Chuyên đề : Nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH

TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 8.2015

Chuyên đề : Nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập

 


 

Câu 1: Ông có thể cho biết những thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình hội nhập?

 

Với góc nhìn của người làm công tác Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận định trong quá trình hội nhập kinh tế ASEAN năm 2015, có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực nhất là lao động trẻ cần quan tâm là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp), đây cũng là yếu tố tạo cho nhân lực trẻ nâng cao năng suất lao động trong quá trình làm việc.

 

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.

 

Việc gia nhập ASEAN 2015 là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động. Vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực gia nhập ASEAN đã được các cơ quan Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu xã hội - nhân lực phân tích nhiều, Đảng và Nhà nước cũng đã xác định các chủ trương, chỉ đạo cụ thể để phát huy ưu thế khắc phục hạn chế hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề đang tích cực cải tiến quy trình đào tạo để nâng cao chất lượng. Các hoạt động hướng nghiệp tích cực hơn, tạo cho người học sinh hiểu được mình, hiểu xu hướng nhân lực, chọn ngành nghề để học và phát triển.

 

Chúng ta có thể  nhận thấy rõ trong quá trình hội nhập, hiện nay và những năm tới, thị trường lao động (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.

 

Câu 2 : Trong quá trình tuyển dụng, nhiều ứng cử viên bị loại bởi thiếu kiến thức vả những kỹ năng cần thiết. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

 

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều ứng viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% nhân lực  chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc.

 

Tuy nền kinh tế và thị trường lao động của quốc gia, từng tỉnh, thành phố từ năm 2014-2015  đang  trong giai đoạn  tăng trưởng ổn định, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt kết quả tích cực., tác động thuận lợi phát triển ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên thị trường lao động tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện, người có trình độ Cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

 Có nhiều nguyên nhân trong quan hệ cung - cầu của thị trường lao động  dẫn đến thực trạng trên như công tác dự báo và thông tin thị trường lao động chưa được quan tâm, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện  hiệu quả  nhằm tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành. Vấn đề nghịch lý là đang thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng

 

Câu 3 : Thực tế cho thấy  là có khoảng cách rất xa  giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng với người lao động, giữa những kiến thức hàn lâm trong môi trường Đại học, với thực tiễn cuộc sống. Do vậy, để tránh tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường thì ngay từ bây giờ, các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần chú ý điều gì, thưa ông?

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

Những tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp mà sinh viên trong quá trình học ĐH - CĐ, cần chú ý

 

         -   Năng lực thực hành nghề chuyên môn.

 

         -   Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

 

         -   Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.

 

         -   Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ.

 

         -   Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

 

Thực tế thị trường lao động cho thấy bằng cấp  đại học ,cao đẳng chỉ đem lại cho một nền tảng kiến thức, cái còn lại là mỗi người phải làm giàu kiến thức của mình từ trải nghiệm thực tế và hoàn thiện những kỹ năng đã có được từ những năm ngồi giảng đường. Do đó ngay từ khi còn học, người sinh viên cần phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tham gia công tác xã hội, xây dựng được giá trị năng lực hội nhập. Thanh niên phải dấn thân, tự tin chứ đừng tự kiêu, tự ti hay mơ hồ. Hãy học và rèn luyện nghề nghiệp theo định hướng  những gì mà xã hội cần và phù hợp với năng lực, cũng như sở thích của bản thân

 

 

Câu 4: Cuối năm 2015 thị trường lao động ASEAN sẽ thành hiện thực . Cơ hội nhiều và thách thức cũng không nhỏ . Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ trong quá trình hội nhập là gì?

 

Đúng là  cuối năm 2015 thị trường lao động ASEAN sẽ thành hiện thực. Cơ hội nhiều và thách thức cũng không nhỏ

 

- Cơ hội việc làm được mở rộng vì vậy nên tạo cái nhìn cho thanh niên về “thị trường lao động mở”

 

- Tính cạnh tranh nhân lực rõ nét hơn, có thể về mặt nào đó tạo sự nghiệt ngã đối với cung cầu thị trường lao động, tuy nhiên sẽ khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng việc làm. Các doanh nghiệp trong nước, cơ sở đào tạo, người lao động sẽ gắn kết hơn trong việc đào tạo lao động – sử dụng lao động.

 

- Nguồn nhân lực nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc nhân lực người Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một trong những cơ hội tạo điều kiện đề nguồn nhân lực trong nước hội nhập nâng cao kỹ năng và tác phong lao động phù hợp yêu cầu đất nước trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Hành trang  chuẩn bị cho quá trình hội nhập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015 phải được sinh viên, những người lao động trẻ tương lai đầu tư ngay từ trong quá trình học tập rèn luyện chuyên môn nghề. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành nhân lực có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập.

 

                                                                                        Trần Anh Tuấn

                                                                                         Phó Giám đốc

                                                                     Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                               và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                             17.8.2015

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024914141

TRUY CẬP HÔM NAY: 8047

ĐANG ONLINE: 109