THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG KHI VIỆT NAM THAM GIA CỘNG ĐỒNG KINH TẾ CHUNG ASEAN


Năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, một lần nữa các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lại cam kết này, đồng thời quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. AEC được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

 

 

Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng, những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như: Phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung - cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác. “Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC - lần thứ 6, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6.9.2014.

 

Theo lộ trình, vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành. Với thị trường 600 triệu dân của ASEAN, là một trong những thành viên, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, dịch vụ, việc làm.Với sự hình thành của Cộng đồng này, việc làm trong các ngành xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.Tình hình trên đã tác động ngay và trực tiếp đến thị trường lao động  Việt Nam, nhiều ngành nghề đang biến động, lao động dịch chuyển giữa các ngành. Theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động-TBXH  năm 2014, tốc độ dịch chuyển việc làm của người lao động  giữa các doanh nghiệp  vào cuối năm diễn ra nhanh hơn so với những tháng đầu năm (20% so với 15%).

 

Thực trạng đáng buồn hiện nay là ở các cuộc thi tay nghề ASEAN gần đây, lao động  Việt Nam thường đạt thứ hạng khá cao, nhưng hầu hết các doanh nghiệp  của nhiều ngành nghề đều kêu than thiếu trầm trọng lao động  có kỹ năng, tay nghề. Tình trạng chảy máu chất xám là hiện hữu bởi các  doanh nghiệp  ASEAN và ASEAN  có nhiều lợi thế, có kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ cao và các chính sách hấp dẫn sẽ thu hút nguồn lực chất lượng cao, nguồn lực trẻ của khu vực và thế giới.

 

 Các chuyên gia đánh giá, lao động  Việt Nam thiếu sức cạnh tranh còn bởi một điểm yếu cơ bản là năng suất lao động thấp. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 dẫn: Những ràng buộc đối với tăng trưởng của VEPR cho thấy, năng suất trung bình của người lao động  Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, nhỉnh hơn một phần tư của Thái Lan, dưới một phần mười của Malaysia và chưa bằng 3% năng suất của Singapore. Nghĩa là trong khu vực chỉ khá hơn Lào, Campuchia.  Quá trình đang bước vào hội nhập  ,lĩnh vực gặp thách thức nhiều nhất sau sản xuất hàng hóa tiêu dùng khi hội nhập là LĐ. Song, ông đánh giá cho sự chuẩn bị của DN Việt Nam với AEC chỉ là “dưới 5 điểm” (thang điểm 10).

 

 Theo đánh giá chung có tới 60% doanh nghiệp  Việt Nam không biết gì về AEC. Chỉ 20% lực lượng lao động ở Việt Nam có kỹ năng, bộ phận này sẽ dịch chuyển nhiều sang khu vực FDI hoặc sang các nước ASEAN khác. Ngược lại, một bộ phận lao động có kỹ năng từ nước ngoài  sẽ vào Việt Nam – ông Sơn nhận định.

 

  Hội nhập “Cộng đồng kinh tế ASEAN” hình thành vào cuối năm 2015, đang gần đến sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các thanh niên, nhưng cũng không ít thách thức. Qua những buổi nói chuyện với sinh viên các trường trên địa bàn thành phố tôi  có nhận xét về những hiểu biết của  sinh viên về cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 là đa số sinh viên chưa hiểu nhiều và chưa có cách nhìn rõ nét, cụ thể về “hội nhập.Khi hỏi một số sinh viên về Asean và thị trường lao động  thời kỳ hội nhập, tôi chỉ nhận về những ánh mắt ngạc nhiên, và trả lời chung là AEAN có 10 quốc gia. Và rất nhiều em còn hỏi lại tôi là không hiểu khi hội nhập ASEAN thì người sinh viên Việt Nam được lợi ích gì, được hỗ trợ gì về học tập hay du học… Một số ít các em thì cho rằng có tìm hiểu về các ngành nghề sẽ dịch chuyển lao động khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và chắc là lúc đó nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tuyển dụng lao động từ các quốc gia Đông Nam Á nên sự cạnh tranh lao động sẽ rất cao...

Có thể nhận xét chung là đa số thanh niên sinh viên, người học nghề vẫn chưa suy nghĩ nhiều về hội nhập và coi Cộng đồng kinh tế ASEAN là một cái gì xa lạ, không có tác động và ảnh hưởng gì đến bản thân. Nhiều em thật sự chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào, và em phải chuẩn bị những gì. Cứ  cho rằng cứ học cho xong rồi sau này xin việc ở một doanh nghiệp trong nước, chứ cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở quốc gia khác.

 

Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam và sự thay đổi thị trường lao động; thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn.

 

I. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG TIẾN TRÌNH THAM GIA CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN

 

1.   Những cơ hội

 

Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025; sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong giai đoạn 2015 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

 

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu ở lao động giá rẻ với các ngành dệt-may, da-giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản, và có thể tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao từ một số ngành nghề trong nước như: công nghệ thông tin, điện tử bưu chính viễn thông, đây là hai ngành được đánh giá có trình độ chất lượng cao hiện tại của Việt nam.

