Để TPHCM có chất lượng sống tốt: Cần có ba đảm bảo


Một trong những mục tiêu của TPHCM trong giai đoạn 2015-2020 được đưa ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu TPHCM là “xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”. Đây là mục tiêu rất hay, rất đúng, rất trúng và có thể nói là đầy tham vọng vì đặt ra trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với bộn bề các vấn đề. Song, nếu thành phố thể hiện rõ quyết tâm, triển khai đồng loạt các giải pháp thì tôi tin rằng mục tiêu này có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Đảm bảo an toàn, kinh tế và chất lượng con người

“Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” là mục tiêu rất hay, rất bao quát, nó đủ thay thế cho tất cả mọi thứ khác. Chất lượng sống tốt thì hiển nhiên phải bao hàm giá trị vật chất, tinh thần; bao quát được cả các yếu tố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” mà bấy lâu nay chúng ta xây dựng.

Thế nào là thành phố có chất lượng sống tốt? Trước tiên, đó phải là nơi an toàn. Vấn đề hiện nay của xã hội của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng đang phải đối mặt là cuộc sống rất không an toàn về nhiều phương diện: tai nạn giao thông thường trực; thực phẩm “bẩn” tràn lan; trật tự xã hội chưa được đảm bảo do nạn trộm cắp, cướp giật, hút chích chưa được ngăn chặn... Vì vậy, để có thể nói đến chất lượng sống tốt thì trước hết, con người phải được sống trong một môi trường an toàn. Đây là mức độ thấp nhất, mức độ tối thiểu, song cũng là thách thức không nhỏ đối với TPHCM.

Sau yêu cầu đảm bảo an toàn thì đến yêu cầu đảm bảo kinh tế. Vì nghèo thì làm sao mà có thể có chất lượng sống tốt được! Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của TPHCM đạt trên 5.000USD, dù cao hơn trung bình cả nước nhưng cũng còn xa để có thể nói đến chất lượng sống tốt.

Yêu cầu thứ ba, quan trọng hơn, là đảm bảo chất lượng con người. Đảm bảo chất lượng con người chính là nội dung cốt lõi của việc xây dựng văn hóa. Có thể nói là mọi khó khăn, mọi bức xúc về tất cả các mặt lâu nay đều có nguyên nhân sâu xa từ văn hóa, bởi văn hóa chính là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của phát triển. Nền văn hóa truyền thống của chúng ta vốn mang đậm bản chất nông nghiệp - nông thôn. Toàn bộ hệ giá trị văn hóa truyền thống là văn hóa phục vụ cho cuộc sống trong làng xã. Nó rất thích hợp, rất tuyệt vời nếu chúng ta tiếp tục sống ở nông thôn, làm nông nghiệp. Nhưng trong thành phố, trong môi trường đô thị, mọi chuyện lại khác.

Trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, những con người đi ra từ văn hóa truyền thống lại đang sinh sống ở đô thị trong một không gian văn hóa hoàn toàn mới là văn hóa công nghiệp - đô thị. Sự chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại, từ văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp, từ văn hóa nông thôn làng xã sang văn hóa đô thị phố phường đã tạo ra sự xung đột văn hóa. Xung đột này gây nên những biến động lớn về giá trị. Từ đó bộc lộ nhiều điểm xấu trong năng lực, thói quen, cách ứng xử của con người - hoàn toàn chưa đạt yêu cầu, chuẩn mực của một xã hội công nghiệp - đô thị. Cũng chính do xung đột mà các thói hư tật xấu nảy sinh và phát triển, chúng sẽ phá hỏng mọi thứ khác. Hơn đâu hết, TPHCM với sức hút của mình luôn được bổ sung một lượng dân nhập cư cố định và lâm thời rất lớn, không chỉ từ khu vực Nam bộ mà từ cả nước. Bởi vậy mà thách thức đối với TPHCM tăng lên gấp bội.

Con người là trung tâm

Ba mặt đảm bảo an toàn, đảm bảo kinh tế và chất lượng văn hóa - con người tạo nên thách thức rất lớn đối với TPHCM để thực hiện mục tiêu chất lượng sống tốt. Song TPHCM cũng là nơi hội tụ được nhiều thế mạnh giúp cho việc thực hiện mục tiêu này.

Trong đó, điểm mạnh quan trọng nhất là con người TPHCM hội tụ được những tính cách văn hóa tinh hoa của con người Nam bộ: chân thành, rộng rãi, cởi mở, hướng ngoại. Đây là những phẩm chất tính cách rất thích hợp cho việc xây dựng văn hóa đô thị, văn minh công nghiệp. Cộng thêm vào đó, ngay từ khi hình thành, Sài Gòn đã tiếp nhận một bộ phận người Hoa tới đây làm ăn và suốt từ khi hình thành đến nay, Sài Gòn - TPHCM không ngừng tiếp xúc với phương Tây. Sự giao lưu văn hóa văn minh này đã tác động khiến cho cư dân ở vùng đất này có khá nhiều phẩm chất, tác phong của văn hóa văn minh công nghiệp, hiện đại.

Sức hút lớn của TPHCM là đặc điểm mang tính hai mặt, nó vừa là trở ngại như đã nói ở trên, nhưng cũng đồng thời là nguồn bổ sung không ngừng những con người thông minh, năng động đến từ mọi miền đất nước, tạo nên một thành phố đông dân nhất, luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực, có nhiều quyết sách sáng tạo rồi lan ra cả nước. Thế mạnh này giúp TPHCM có điều kiện thuận lợi hơn cả nước, là lợi thế để thành phố làm đầu tàu thực hiện công cuộc chuyển hóa thành nơi có chất lượng sống tốt.

