Ngành dệt - may không thể chậm bước trước cơ hội to lớn năm 2015


 

Ngành dệt - may đang chuẩn bị đón nhận cơ hội ngay trong năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, rồi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đi đến hồi kết. Nhưng mối lo thiếu lao động (LĐ) làm ngành dệt - may đứng ngồi không yên.

 

Dệt may Việt Nam là ngành công nghiệp mũi nhọn. 

 

Ngành công nghiệp mũi nhọn

 

Nhận thấy những cơ hội lớn sẽ đến với Việt Nam trong năm 2015, từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài liên tục đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt - may. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhà đầu tư Hàn Quốc đổ vốn vào các dự án dệt - may nhiều nhất. Trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH May mặc ONEWOO (Hàn Quốc) đầu tư khoảng sáu triệu USD vào cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. 

 

Hay như dự án của Tập đoàn Dệt - may Delta Galil Industries (Israel) cũng đã làm việc với tỉnh Bình Định về dự án đầu tư 13 triệu USD vào lĩnh vực dệt, nhuộm, may. Dự kiến, dự án sẽ thu hút hàng nghìn lao động (LĐ) và tạo ra sản lượng nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt - may khá lớn với doanh thu dự kiến đạt khoảng 30 triệu USD.

 

Ngành dệt - may đang chuẩn bị đón nhận cơ hội ngay trong năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành

 

Trước ngưỡng cửa hội nhập, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)  đang có những động thái mạnh mẽ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc rà soát lại ngành và kiến nghị Chính phủ xây dựng các trung tâm dệt - may giống như một số cường quốc dệt - may trên thế giới... Phía bắc, sẽ thí điểm ở Nam Định, với quy mô 1.500 ha (giai đoạn I là 600 ha đã được Chính phủ phê duyệt); phía nam tập trung tại tỉnh Tây Ninh...

 

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, hàng dệt - may Việt Nam xuất khẩu (XK) sang các thị trường truyền thống đều tăng trưởng tốt, XK sang thị trường Mỹ tiếp tục đạt sức tăng trưởng khá. So sánh trên thị trường Mỹ sẽ thấy, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm.

 

Dự báo XK dệt - may sang Mỹ trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 13% so năm 2014, đạt hơn 11 tỷ USD; dự báo kim ngạch XK dệt - may sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ duy trì đà tăng trưởng và đạt hơn 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, XK sang Nhật Bản cũng rất khả quan, dự báo tổng kim ngạch XK dệt - may sang Nhật Bản có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so năm 2014.

 

Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt - may đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Bộ Công thương ban hành, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành dệt - may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo được nhiều việc làm cho xã hội, quản lý LĐ, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngành dệt - may hiện thu hút gần 2,5 triệu LĐ. Để đáp ứng mục tiêu phát triển, dự kiến ngành dệt - may cần ba triệu LĐ vào năm 2020. Thế nhưng, điều này không dễ…

 

“Nút thắt” nhân lực

 

Nhìn vào quy hoạch nêu trên thì bình quân mỗi năm ngành dệt - may cần thêm khoảng 100.000 LĐ, chưa kể phải bổ sung cho số LĐ đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Hiện tại, trong tổng nhân lực 2,5 triệu LĐ của ngành dệt - may, LĐ công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Chiếm đến 80% là LĐ nữ.  LĐ ngành dệt - may hiện nay chủ yếu tự học, tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính, chỉ có khoảng 15% LĐ trong ngành có trình độ từ trung cấp trở lên. Trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan sản xuất may và sợi, thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.

 

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội, cho biết, mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được 20- 30 người ở bậc đại học cho ngành dệt - may. TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung các cơ sở đào tạo lao động ngành dệt - may,  cũng chỉ có 11 trường đào tạo nhóm ngành dệt - may. Hằng năm, chỉ tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.900 LĐ (trình độ đại học là 200 người). Con số này quá ít so nhu cầu sử dụng của DN. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam cần tới 2.500 nhân lực kỹ thuật cho ngành dệt - may, và ước tính, nhu cầu cán bộ kỹ thuật cho ngành dệt, sợi, nhuộm khoảng 300 người.

 

Đội ngũ LĐ yếu về kỹ thuật, lực lượng các nhà thiết kế có khả năng sáng tạo cũng thiếu, vì thế dệt - may Việt Nam chưa có những thiết kế, mẫu mã tạo được thương hiệu đủ sức cạnh tranh với thời trang các nước. Nếu cứ mãi loay hoay ở trình độ thấp, dệt - may Việt Nam đành chịu làm gia công giá rẻ và không thể phát triển được”, ông Hiệp nói.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP Hồ Chí Minh, sau những năm suy thoái về kinh tế, năm 2014, các DN dệt - may khu vực phía nam đang dần hồi phục. Tuy nhiên, các DN này đang gặp “nút thắt” về nguồn nhân lực. Theo ông Tuấn, LĐ ngành dệt - may tại khu vực phía nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu từ các tỉnh, thành phố khác đến, phần lớn từ miền bắc và miền trung. Nhưng hiện các nơi này cũng đã có nhiều DN cùng ngành, vì vậy tình trạng dịch chuyển LĐ diễn ra rất lớn và gây thiếu hụt cho các DN tại TP Hồ Chí Minh.

 

Ngoài thiếu hụt LĐ, chất lượng LĐ cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần May Xuất khẩu Long An, việc đào tạo nhân lực cho ngành may của các trung tâm và các trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhiều DN hiện nay. Sinh viên sau khi ra trường nếu DN tuyển dụng phải đào tạo lại mới sử dụng được. Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, cho biết một sinh viên ra trường để làm việc được phải mất ba năm đào tạo lại. Vì thế hiện công ty rất cần nguồn nhân lực là nhân viên kinh doanh, marketing để mở rộng sản xuất nhưng rất khó tuyển được người.

 

Tìm bước đột phá

 

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 ở Bộ Công thương, đại diện các công ty dệt - may lớn cho biết hiện DN của họ dốc sức chuẩn bị nhân lực để đón các cơ hội đến từ việc hình thành AEC, TPP. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết: “Chúng tôi đầu tư cho việc hình thành trung tâm đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và trung của tập đoàn tại hai miền nam, bắc. Xây dựng các chương trình đào tạo cho giám đốc nhà máy thời gian 3-6 tháng. Ngoài ra cũng tiếp tục tuyển dụng và đào tạo bổ sung cho các dự án. Đưa các chuyên gia quản lý nhuộm hoàn tất nước ngoài bố trí tại các dự án trọng điểm như Hòa Khánh, Phố Nối, Nam Định, Khu công nghiệp Xuyên Á...”.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, nhân lực đang là vấn đề quan trọng nhất của ngành dệt - may khi hội nhập. Ngành dệt - may muốn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại cần phải có nguồn nhân lực đủ mạnh. Trong đó, đào tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản xuất dệt - may chuyển dịch từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển. 

 

Các hoạt động hướng nghiệp cần định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm, nhằm mục đích tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực của ngành. Theo yêu cầu DN, bản thân người LĐ cũng phải luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp như: nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới…

 

Về phía các DN cũng cần “mở” hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc nhân lực có sẵn do các trường đào tạo. DN cần chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho ngành. Trên cơ sở thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối nguồn nhân lực thừa - thiếu thế nào, các cơ sở giáo dục cần rà soát lại quá trình cung ứng LĐ. Nhà trường và DN cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.

 

Hợp tác cùng Thời Nay

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878042

TRUY CẬP HÔM NAY: 280

ĐANG ONLINE: 17