 

Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”, 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

 

Với 54 trường Đại học, 25 trường Cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề, đào tạo cho xã hội trên 300 ngàn lao động mỗi năm. Với số lượng đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương hàng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Tại khu vực Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương cung ứng 100% nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành nông – lâm – thủy sản, khoa học tự nhiên và y dược cho toàn vùng.

 

Trong quá trình hòa nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh và cả nước đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

 

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang là nhu cầu cấp bách. Tuy tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và đang làm việc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 69,93% lao động, cao so với cả nước, nhưng lại rất thấp (đặc biệt nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao) so với yêu cầu chung của sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa của thành phố trong giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn tiếp theo đến năm 2020.

 

Theo quy hoạch phát triển nhân lực TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ  (Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm; Giáo dục – Đào tạo; Du lịch; Y tế; Kinh doanh tài sản – Bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai; Thương mại; Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng; Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin) , 4 ngành công nghiệp trọng yếu (Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến tinh lương thực thực phẩm; Hóa chất – Nhựa cao su).

 

Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao đào tạo gắn với sử dụng lao động, cân đối theo trình độ nghề; nhu cầu ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóc; thúc đẩy nguồn nhân lực đặc biệt đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ nghề và các kỹ năng nghề.

 

Việc gia nhập ASEAN 2015 là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động chúng ta còn quá trình để tiếp cận. Vấn đề này chuẩn bị nguồn nhân lực gia nhập ASEAN đã được các cơ quan Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu xã hội - nhân lực phân tích nhiều, Đảng và Nhà nước cũng đã xác định các chủ trương, chỉ đạo cụ thể để phát huy ưu thế khắc phục hạn chế hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề đang tích cực cải tiến quy trình đào tạo để nâng cao chất lượng. Các hoạt động hướng nghiệp tích cực hơn, tạo cho người học sinh hiểu được mình, hiểu xu hướng nhân lực, chọn ngành nghề để học và phát triển.

 

2.   Những thách thức, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Với góc nhìn của người làm công tác Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu về thị trường lao động thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Theo tôi có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm)

 

 

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập.

 

Theo kết quả điều tra và phân tích thực trạng thị trường lao động TP.HCM giai đoạn 2011-2015 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, yêu cầu nhà tuyển dụng nêu ra các tiêu chí để đánh giá chất lượng của người lao động, kết quả cho thấy có 3 tiêu chí được nhiều sự đồng thuận nhất: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng xử lý thực tế, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm: 50%; có kỷ luật, đạo đức: 30%; trình độ văn hóa và kiến thức cơ bản: 20%.Với kết quả khảo sát này cho thấy, có 3 tiêu chí để đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao là: có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc; hai tiêu chí trước là điều kiện cần để đánh giá chất lượng lao động, còn điều kiện đủ là khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay và thị trường lao động trong quá trình hội nhập. Nguồn nhân lực được hiểu ở đây không phải là nhân lực có bằng cấp cao mà mà nhân lực có chất lượng cao.

 

Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).

 

Trong nghiên cứu của ILO/ADB với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung,” các chuyên gia của ILO và ADB cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập. Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động được mở cửa.

 

Bảng 1: So sánh năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam với

các nước ASEAN và Trung Quốc

 

 

Chỉ số về giáo đục đại học, đào tạo nhân lực

Chỉ số về sáng kiến, sáng tạo

Chỉ số năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu

1. Singapore

     

 - Xếp hạng

Vị trí 2/144 nước

8/144

2/144

 - Điểm số

Đạt 5,93/7 điểm

5,39/7

5,67/7

2. Malayxia

     

 - Xếp hạng

39

25

25

 - Điểm số

4,83

4,38

5,06

3. Brunei

     

 - Xếp hạng

57

59

28

 - Điểm số

4,4

3,31

4,87

4. Trung Quốc

     

 - Xếp hạng

62

33

29

 - Điểm số

4,32

3,85

4,83

5. Thái Lan

     

 - Xếp hạng

60

68

38

 - Điểm số

4,35

3,19

4,52

6. Inđônêxia

     

 - Xếp hạng

73

39

50

 - Điểm số

4,17

3,61

4,4

7. Philipine

     

 - Xếp hạng

64

97

65

 - Điểm số

4,3

2,97

4,23

8. Việt Nam

     

 - Xếp hạng

96

81

75

 - Điểm số

3,69

3,07

4,11

9. Campuchia

     

 - Xếp hạng

111

67

85

 - Điểm số

3,82

3,19

4,01

 

Nguồn: Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013, Diễn đàn Kinh tế Thế giới

 

Tuy nhiên, với cái nhìn của người làm công tác nghiên cứu nhân lực, tôi nhận thấy thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trong tiến trình hội nhập; tính tích cực nhiều hơn vì:

 

- Cơ hội việc làm được mở rộng vì vậy chúng ta nên tạo cái nhìn cho thanh niên, học sinh về “thị trường lao động mở”

 

- Tính cạnh tranh nhân lực rõ nét hơn, có thể về mặt nào đó tạo sự nghiệt ngã đối với cung cầu thị trường lao động, tuy nhiên sẽ khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng việc làm. Các doanh nghiệp trong nước, cơ sở đào tạo, người lao động sẽ gắn kết hơn trong việc đào tạo lao động – sử dụng lao động.

