TPHCM - Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao


Sau hơn 10 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vùng nông thôn TPHCM từ nông nghiệp truyền thống với cây lúa làm chủ đạo đã chuyển sang nông nghiệp đô thị, phát triển những cây con có giá trị như hoa kiểng, cá cảnh, rau an toàn… Góp phần vào việc này, phải nói đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp.

 

Từ 1 đồng nhân lên 33 đồng
Ngay từ đầu, UBND TP xác định sự tham gia của doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Để khuyến khích và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn ngoại thành, TP đã và tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điều kiện quan trọng để đẩy mạnh giao thương, giúp phát triển sản xuất. Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, đạt được những thành tựu cơ bản trong quá trình chuyển dịch này, có một phần đóng góp quan trọng từ các DN. Tùy theo từng giai đoạn, UBND TP đã có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, huy động và phát huy các nguồn lực đa dạng để chuyển dịch cơ cấu, trong đó DN làm đầu tàu phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.
 
Nuôi gà tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Ảnh: CAO THĂNG)
 
Với chính sách hỗ trợ 60% - 100% lãi suất vay thực tế từ các ngân hàng, trong khuôn khổ cho phép và phù hợp với các điều kiện mà Việt Nam tham gia vào WTO, thành phố đã kéo được nhiều DN về nông thôn đầu tư. Mỗi năm ngân sách TPHCM hỗ trợ lãi suất từ 70 - 100 tỷ đồng cho chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị. Trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 8-2015, đã có 11 DN đầu tư được hỗ trợ lãi suất (tổng vốn đầu tư hơn 241 tỷ đồng). Bình quân với 1 đồng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ đã huy động được 33 đồng vốn trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành; trong đó huy động từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng là 20 đồng và từ người dân, DN tự có là 13 đồng. Tổng số việc làm tạo ra trên 40.500 lao động, trong đó có khoảng 5.200 lao động là từ các hộ nghèo. Tỷ suất tổng giá trị sản xuất trên tổng vốn đầu tư đạt 153%.

Chính sách khuyến khích thiết thực này đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất theo hướng cây - con có giá trị, giúp nâng cao giá trị sản xuất 1ha đất canh tác năm 2014 lên bình quân 325 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010 - năm bắt đầu nhân rộng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Qua đó nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn lên 40 triệu đồng/người/năm 2014, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2010, bằng 80,1% so với thu nhập người dân thành thị. Như vậy khoảng cách thu nhập giữa nông thôn ngoại thành và nội đô được rút ngắn. Năm 2010 con số này là 55,4%.
 
Góp sức xây dựng nông thôn mới
TPHCM còn có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới như: Chương trình kích cầu thông qua đầu tư; chương trình hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, trong đó có Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ; chương trình hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ nâng cao năng suất giai đoạn 2013 - 2015. Theo thống kê chưa đầy đủ ở 5 huyện, tính đến tháng 8-2015, đã có 13.047 DN tham gia đầu tư, so với năm 2010 là 6.120 DN (tăng 43,2%); trong đó, 204 DN đầu tư vào nông nghiệp, so với năm 2010 là 76 DN (tăng 37,2%), góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập tại các xã. Không ít DN nông nghiệp còn đẩy mạnh chế biến, sản xuất giống giúp nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP đã chuyển dần theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao; cùng với đó là các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề...).

Không chỉ là vấn đề kinh doanh, lợi nhuận, khi tham gia xây dựng nông thôn mới, các DN còn thể hiện vai trò xã hội khi đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Công ty Giày Viễn Thịnh (huyện Nhà Bè) đã phối hợp với xã chịu trách nhiệm kỹ thuật trong đào tạo nghề, lo buổi ăn trưa trong quá trình đào tạo, sau đó nhận vào làm việc ngay tại nhà xưởng của công ty. Bên cạnh đó, các DN đã cùng với các cơ quan, đoàn thể của thành phố hỗ trợ xóa 2.367 căn nhà tạm, dột nát, nhờ đó cơ bản xóa nhà tạm, dột nát vùng nông thôn ngoại thành. Tổng số tiền các đơn vị hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới để thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và các nội dung phục vụ an sinh xã hội (học bổng, giúp hộ nghèo...) là gần 98,5 tỷ đồng. Thành phố đang nghiên cứu đề xuất nội dung ký kết hỗ trợ chung sức bổ sung giai đoạn tiếp theo, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, học bổng, giảm hộ nghèo (huyện Cần Giờ), an sinh xã hội, hỗ trợ vật tư làm đường giao thông nội bộ… nhằm khuyến khích các DN đẩy mạnh hơn nữa xây dựng nông thôn mới theo mối quan hệ tương hỗ: Nhà nước hỗ trợ chính sách - DN đầu tư sản xuất, hỗ trợ an sinh xã hội - Nhân dân là chủ thể thực hiện, để cùng phát triển.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút DN: Tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; khảo sát nhu cầu, khả năng của DN; tăng cường phối hợp với DN trong việc dự báo sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề khi xác định nhu cầu, gắn với giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương, nhất là với hộ nghèo
 
 
(Theo SGGP)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880482

TRUY CẬP HÔM NAY: 2801

ĐANG ONLINE: 9