BÁO CÁO TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG 06 NĂM TỪ 2009 ĐẾN 2015


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 180/BC-TTDBNL

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 7 năm 2015

 

BÁO CÁO

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC

VÀ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRONG 06 NĂM TỪ 2009 ĐẾN 2015

 

I. ĐẶC ĐIỂM, SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP TỔ CHỨC – CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VÀ HÌNH THÀNH HOẠT ĐỘNG

 

 1. Đặc điểm và sự cần thiết thành lập tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực thành phố

 

   1.1 Giai đoạn 06 năm 2009 – 2015, là quá trình hình thành và phát triển Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 11-04-2009 của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

 

     Năm 2009, dân số trong độ tuổi lao động thành phố Hồ Chí Minh có 5,2 triệu người (năm 2015 có trên 5,8 triệu người) chiếm tỷ lệ 72,2% dân số ở thành phố. Tổng số lao động làm việc trong các khu vực kinh tế  năm 2009 có trên 3,5 triệu người (năm 2015 có khoảng 4,1 triệu người). Tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp tại thành phố  năm 2009 là 5,10%, năm 2014 là  4,67%. Thành phố có trên 162.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 92%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 96% tổng số DN trên địa bàn thành phố, các tổ chức kinh doanh cá thể có trên 250.000 cơ sở, trong đó hoạt động lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 87%. Với nhu cầu nhân lực ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật; trong giai đoạn 2009 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân chỗ làm việc từ 3% đến 5% cho thấy thành phố có nhu cầu Cung về nhân lực cho nhu cầu chỗ làm việc  trung bình là 270.000 đến 280.000 chỗ làm việc/năm. Tuy nhiên thị trường lao động thành phố đang tồn tại nhiều nghịch lý; nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong đó có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề vẫn khó tìm việc làm thích hợp; vấn đề đào tạo – kỹ năng nghề - dự báo nguồn nhân lực – thông tin thị trường lao động – cung ứng lao động - nhu cầu tuyển dụng , sử dụng lao động đang là yêu cầu đối với người lao động, cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức giới thiệu việc làm, doanh nghiệp  và cơ quan quản lý lao động phải tích cực hoàn thiện.

 

   1.2 Từ nhu cầu khách quan và thực tiễn sự phát triển thị trường lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy. Trung tâm công bố hoạt động vào ngày 17/7/2009, có chức năng nhiệm vụ chính là: Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về lao động – việc làm, nhu cầu lao động và dạy nghề để dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, phục vụ công tác quản lý nhà nước định hướng đào tạo nguồn nhân lực và quản lý thị trường lao động địa bàn thành phố.

 

  2. Thực hiện hoạt động, các biện pháp triển khai xây dựng tổ chức

 

   2.1 Với nhận thức về quan điểm “Dự báo là một khoa học và nghệ thuật tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai, trên cơ sở phân tích khoa học về các dữ liệu đã thu thập được. Khi tiến hành dự báo cần căn cứ vào việc thu thập, xử lý số liệu trong quá khứ và hiện tại để xác định xu hướng vận động các hiện tượng tương lai nhờ vào một số mô hình toán học (định lượng) đồng thời dự báo cũng là dự đoán chủ quan hoặc trực giác về tương lai (định tính). Vì vậy, đòi hỏi công tác dự báo phải luôn nghiên cứu lý luận thực tiễn để có cơ sở dữ liệu phân tích chính xác.”

 

     Trung tâm đã từng bước hoàn thiện phát triển chức năng nhiệm vụ; tổ chức hoạt động chuyên sâu và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp định hướng, yêu cầu chỉ đạo của thành phố và Sở, đặc biệt nâng cao năng lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, nghiên cứu ứng dụng dự báo nhu cầu nhân lực, mở rộng quy mô chất lượng thông tin thị trường lao động, góp phần tích cực phát triển hướng nghiệp, cân đối cung – cầu lao động của thành phố, phục vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 

