THAM LUẬN THỰC TRẠNG VÀ DỰ BÁO NGUỒN NHÂN LỰC CỦA NGÀNH DỆT MAY KHU VỰC PHÍA NAM


1. Thực trạng lao động ngành Dệt May TP Hồ Chí Minh và khu vực phía nam

 

Ngành Dệt May là ngành kinh tế chủ lực, thu hút một lượng lớn lực lượng lao động trong xã hội, là ngành có doanh thu xuất khẩu đứng thứ hai chỉ sau dầu thô. Ngành Dệt May vừa góp phần tăng tích lũy cho quá trình CNH, HĐH nền kinh tế của đất nước vừa tạo cơ hội cho Việt Nam hòa nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Xét từ góc độ thương mại quốc tế, dệt may được đánh giá là ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh do tận dụng được nguồn nhân công và có tay nghề. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm may xuất khẩu của Việt nam có đến gần 70% được xuất theo hình thức gia công và 30% theo hình thức bán gia công.

 

 

Theo Quyết định số 3218/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, mục tiêu của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Xây dựng ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đảm bảo cho ngành dệt may phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế. Phân bố dệt may ở các vùng phù hợp: thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển. Đến năm 2020, ngành dệt may xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng.

 

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may theo 7 khu vực, trong đó phía Nam gồm 2 khu vực: vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may.

 

Theo thống kê Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) trong năm 2013, Việt Nam có khoảng 6.000 công ty dệt may, với lực lượng lao động chiếm khoảng 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Phần lớn các công ty được đặt tại miền Nam (62%), còn lại nằm ở miền Bắc (30%), miền Trung và Tây Nguyên (8%).

 

Biểu đồ 1: Phân bố doanh nghiệp Dệt may trên cả nước

 

Doanh nghiệp Dệt May khu vực phía Nam tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50,2% tổng doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Doanh nghiệp công nghiệp Dệt May tập trung chủ yếu khu vực ngoài nhà nước chiếm 91,7% tổng số doanh nghiệp; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 7,9%; khu vực nhà nước chỉ chiếm 0,4%. Doanh nghiệp dệt (chiếm khoảng 25%), doanh nghiệp may trang phục (chiếm 75%).

 

Lao động ngành Dệt May khu vực phía Nam chiếm 4,66% tổng lao động đang làm việc, tốc độ tăng lao động của ngành Dệt may khu vực phía Nam trung bình trong giai đoạn 2009 – 2013 là 3,6% một năm. Lao động ngành Dệt May phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ chiếm 72%, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ chiếm 28% tổng lao động ngành Dệt may khu vực phía Nam.

 

Bảng 1: Số lao động đang làm việc ở các Tỉnh phía Nam

 

Đông Nam Bộ

Đồng Bằng SCL

Chung

Tổng LĐ

Ngành Dệt May

Tổng LĐ

Ngành Dệt May

Tổng LĐ

Ngành Dệt May

2009

7.573.751

529.536

9.580.433

221.222

17.154.184

750.757

2010

7.773.064

567.328

9.861.925

221.724

17.634.989

789.052

2011

8.255.659

569.305

10.060.910

228.082

18.316.568

797.387

2012

8.390.181

619.090

10.157.488

233.703

18.547.668

852.792

2013

8.466.523

623.519

10.097.446

241.232

18.563.969

864.751

Nguồn: Tổng Cục Thống kê năm 2013

 

Trước năm 2013, lao động ngành Dệt May tập trung và tăng nhanh tại khu vực Đông Nam Bộ, tuy vậy tốc độ tăng lao động từ năm 2012 – 2013 của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là 3,22%, cao hơn tốc độ tăng lao động chung của ngành Dệt May Khu vực phía Nam (1,4%), doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhà máy tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có diện tích đất kinh doanh lớn và có sẵn nguồn lao động tại chỗ với giá nhân công rẻ.

