Bấp bênh cuộc mưu sinh của công nhân nữ khu vực FDI


 
TP - Làm thêm giờ không được trả lương, thu nhập chỉ 4 triệu đồng/tháng trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao là thực trạng của lao động nữ đang làm việc tại khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
 
Lao động nữ nhập cư trong khu vực doanh nghiệp FDI có mức thu nhập bấp bênh
Lao động nữ nhập cư trong khu vực doanh nghiệp FDI có mức thu nhập bấp bênh
 

Tại hội thảo “Thu nhập lao động nữ nhập cư trong doanh nghiệp FDI” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) tổ chức gần đây ở Đồng Nai, đại diện các Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) cho rằng, phần lớn lao động nữ nhập cư có thu nhập thấp nên cuộc sống bấp bênh.

 

Doanh nghiệp FDI ở các KCN, khu chế xuất ở Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh được khảo sát cho thấy hầu hết tiếp nhận lao động nữ đến từ  các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang… Họ làm việc chủ yếu trong các ngành như may mặc, da giày, điện tử. Bà Hoàng Thị Thu Hải, đại diện Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, lao động nữ ngoài tỉnh đến làm việc tại Bắc Ninh chiếm đến 68,15%, thu nhập bình quân chung khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. “Doanh nghiệp FDI rất muốn công nhân làm thêm giờ, tăng thu nhập, đảm bảo đơn hàng. Nhưng vấn đề này đã và đang vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động vì sử dụng số giờ làm thêm vượt quá quỹ thời gian cho phép”, bà Hải lưu ý.

 

Khảo sát của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cho thấy, đa số lao động nữ di cư phải thuê nhà ngoài để ở, phòng trọ tạm bợ, thiếu điện, nước trong khi con cái phải gửi ở những nhà trẻ kém chất lượng. “Những điều kiện thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tinh thần, khả năng sáng tạo lao động”- bà Hải nói thêm. Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có đến 31 KCN với trên 1.131 dự án đầu tư nước ngoài vì vậy Đồng Nai tập trung rất lớn lực lượng lao động đến từ cả nước. Liên đoàn lao động tỉnh này cho hay có 844 nghìn lao động nhập cư (lao động nữ chiếm 67%), thu nhập trung bình của lao động nữ khoảng 4,1 triệu đồng/tháng, không đủ tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Do đó người lao động thường xuyên tăng ca để tăng thêm thu nhập.

 

 Có khoảng 50 nghìn lao động nữ nhập cư mỗi năm làm việc ở doanh nghiệp FDI tại TPHCM nhưng hầu như làm ở những công việc đơn giản, mức lương khá thấp. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, lao động nữ thường là đối tượng nhắm đến của những nhà tuyển dụng muốn có chi phí nhân công  thấp. Đây là nguyên nhân khiến lao động nữ dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột lao động và dễ bị tổn thương.

 

“Do hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp chuyên môn thấp, tham gia làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thu nhập không cao, nhưng cuộc sống ăn ở chi phí cao hơn so với người có nhà, có hộ khẩu tại thành phố. Vì vậy, lao động nữ nhập cư luôn khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ. 

 

TS Bùi Sĩ Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, (ILSSA) đưa ra kết quả hầu hết lao động nữ di cư đều làm thêm giờ. Trong đó, khoảng 4% lao động nữ di cư khu vực FDI làm thêm giờ nhưng không được trả lương thêm giờ vì các lý do khác nhau. Mức thu nhập bình quân của lao động nữ di cư trong các doanh nghiệp FDI xoay quanh mức trên dưới 5 triệu đồng/tháng (chủ yếu từ tiền lương, làm thêm giờ, phụ cấp, thưởng…) thấp hơn so với thu nhập của lao động nam và cũng thấp hơn so với lao động nữ địa phương ngoài FDI. 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024712154

TRUY CẬP HÔM NAY: 16867

ĐANG ONLINE: 105