương hàng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Tại khu vực Nam bộ, TPHCM cũng là địa phương cung ứng 100% nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành nông - lâm - thủy sản, khoa học tự nhiên và y dược cho toàn vùng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, thị trường lao động thành phố đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường lao động thành phố vẫn còn nhiều hạn chế: còn sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng; đặc biệt, chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý ở đây, TPHCM đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 65% số người đang tìm việc. Còn doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm người làm được việc - người có kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.

Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý. Trước hết, thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp.

Bên cạnh đó, thành phố cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề. Xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa lao động và gia tăng thất nghiệp.

Đi đôi với việc hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực, thành phố cần mở rộng toàn diện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn. Tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp.


TRẦN ANH TUẤN
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

và Thông tin thị trường lao động TPHCM


Nguồn: sggp.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880040

TRUY CẬP HÔM NAY: 2354

ĐANG ONLINE: 19