Tránh thất nghiệp, người lao động cần thêm nhận thức và kỹ năng


Cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người. Đây là con số của bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố mới đây. “Mổ xẻ” nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, người học cần phải thay đổi nhận thức và trang bị kỹ năng phù hợp hơn.

 

Định hướng chưa đúng

 

Tính theo trình độ chuyên môn, tiếp sau số lao động có trình độ đại học và sau đại học, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp, số lao động thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học, sau đại học và cao đẳng nghề chủ yếu là mới tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động một cách khó khăn, tỷ lệ này chưa phải là chỉ số phản ánh hết được tình trạng lao động của đất nước. Tuy nhiên thông tin này phần nào đã làm thay đổi nhận thức của xã hội, của gia đình, của những người mong muốn theo đuổi sự nghiệp đại học. Về tỷ lệ thất nghiệp của lao động tốt nghiệp cao đẳng và cao đẳng nghề vẫn ở mức cao, lần lượt là 7,2% và 6,69%, lịch sử đào tạo cao đẳng nghề còn non trẻ, với lịch sử đào tạo khá ngắn, số lượng đào tạo chưa nhiều, hầu hết mới tham gia thị trường lao động nên tỉ lệ 6,69% số cao đẳng nghề chưa có việc làm vẫn là con số khá lạc quan.

 

Xác định nguyên nhân của tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho rằng: Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm và một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực và sở trường cùng xu hướng phát triển của thị trường lao động. Hạn chế lớn khác của sinh viên khi ra trường là đa số chưa định hướng được cụ thể một ngành nghề có chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời hệ thống thông tin thị trường lao động hoạt động cung ứng giới thiệu việc làm còn nhiều bất cập, chưa kết nối được với sinh viên và doanh nghiệp.

 

Hài hòa các yếu tố nghề nghiệp

 

Xu hướng tuyển dụng hiện nay và sắp tới các doanh nghiệp đều rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và ngoại ngữ, có khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp và tác phong làm việc công nghiệp. Khảo sát của Falmi, cho thấy có khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm. Còn 20% rất khó khăn trong tìm việc làm hoặc không tìm được việc làm, làm công việc thấp hơn so với trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm cũng chỉ có 50% có việc làm phù hợp với năng lực và 50% làm việc trái với ngành nghề và thu nhập thấp, việc làm chưa ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác. Thực tế thị trường lao động biểu hiện rõ nét sự chênh lệch về cung cầu, vấn thừa thiếu giữa các ngành nghề vẫn luôn xảy ra. Người có trình độ cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc.

 

Trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 3 yếu tố là: Kiến thức, kỹ năng nghề và đạo đức nghề nghiệp kỷ luật và trách nhiệm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự báo thời gian tới, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật Việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với người lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển bao gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

 

Theo GD&TĐ

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719125

TRUY CẬP HÔM NAY: 3628

ĐANG ONLINE: 91