Như vậy, để xây dựng TPHCM thành nơi có chất lượng sống tốt, điều cần quan tâm nhất là chất lượng con người, cần phải ưu tiên xây dựng con người, giải quyết những vấn đề của con người. Nếu không có những con người với ý thức của cư dân đô thị, cư dân công nghiệp thì sẽ không thể nào có chuyện sống văn minh, dù rằng điều kiện vật chất có cao đến mấy, dù kinh tế có phát triển đến mấy.

 

Nghĩa tình là một giá trị truyền thống quý báu của người Việt, song giờ đây cũng cần hiểu phải hiểu rộng hơn. Nghĩa tình trong truyền thống văn hóa làng xã là nghĩa tình của những con người quen biết nhau, biết nhau mới hỗ trợ nhau, mới giúp đỡ nhau, mới tình nghĩa với nhau. Trong văn hóa mới, trong bối cảnh hiện nay, thì nghĩa tình truyền thống là chưa đủ, mà cần nói đến ý thức trách nhiệm xã hội. Nếu ta cứ nhấn mạnh nghĩa tình, thì mặt trái không mong muốn là vẫn kéo theo tính cộng đồng làng xã; mà cộng đồng làng xã thì cũng đồng nghĩa với dựa dẫm, bao cấp, cào bằng, bè phái..., rất khó cho việc phát triển. Muốn phát triển xã hội thì phải phát triển con người cá nhân. Muốn phát triển con người cá nhân thì cần phát huy bản lĩnh cá nhân, sự độc lập trong tư duy, trong lời nói và trong hành động. Mỗi con người cá nhân có suy nghĩ riêng, có tư duy độc lập, có bản lĩnh, tự mình biết phân biệt xấu tốt, đúng sai một cách trung thực, khách quan thì cả xã hội mới đi lên được. Chúng ta đang cần những con người như thế!

Mục tiêu vì con người, giải pháp từ con người

Những giá trị mà người dân TPHCM trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần có như trung thực, bản lĩnh, có ý thức xã hội và tuân thủ pháp luật đều là những phẩm chất mà những mầm mống của chúng đều đã có sẵn trong con người Nam bộ. TPHCM cần lấy văn hóa bản địa làm gốc để tuyên truyền, nhân rộng những tính cách đó lên, xây dựng bản sắc văn hóa Sài Gòn - TPHCM. Mà bộ phận dân cư đầu tiên cần tập trung xây dựng những phẩm chất tính cách này chính là các quan chức, công chức hoạt động trong bộ máy chính quyền từ thành phố đến cấp cơ sở phường, xã. Khi đó, chất lượng con người sẽ được đảm bảo; văn hóa đô thị, văn minh công nghiệp sẽ sớm hình thành.

Một khi đã có con người với những phẩm chất quan trọng cần thiết rồi thì các quan chức, công chức sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn; trước các vấn đề nảy sinh mà công việc quản lý đô thị đặt ra sẽ suy nghĩ và làm việc một cách khoa học bài bản hơn, không còn chắp vá, đối phó; khi gặp sai sót sẽ không còn đổ lỗi cho dân, đùn đẩy trách nhiệm sang người khác, bộ phận khác. Dân chúng ở nhà cũng như ra đường sẽ ứng xử văn minh hơn, sẽ có trách nhiệm hơn với chính mình và với mọi người, không còn giành đường khi giao thông, không còn vô cảm trước nỗi đau của người khác, không còn xả rác bừa bãi trên vỉa hè, trước miệng cống. Mà nếu có thì luật pháp nghiêm minh sẽ buộc họ sớm đi vào nề nếp. Khi đó sự an toàn cho con người sẽ được đảm bảo.

Một khi đã có con người có chất lượng thì bài toán đảm bảo kinh tế cũng sẽ được giải quyết dễ dàng. Quan chức, công chức có đạo đức tốt, suy nghĩ và làm việc một cách khoa học bài bản, ứng xử một cách trung thực khách quan thì sẽ không còn lãng phí, ngân sách sẽ được sử dụng hợp lý. Dân chúng có niềm tin vào bộ máy quản lý thì hiệu quả, năng suất sẽ tăng nhanh. Một vấn đề kinh tế có tính then chốt là chế độ chính sách về lương bổng. Hiện nay chế độ lương bổng vẫn theo kiểu đối phó, giật gấu vá vai; lương không đủ sống, phụ cấp tăng được một chút thì giá cả đã đua theo tăng gấp mấy lần. Cần có biện pháp quyết liệt, giải quyết cơ bản để thực sự sống được bằng lương. Cần tính toán lại, tập trung tất cả các khoản tiền mà mỗi cá nhân thu được từ nhiều nguồn trong một tháng trả hết vào lương, để người nào tập trung lo làm tốt việc của người nấy, không chân trong chân ngoài, ôm việc của người khác trong khi hời hợt việc của mình. Có nghĩa là tổng công sức mỗi người bỏ ra vẫn thế, tổng số tiền nhà nước bỏ ra chi trả vẫn thế, nhưng quy hoạch, sắp xếp lại sao cho người nào làm đúng việc của người đó, nhận đủ lương của mình, gọi là chính danh, thì xã hội sẽ sớm ổn định và phát triển.

GS - TSKH TRẦN NGỌC THÊM 
(Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM)

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933154

TRUY CẬP HÔM NAY: 5948

ĐANG ONLINE: 23