Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chìa khóa để Việt Nam bước vào hội nhập


(CLO) Nhà kinh tế Mỹ được giải thưởng Nobel, J.E.Stiglitz đã từng nói: Hiện tại trong sự thay đổi nhận thức của thế giới, không phải tăng trưởng kinh tế, không phải đầu tư là mục tiêu cần giải quyết, mà 3 vấn đề cấp bách cần thiết để nâng cao phúc lợi của mỗi con người/quốc gia đó là: Chính sách Việc làm/thất nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động.

 

Trong bối cảnh hiện nay khi các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua Kế hoạch hành động AEC và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, vấn đề nâng cao nguồn nhân lực của Việt Nam càng phải được chú trọng đầu tư một cách triệt để.

 

laodongg

Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, VCCI cho rằng: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế nếu như nhược điểm về năng suất lao động của chúng ta không được khắc phục. Ảnh: Internet

 

Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm). Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong giai đoạn 2002 – 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm.

 

Thêm một thực tế đáng buồn nữa ở Việt Nam là lao động tốt sẽ tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài với mức lương cao hơn trong nước, còn ở trong nước, các công việc tốt cũng sẽ rơi vào tay các lao động nước ngoài vì họ luôn có lợi thế về ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp.

 

Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ… trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho biết: “Thực trạng thị trường lao động nước ta thể hiện nghịch lý là thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển”.

 

Sự cần cù, chăm chỉ của lao động Việt Nam chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

 

Khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức thành lập, thị trường lao động Việt Nam sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, nếu không nâng cao được chất lượng thì lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. AEC một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015. Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Điều đó sẽ là một thử thách khó khăn vì khi lao động các nước AEC được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên, sức ép cạnh tranh đối với lao động của nước sở tại sẽ là rất lớn.
 

Giang Phan

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867631

TRUY CẬP HÔM NAY: 509

ĐANG ONLINE: 4