   2.2 Năm 2009 cơ cấu bộ máy tổ chức của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh có 04 phòng chuyên môn nghiệp  vụ - tổng số  cán bộ viên chức 22 người. Năm 2014-2015 Trung tâm có 06 phòng chuyên môn nghiệp vụ, tổng số cán bô viện chức hiện nay: 49 người (26 nam, 23 nữ). Trình độ: 03 thạc sĩ, 27 đại học, 9 cao đẳng, 5 trung cấp, 02 Kỹ thuật viên, 03 sơ cấp nghề. Theo ngành nghề chuyên môn: Công nghệ thông tin: 11 người; Kinh tế nguồn nhân lực, Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Luật, Ngoại ngữ, Xã hội học: 31 người; Hành chính – Kỹ thuật – phục vụ: 07 người.

 

Sơ đồ quy trình nghiệp vụ dự báo nhu cầu nhân lực

 

 

II. TÓM TẮT THỰC HIỆN VÀ HIỆU QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 6 NĂM (2009 – 2015)

 

 1. Khảo sát cung – cầu, phân tích thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực  thành phố

 

   Ứng dụng phương pháp phân tích; quy trình dự báo để thực hiện sản phẩm báo cáo định kỳ tháng, quý, 06 tháng, năm về “Phân tích thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh - Nhận định – Dự báo nhu cầu nhân lực” với những nội dung cơ bản:

 

     + Phân tích chỉ số Cung – Cầu theo cơ cấu ngành nghề theo cơ cấu trình độ nghề (kèm theo cơ sở dữ liệu thống kê).

 

     + Nhận định nhu cầu nhân lực và xu hướng tuyển dụng lao động theo nhóm ngành nghề và cơ cấu trình độ nghề (kèm theo cơ sở dữ liệu dự báo).

 

   Hiện nay, để thực hiện dự báo Trung tâm đang ứng dụng các phương pháp như sau:

 

     + Phương pháp dự báo định tính (phiếu thăm dò và thu thập ý kiến chuyên gia);

 

     + Phương pháp dự báo kinh tế lượng (mô hình kinh tế lượng và mô hình cân bằng tổng thể);

 

     + Phương pháp FSD (phân loại dữ liệu và các module dự báo cầu lao động);

 

     + Phương pháp dự báo số bình quân trượt (di động).

 

   Trung tâm đã thực hiện khảo sát thường xuyên tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, nhu cầu học nghề và việc làm của sinh viên, học sinh, người lao động từ đó cập nhật cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực và phân tích diễn biến thông tin thị trường lao động. Bình quân mỗi năm khảo sát 25.000 doanh nghiệp và 80.000 người có nhu cầu việc làm.

 

   Thực hiện phân tích thị trường lao động định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, 03 năm 2010 – 2012, 2013 – 2015 và dự báo nhu cầu nhân lực thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đến 2020 – 2015 góp phần thực hiện hiệu quả “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố”,  “Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2020” và kế hoạch chương trình đào tạo, chương trình việc làm của Thành phố hàng năm và đến 2015 – 2020.

 

HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT CẦU NHÂN LỰC

 

 

HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT CUNG NHÂN LỰC

 

 

  2. Thông tin thị trường lao động

 

     Thực hiện thông tin thị trường lao động về dự báo nhu cầu nhân lực cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo thành phố, cung cấp thông tin theo yêu cầu hoạt động của các cơ quan chức năng Trung ương, thành phố, các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp, dạy nghề, các viện, cơ quan nghiên cứu, các báo, đài và các kênh thông tin nhà nước, xã hội theo yêu cầu. Tổ chức hiệu quả kênh thông tin dự báo nhu cầu nhân lực tại website “dubaonhanluchcmc.gov.vn”. Bình quân mỗi năm thực hiện thông tin thị trường lao động cho 100.000 lượt người.

 

HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

 

 

THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRÊN HỆ THỐNG ĐIỆN TỬ

 

 

Ghi chú: Số liệu trên được tổng hợp từ các hoạt động của Trung tâm trực tiếp tham gia hàng năm tư vấn thông tin thị trường lao động tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hoạt động với các cơ quan thông tin truyền thông.

