Năng suất lao động thấp - thách thức hội nhập


(HQ Online)- Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, năng suất lao động phải được cải thiện nếu Việt Nam muốn bước lên nấc thang cao hơn.

 

Thiếu lao động trình độ cao là một hạn chế của lao động Việt Nam. (Ảnh: Thu Dịu)

 

Thua kém

 

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy: “Nếu năng suất lao động của các nước đứng yên thì cũng phải mất 12 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp Indonesia, Philippines và cần 20 năm để bắt kịp Thái Lan. Còn nếu giả định cùng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như hiện nay của các nước trong khu vực thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới có thể xóa bỏ cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines, còn với Thái Lan là 50 năm”.

 

Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao; chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; tỷ lệ DN công nghệ thấp, trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012.
Ngoài ra, theo cơ quan thống kê, trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp.

 

Khoảng cách chênh lệch lớn này không phải là điều lạ lùng bởi các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đã từng nhiều lần cảnh báo về năng suất lao động của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6-2014 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương mà ILO thu thập được số liệu. Theo đó, năng suất của lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

 

Kết quả này cũng gần như đồng nhất với con số chính thức được Tổng cục Thống kê công bố năm 2014. Đó là dù liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005 - 2014 nhưng năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc .

 

Hệ quả của năng suất lao động thấp cũng được cơ quan này chứng minh bằng các con số cụ thể. Tại hội thảo khoa học Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng thế giới tổ chức, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ những lo ngại về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo ông Lâm, từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010. GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

 

“Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm…” - ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

 

Thách thức hội nhập

 

Với tình trạng năng suất lao động như trên, TS Hồ Đình Bảo, Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: “Như thế hội nhập rất khó khăn”. Khó khăn trước mắt và hiện hữu chính là việc AEC sẽ thành lập vào cuối năm 2015. AEC hình thành mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động trong nước, tuy nhiên lao động Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức do hạn chế về ngoại ngữ, trình độ tay nghề, kĩ thuật bậc cao…

 

Theo dự báo, khi tham gia AEC, số lượng việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Việt Nam chiếm tới 15% tổng lực lượng lao động (300 triệu người) của AEC, là một trong những nước được hưởng lợi nhiều từ việc tham gia AEC. Khi AEC chính thức đi vào hoạt động, có 8 lĩnh vực là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên. Do vậy lao động của những ngành nghề trên sẽ được di chuyển tự do. Đồng thời, nhân lực chất lượng cao thông thạo ngoại ngữ được di chuyển tự do hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam có nhiều việc làm hơn, nhiều lựa chọn hơn và được tự do di chuyển đi làm việc ở các nước trong khối ASEAN.

 

Trong nghiên cứu “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường, kỹ năng làm việc nhóm kém. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn.

 

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng những thách thức lớn của người lao động khi Việt Nam gia nhập AEC là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: Khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trên nhiều diễn đàn cũng đã không ít lần phải lên tiếng rằng: “Trước đây Việt Nam tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, giờ Việt Nam phải tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, quản trị tiên tiến, đặc biệt là tiềm năng con người”.

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880332

TRUY CẬP HÔM NAY: 2651

ĐANG ONLINE: 19