Thí sinh vẫn đổ xô vào nhóm kinh tế


Dù nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ thất nghiệp của nhóm sinh viên ngành kinh tế sau khi ra trường nhưng trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh vẫn đổ xô vào nhóm ngành này.

 

Điểm chuẩn tăng vọt

 

Năm nay, trường ĐH Kinh tế TP. HCM tuyển 4.400 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ là 18. Thế nhưng, điểm chuẩn cho tất cả các ngành là 23,25 điểm. Trong khi đó, năm 2013, trường lấy điểm chuẩn là 20 và năm 2014 là 21 điểm. Thống kê của trường cũng cho thấy, có hơn 10.000 hồ sơ đã nộp vào trường. TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Điểm chuẩn vào trường năm nay là kỷ lục trong lịch sử trường. Chúng tôi đã được Chính phủ cho tự chủ kể từ năm học này. Trường đã sửa chữa, nâng cấp phòng học và các trang thiết bị để phục vụ sinh viên tốt hơn. Thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều, điểm chuẩn tăng cao chứng tỏ uy tín đào tạo của trường ngày càng được xã hội ghi nhận”.

 

Điểm chuẩn của trường ĐH Ngân hàng TP. HCM cũng tăng mạnh từ 18,5 năm 2014 lên 21,75 ở mùa tuyển sinh năm nay. Tương tự, trường ĐH Kinh tế -Luật (ĐHQG TP. HCM), năm nay cũng có số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển cao hơn những năm trước. Điểm chuẩn khối ngành Kinh tế tăng từ 3 – 4 điểm, dao động từ 22 – 25,5 điểm. Điểm chuẩn tăng mạnh khiến nhiều thí sinh bất ngờ bởi năm 2013, trường này còn phải xét tuyển đến nguyện vọng bổ sung.

 

Tại các trường đại học đào tạo đa ngành, thí sinh cũng ào ào nộp hồ sơ vào khối ngành Kinh tế. Tại trường ĐH Sài Gòn, trong khi điểm chuẩn các ngành: Việt Nam học, Tâm lý học, Khoa học Thư viện, Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Điện tử – Truyền thông chỉ từ 18,5 – 22 điểm thì các ngành thuộc khối Kinh tế: Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng lại có điểm chuẩn từ 25,5 – 28 điểm.

 

Thí sinh và phụ huynh canh điểm chuẩn dự kiến để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP. HCM trong mùa tuyển sinh năm nay.

Thí sinh và phụ huynh canh điểm chuẩn dự kiến để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP. HCM trong mùa tuyển sinh năm nay.

 

Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM có hơn 7.000 thí sinh nộp hồ sơ vào nhóm ngành Kinh tế. Trong 22 ngành ở bậc đại học thì Quản trị Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh tổng hợp là 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường, với 20,75 điểm. Còn trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, nhóm ngành Kinh tế có điểm chuẩn cao thứ hai toàn trường và chỉ đứng sau ngành Công nghệ Thực phẩm.

 

Tại trường ĐH Hoa Sen, hồ sơ nộp vào các ngành khối Kinh tế lên đến 110 – 120% chỉ tiêu. Tại các trường đại học khác, như: Kinh tế Tài chính TP. HCM, Công nghệ Sài Gòn, Văn Hiến, Công nghệ thông tin Gia Định, Công nghệ TP. HCM… sinh viên nhập học khối ngành Kinh tế cũng đông hơn các ngành khác.

 

Thất nghiệp chực chờ

 

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, sự lựa chọn nghiêng về nhóm ngành Kinh tế quá lớn là điều rất đáng lo ngại, sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế khi ra trường: “Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo, đi tư vấn tuyển sinh, chúng tôi cũng hướng thí sinh vào nhóm ngành Kỹ thuật, Xã hội Nhân văn nhưng không hiểu sao, các bạn vẫn thích chọn Kinh tế. Đến khi các bạn ra trường, không tìm được việc làm thì lãng phí thời gian, tiền bạc…”.

 

Thí sinh đổ xô vào nhóm ngành Kinh tế là do nghĩ việc nhẹ, ngồi ở văn phòng máy lạnh, lương cao và dễ thăng tiến. Trong khi các nhóm ngành khác thì thu nhập thấp, công việc vất vả. “Điểm chuẩn của nhóm ngành Kinh tế luôn đứng đầu ở các trường. Vì vậy, nếu sinh viên cảm thấy không phù hợp hoặc định hướng lại nghề nghiệp thì nên làm đơn xin chuyển qua ngành học khác. Theo quy định, chỉ cần học hết năm thứ nhất, sinh viên được chuyển qua ngành học có cùng khối thi và điểm chuẩn không cao hơn nhóm ngành Kinh tế”, ông Sơn cho biết.

 

GS. TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho biết, tỷ lệ sinh viên có việc làm khi vừa ra trường của nhóm ngành Kinh tế là 30%. Trong khi đó, ở nhóm ngành Kỹ thuật thì tỷ lệ này lên tới 70%. Ông Lượng nói: “Nhiều sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật vừa bảo vệ xong đồ án thì được doanh nghiệp đứng ngay ở cửa mời về làm việc, với mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng, thí sinh vẫn đổ xô vào nhóm ngành Kinh tế. Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhân viên của trường đã tích cực tư vấn cho thí sinh nên chọn nhóm ngành Kỹ thuật để dễ xin việc làm sau khi ra trường. Thế nhưng, thí sinh vẫn chọn nhóm ngành Kinh tế”.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết: “Trong 3 năm gần đây, sinh viên nhóm ngành Kinh tế ra trường thường khó tìm việc làm hơn so với những nhóm ngành khác. Kinh tế khủng hoảng, nhiều công ty phá sản, số lượng sinh viên ra trường quá đông là những nguyên nhân khiến cho sinh viên nhóm ngành Kinh tế khó tìm việc”. Một số nhóm ngành tại TP. HCM đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều là: Kinh doanh – bán hàng, Dịch vụ – phục vụ, Dệt may – Giày da, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Công nghệ thông tin, Dịch vụ thông tin – Tư vấn – Chăm sóc khách hàng… Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ngành Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng luôn có mức tuyển dụng thấp.

 

Ông Tuấn khẳng định: “Theo nhu cầu nhân lực tại TP. HCM từ năm 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì mỗi năm, nhóm ngành Kinh tế sẽ tuyển khoảng 10.800 lao động. Trong khi đó, hầu hết các trường đại học và cao đẳng đều dồn chỉ tiêu vào nhóm ngành Kinh tế. Vì thế, nếu không định hướng và tư vấn lại xu hướng chọn nghề, tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng cao hơn nữa”.■

QUANG DUY

 

Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. Số lao động có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp là gần 178.000 người, lao động thất nghiệp cao đẳng thất nghiệp là hơn 100.000 người.

 

Nguồn: http://svvn.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722615

TRUY CẬP HÔM NAY: 7266

ĐANG ONLINE: 23