 

  3. Hướng nghiệp và tư vấn nhân lực phục vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội

 

     Tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh gắn kết đào tạo theo nhu cầu xã hội: đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, Hội Dạy nghề thành phố và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, trung tâm Dạy nghề để triển khai thực hiện, giúp học sinh, sinh viên có thể định hướng chính xác hơn về nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội. Bình quân mỗi năm thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho trên 85.000 lượt học sinh, sinh viên, người lao động.

 

HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP

 

 

Ghi chú: Số liệu trên được tổng hợp từ các hoạt động của Trung tâm thực hiện tư vấn hướng nghiệp hàng năm.

 

  4. Hoạt động nghiên cứu và phát triển

 

     - Nghiên cứu thiết lập quy trình dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động ứng dụng công việc nghiệp vụ.

 

     - Nghiên cứu “Hệ thống chỉ số Thống kê – Phân tích – Nhận định xu hướng nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động”. Thiết lập những ngành nghề có nhu cầu thu hút nhiều lao động tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

     - Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trung ương, thành phố, các Trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM nghiên cứu 10 đề tài khoa học cấp thành phố về đào tạo – việc làm – thị trường lao động.

 

     - Xây dựng Phần mềm nhập tin cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động. Quản trị phần mềm quản lý Cung – Cầu nhân lực. Quản lý, vận hành hệ thống mạng Lan của Trung tâm.

 

     - Xây dựng đề án “Đầu tư Công nghệ Thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu của hoạt động dự báo nhân lực”.

 

     - Lưu trữ quản lý cơ sở dữ liệu và xây dựng sơ đồ lưu trữ dữ liệu cung – cầu của Trung tâm. Tổng hợp số liệu từ các nguồn điều tra Cung - Cầu năm 2013 để lưu trữ và khai thác dữ liệu.

 

     - Xây dựng tư liệu và cập nhật niên giám Dân số - Lao động – Việc làm năm 2009 – 2015 vào hằng năm.

 

5. Các công việc khác

 

     - Xây dựng Quy chế làm việc, Quy trình nghiệp vụ và phân bổ, bổ trí nhân sự, bổ nhiệm viên chức lãnh đạo cho các phòng thuộc Trung tâm theo quy định tại Quyết định số 10936/QĐ-SLĐTBXH-PC ngày 04/9/2013 của Sở Lao động –TBXH về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

 

     - Xây dựng, trình Sở Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động.

 

     - Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, Sơ kết, Tổng kết theo chỉ đạo của Sở. Hàng năm tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng, Công tác chuyên môn, Đoàn thể, triển khai chương trình công tác và Hội nghị cán bộ viên chức.

 

     - Thường xuyên tổ chức lớp tập huấn chuyên đề nghiệp vụ, phổ biến pháp luật cho Cán bộ - Viên chức của Trung tâm.

 

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

 

  1. Mặt đạt được.

 

     - Trung tâm luôn tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả ứng dụng liên kết giữa dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước và Xã hội.

 

     - Thường xuyên chú trọng thực hiện nâng cao hiệu quả và quy mô thu thập và xử lý thông tin; tổng hợp cơ sở dữ liệu định kỳ nâng cao chất lượng dự báo nhân lực và tạo nguồn dữ liệu.

 

     - Được sự ủng hộ phối hợp của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu nhân lực, các trường, cơ sở đào tạo, các Đoàn thể xã hội về hỗ trợ thông tin số liệu, chương trình nghiên cứu, hội thảo đánh giá số liệu dự báo nhân lực.

 

     - Nội bộ đoàn kết, thể hiện tính chủ động và chấp hành chủ trương, quy định pháp luật.

 

  2. Tồn tại, hạn chế.

 

     Chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu và ứng dụng các mô hình dự báo nguồn nhân lực đối với từng khu vực kinh tế, thành phần kinh tế. Nguyên nhân do nguồn dữ liệu phục vụ cho hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực còn hạn chế, không có điều kiện khảo sát thường xuyên định kỳ theo quy mô yêu cầu.

 

     Cơ sở vật chất và đời sống còn nhiều khó khăn, hạn chế.

