3 thách thức đào tạo nhân lực: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp


(Đời sống) - Chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng rất quan trọng. Tuy nhiên việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí...

 

3 thach thuc dao tao nhan luc: Ky nang, ngoai ngu va tac phong cong nghiep
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (LĐ) TP.HCM cho biết:

 

“Tôi hoàn toàn nhất trí cao với mục tiêu: đến năm 2020, tỷ lệ LĐ đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số LĐ làm việc. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 625.000 LĐ (bình quân 125.000 LĐ/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%...

 

Với 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề, đào tạo cho xã hội trên 300 ngàn LĐ mỗi năm, TP.HCM là địa phương hàng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực.

 

Tại khu vực Nam bộ, TP.HCM cũng là địa phương cung ứng 100% nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành nông - lâm - thủy sản, khoa học tự nhiên và y dược cho toàn vùng.

 

Trong quá trình hòa nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường LĐ thành phố đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

 

Tuy nhiên, việc phát triển thị trường LĐ thành phố vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu LĐ về số lượng, đặc biệt chất lượng LĐ chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập”.

 

* Chất lượng LĐ chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập như thế nào, thưa ông?

 

- Nghịch lý ở đây, thành phố đang rất thừa LĐ nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành nghề vẫn luôn hiện diện.

 

Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc. Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa ba yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

Với góc nhìn của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP.HCM về thị trường LĐ thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, theo tôi, có ba vấn đề thách thức: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm).

 

Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế nghịch lý

 

* Để giải quyết ba vấn đề thách thức nói trên, đồng thời đạt được các chỉ tiêu dự thảo đề ra, ông có “hiến kế” gì?

 

- Thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng LĐ.

 

Các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp; phát triển đào tạo liên thông theo loại hình vừa học vừa làm, thống nhất không phân biệt bằng cấp theo loại hình đào tạo.

 

Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh, người LĐ phù hợp phát triển thị trường LĐ theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp như: năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm LĐ; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường LĐ và pháp luật LĐ.

 

Song song đó, phải xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Hình thành và phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia, khu vực và quốc tế.

 

Xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng, gây tình trạng thừa thiếu LĐ và gia tăng thất nghiệp.

 

Quy hoạch tổng thể đào tạo nghề, sắp xếp lại hệ thống dạy nghề trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường LĐ và khả năng đào tạo của các trường nghề, phát triển một số trường đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả đào tạo thu hút nhiều học viên. Chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

 

Tuy vậy, việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước, cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Công tác đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học, cao đẳng cần phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Quỳnh Mai (thực hiện)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719800

TRUY CẬP HÔM NAY: 4305

ĐANG ONLINE: 79