Góp ý về các giải pháp cải thiện nguồn nhân lực khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN


(LĐXH) - Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách chức cho thị trường lao động TPHCM”. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, quản lý… cùng trao đổi về cơ hội – thách thức, mặt mạnh – hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam, trong đó có TPHCM trước sự kiện Việt Nam tham gia AEC; đồng thời, đề xuất xây dựng các giải pháp thực tiễn để cải thiện chất lượng nguồn lao động và tạo cơ chế thuận lợi trong quá  trình hội nhập kinh tế.

 

 

Các đại biểu nêu lên các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới

 

Tại Hội thảo, các tham luận khoa học đã chỉ rõ về đặc điểm tình hình thị trường lao động TPHCM hiện nay với những thế mạnh và các điểm hạn chế, thách thức của nguồn lao động thành phố trong bối cảnh hội nhập.

 

TS. Trần Văn Thận – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thị trường lao động TPHCM thời gian qua tương đối ổn định. Hằng năm, thành phố có khoảng 270.000 - 300.000 người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc làm. Giai đoạn 2011-2015, ước giải quyết việc làm cho trên 1,4 triệu lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố ước năm 2015 đạt 72,39%.

 

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật đào tạo tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Phân tích sâu hơn, ThS. Lưu Đình Vinh – Trường Cao đẳng kinh tế TPHCM chỉ ra hạn chế của lao động hiện nay là năng suất lao động và kỹ năng lao động. Đây là “điểm nghẽn” nguồn nhân lực TPHCM khi nhập AEC.

 

Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế thì năng suất lao động Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc là 10 lần.  Năng suất lao động thấp là do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội. Năng suất lao động cũng phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhỏ hơn nhưng rất quan trọng như trình độ khéo léo, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố tác phong công nghiệp…

 

Về kỹ năng lao động bao gồm kỹ năng thực hành xã hội và kỹ năng thực hành chuyên môn hiện còn hạn chế. Tại TPHCM, những khảo sát của các tổ chức Quốc tế cho thấy kỹ năng tiếng Anh của người lao động ở mức trung bình thấp. Mỗi năm, TPHCM có khoảng 55.000 sinh viên và học viên ra trường nhưng phần đông khó tìm được việc làm do thiếu kỹ năng mềm, yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế.

 

Còn ThS. Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm WTO thành phố Hồ Chí Minh có những chia sẻ mang tính cảnh báo cụ thể: AEC là một tiến hình, có cơ chế đánh giá mức độ hoàn thành theo từng giai đoạn. Cơ hội chung từ AEC là mở rộng thị trường gấp 7 lần (625 triệu dân so với 90 triệu dân); doanh nghiệp tăng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng; di chuyển lao động có tay nghề dễ dàng. Cơ hội cho thị trường lao động là tạo thêm công ăn việc làm. Nhưng thách thức cũng rất lớn khi bẫy tự do hóa thương mại dẫn đến Việt Nam trở thành nơi gia công và tiêu thụ, người Việt Nam đi làm thuê; mất việc làm có mức lương cao do lao động Việt Nam không đáp ứng yêu cầu…

 

Với góc nhìn của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, ThS.  Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM khẳng định: Có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Nhân sự cấp cao của Việt nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn.

 

Do đó, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TPHCM cần hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện của học sinh, người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động  theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp là năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 1 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất; đầu tư phát triển các hoạt động tư vấn quan hệ doanh nghiệp, thông tin nghề nghiệp – việc làm, tổ chức chuyên nghiệp để mở rộng và hoàn thiện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

 

TS. Nguyễn Hữu Thảo – Đại học Kinh tế TPHCM góp ý: Nhân tố đóng vai trò quyết định cho quá trình hội nhập AEC là giải pháp đào tạo nguồn lao động theo 3 góc độ về cơ cấu, về chất và về lượng nguồn lao động. Đào tạo nguồn lao động theo cơ cấu kinh tế mở đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã mặt hàng nên cần khảo sát cụ thể để xác định cơ cấu nguồn lao động đáp ứng theo yêu cầu của ngành nghề.

 

Khi đã xác định được cơ cấu ngành nghề thì vấn đề còn lại là xác định đúng chất lượng lao động để có kế hoạch đào tạo theo yêu cầu từng loại lao động. Mỗi ngành nghề đều có những yêu cầu cụ thể về chất lượng lao động để có phương thức đào tạo tương ứng. Đào tạo đội ngũ lao động phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. 

 

Thương Hoài

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875881

TRUY CẬP HÔM NAY: 921

ĐANG ONLINE: 8