 

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG

 

  Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM khi được thành lập vào năm 2009 là hoạt động hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ, cán bộ viên chức hầu hết đều không có kinh nghiệm về lĩnh vực dự báo nhu cầu nhân lực.

 

  Trong 06 năm (2009-2015), hoạt động phân tích và dự báo nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh đã được Trung tâm chủ động tích cực tiến hành 06 nhóm biện pháp chủ yếu như sau:

 

     Một là: Khảo sát, thu thập thông tin, tạo nguồn cơ sở dữ liệu Cung – Cầu lao động, là nhiệm vụ trọng tâm theo phương pháp xã hội học.

 

     Hai là: Thực hiện nghiên cứu khoa học và phối hợp với chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về đào tạo và hoạt động phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực, thị trường lao động.

 

     Ba là: Nghiên cứu thiết lập quy trình dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động ứng dụng công việc nghiệp vụ và thực tiễn năng lực, quy mô, điều kiện.

 

     Bốn là: Thực hiện thông tin thị trường lao động hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nhân lực theo nhu cầu của cơ quan quản lý, Đoàn thể, trường dạy nghề, tổ chức giới thiệu việc làm và người lao động, sinh viên – học sinh.

 

     Năm là: Tổ chức hội thảo, giao lưu đúc kết, rút kinh nghiệm, báo cáo với các phòng ban chuyên môn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trao đổi với cơ quan, tổ chức, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, doanh nghiệp và chuyên gia liên quan để từng bước hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực hoạt động phân tích, dự báo nguồn nhân lực.

 

     Sáu là: Tổ chức hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin phân tích và thiết lập lược đồ dữ liệu thị trường lao động.

 

  06 nhóm biện pháp nêu trên cũng chính là bài học kinh nghiệm được Trung tâm thường xuyên đánh giá hoàn thiện các chương trình công tác cụ thể hàng năm và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.

 

V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

 

  1. Trung tâm tiếp tục phát triển theo chủ trương của Ủy Ban nhân dân Thành phố và định hướng chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội “Phương án phát triển chức năng và nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025”.

 

  2. Hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động dự báo nhân lực với các Ban, Ngành chức năng, viện nghiên cứu, cơ quan giáo dục – đào tạo, tổ chức đại diện doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu dự báo chính xác thông tin cung – cầu lao động.

 

  3. Nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực ngắn hạn (1-5 năm), dự báo trung hạn (5 năm) và lập kế hoạch dự báo nhu cầu nhân lực mang tính dài hạn (10 năm, 20 năm) để định hướng đào tạo nghề và việc làm theo nhu cầu xã hội phù hợp định hướng của thành phố. Tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu nhu cầu nhân lực toàn diện.

 

  4. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tổ chức thường xuyên hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, kết hợp việc thu thập, khảo sát thông tin diễn biến thị trường lao động, mở rộng phạm vi thu thập thông tin thị trường lao động về nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo nghề, nhu cầu bố trí sử dụng lao động.

 

  5. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của Chi bộ Đảng, Ban Giám đốc, Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên và Công chức – Viên chức Trung tâm phù hợp với yêu cầu phát triển nhiệm vụ và hiệu quả.

 

     Trong các điều kiện để phát triển thị trường lao động có vấn đề trọng tâm là tạo được sự gắn kết cần thiết Cung – Cầu (người lao động và người sử dụng lao động). Để đạt được sự gắn kết cần thiết tổ chức hệ thống phục vụ hữu hiệu thị trường lao động như: Giáo dục, Dạy nghề, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm, cung ứng việc làm. Cùng với yêu cầu tổ chức có hiệu quả và công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, vấn đề bức xúc của thị trường lao động hiện nay là nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động và các chính sách thúc đẩy về tiền lương; giá nhân công là điều kiện cơ bản để thị trường lao động có thể phát triển ổn định và bền vững./.

 

Nơi nhận:

- Ban Giám đốc Sở;
- Ban Giám đốc Trung tâm;
- Các phòng thuộc Trung tâm;   
- Lưu VT

KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

 

(Đã Ký)

 

Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877247

TRUY CẬP HÔM NAY: 505

ĐANG ONLINE: 12