 

- Tạo điều kiện cho nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng nhất là thanh niên có cơ hội mở rộng sự nghiệp, thăng tiến, hoàn thiện sự nghiệp.

 

- Nguồn nhân lực nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc nhân lực người Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một trong những cơ hội tạo điều kiện đề nguồn nhân lực trong nước hội nhập nâng cao kỹ năng và tác phong lao động phù hợp yêu cầu đất nước trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

- Xu hướng hội nhập, để thành công và phát triển nghề nghiệp, sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp và người lao sẽ nâng cao nhận thức trong quá trình lao động làm việc; đó là tìm việc làm phù hợp và phát triển công việc; biết xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp; sau đó là xây dựng giá trị hành nghề cho bản thân.

 

II. NHỮNG VẤN ĐỀ NGƯỜI SINH VIÊN CẦN CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP VÀ TÌM VIỆC LÀM  SAU KHI TỐT NGHIỆP TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

 

1- Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều ứng viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% nhân lực  chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc.

 

Tuy nền kinh tế và thị trường lao động của quốc gia, từng tỉnh, thành phố từ năm 2014-2015  đang  trong giai đoạn  tăng trưởng ổn định, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt kết quả tích cực., tác động thuận lợi phát triển ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên thị trường lao động tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện, người có trình độ Cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

 Có nhiều nguyên nhân trong quan hệ cung - cầu của thị trường lao động  dẫn đến thực trạng trên như công tác dự báo và thông tin thị trường lao động chưa được quan tâm, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện  hiệu quả  nhằm tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành. Vấn đề nghịch lý là đang thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng

 

 

2-Do vậy, để tránh tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường thì ngay từ bây giờ, các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần chú ý:

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

Những tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp mà sinh viên trong quá trình học ĐH - CĐ, cần chú ý

 

         -   Năng lực thực hành nghề chuyên môn.

 

         -   Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

 

         -   Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.

 

         -   Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ.

 

         -   Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

 

Lưu ý năng lực ngoại ngữ để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động nghề nghiệp ra ngoài biên giới VIệt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa , công đồng chung ASEAN 2015

 

Quan trọng nhất vẫn là thái độ học tập và thái độ xã hội: sinh viên phải thể hiện vai trò chủ động  và trách nhiệm xã hội.

 

Bên cạnh nỗ lực của sinh viên, và nhà trường, rất cần có sự nối kết với xã hội (tổ chức, doanh nghiệp…) để tạo mội trường thuận lợi nhất cho sinh viên thể hiện khả năng tự chủ của mình

 

3-Để thành công và phát triển nghề nghiệp, về khía cạnh người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, tôi nhận thấy có  những vấn đề cần chú ý đối với  sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp và người lao động trong quá trình lao động làm việc:

 

a. Tìm  đúng nghề và phát triển công việc

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

Người lao động  trong thị trường lao động hội nhập khu vưc và quốc tế cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức.

 

b. Biết xác định  mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp

 

 Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.

 

  Sự phù hợp nghề và kế đến là đam mê khám phá thế giới nghề nghiệp là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người, để nâng cao năng lực và giá trị bản thân định hướng và có trọng tâm phấn đấu, rất cần phải thường xuyên tự đánh giá các yếu tố như: Kiến thức; Kinh nghiệm; Kỹ năng; Tính cách; Động lực; Sức khỏe; Gia đình; Quan hệ bạn bè, đối tác; cách giao tiếp; Hình thức bên ngoài…

 

c. Xây dựng giá trị hành nghề

 

Không ai là hoàn hảo, nhưng nếu một người có nhiều “thói quen xấu” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc nhu làm việc đi trễ, về sớm, nói nhiều hơn làm, tự kỷ, tự mãn, tự kiêu, tự ti, xem thường đạo đức trách nhiệm, không chấp hành nội quy kỷ luật, lãng phí tài sản, lãng phí  thời gian... Xem thường những hành vi nhỏ này có thể gây hậu quả to lớn cho nghê nghiệp. Vấn đề hội nhập nhanh với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp của thanh niên người lao động điều cốt lõi là người sinh viên, người lao động phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại, để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

                                                                                                 Trần Anh Tuấn

                                                                                                  Phó Giám đốc

                                                                              Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                         và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                                   Tháng 9.2015

 

                                                                                        

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876572

TRUY CẬP HÔM NAY: 1673

ĐANG ONLINE: 7