 

Biểu đồ 2: Phân bố lao động Dệt may khu vực phía Nam

 

Mức độ tập trung lao động dệt may trong các doanh nghiệp quy mô lớn không nhiều, vì hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành Dệt May đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người chiếm hơn 78,6%, quy mô từ 50 người đến dưới 300 người chiếm 15,1%, quy mô từ 300 người đến dưới 1.000 người chiếm 4,6%, quy mô từ 1.000 người trở lên chiếm 1,7%. Các công ty dệt may lớn như Thắng Lợi, Thành Công, Nhà Bè, Việt Tiến, Hansae… đều đặt nhà máy sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh

 

Lao động trong ngành Dệt May hiện nay tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, sau đó là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hai loại hình doanh nghiệp này hiện nay đang thu hút đến 97% lao động của toàn ngành Dệt May. Đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực thu hút và sử dụng nhiều lao động nhất, với số doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,9% tổng số doanh nghiệp ngành Dệt May nhưng lại chiếm 41,54% tổng số lao động trong ngành Dệt May. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước có số doanh nghiệp chiếm áp đảo với 91,7% tổng số doanh nghiệp ngành Dệt May nhưng chỉ thu hút được 55,54% tổng số lao động.

 

Lao động tập trung chủ yếu ở ngành may, điển hình như tại thành phố Hồ Chí Minh lao động ngành may chiếm từ 86% - 88% tổng số lao động ngành Dệt May, trong khi  lao động ngành dệt chỉ chiếm từ 12% - 14%.

 

Bảng 2: Lao động trong các doanh nghiệp Dệt may tại TP.Hồ Chí Minh qua các năm

TT

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

 

Lao động ngành dệt may

273.601

258.417

287.417

303.593

292.784

 

Cơ cấu lao động (%)

100

100

100

100

100

1

Dệt

12,1

13,9

13,3

13,3

13,2

2

Sản xuất trang phục

87,9

86,1

86,7

86,7

86,8

 

Nguồn: Tổng hợp từ Niên Giám Thống Kê TP. HCM năm 2013

 

Sau những năm suy thoái về kinh tế, năm 2014 doanh nghiệp Dệt May khu vực phía Nam đang dần hồi phục và phát triển. Tuy vậy, doanh nghiệp ngành Dệt May khu vực phía Nam luôn gặp những rào cản về nguồn lao động: lao động ngành Dệt May khu vực phía Nam mà đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh phần nhiều là di chuyển từ tỉnh, thành phố khác, đa số ở khu vực phía Bắc, Trung vào, vì vậy tình trạng dịch chuyển lao động luôn diễn ra; nguồn lao động ngành Dệt May chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo vì vậy doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian cho công tác đào tạo; lao động ngành Dệt May, đặc biệt là đa số nhân lực cấp quản lý tồn tại nhiều hạn chế như thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng làm việc, thiếu kinh nghiệm; chỉ có khoảng 15% lao động trong ngành Dệt May có trình độ từ trung cấp trở lên, vì vậy tình trạng thiếu hụt lao động, mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra.

 

Gần 80% là lao động nữ, trình độ văn hoá của người lao động chủ yếu là đã tốt nghiệp bậc phổ thông tiểu học, phổ thông cơ sở. Lao động trực tiếp của ngành đa số tuổi đời còn rất trẻ, tỷ lệ chưa có gia đình cao sẽ là lợi thế cho việc đào tạo và nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện nay công nhân làm việc trong ngành Dệt may có thời gian làm việc dài, thường xuyên phải tăng ca, tăng giờ, phải làm việc muộn đến khuya và phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, kiệt sức và không còn thời gian và sức lực để mở rộng quan hệ xã hội.

 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngành Dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 – 2014 đối với lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao nhất với 55,9%, công nhân kỹ thuật chiếm 30,9%, trung cấp chiếm 4,1%, cao đẳng chiếm 5,1%, đại học trở lên chiếm 4%

 

Bảng 3: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Dệt may theo trình độ (%)

Trình độ

2010

2011

2012

2013

Lao động chưa qua đào tạo

72,62

66,77

59,52

55,95

Công nhân kỹ thuật

25,80

31,30

35,65

30,87

Trung cấp

1,07

1,15

1,47

4,11

Cao đẳng

0,32

0,37

2,32

5,06

Đại học trở lên

0,19

0,40

1,04

4,00

Tổng

100

100

100

100

 

Nguồn: Trung tâm Dự báo NCNL và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

 

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp Dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo và tăng lao động chất lượng cao, đặc biệt là cán bộ quản lý và nhân lực thiết kế, chế tạo mẫu, công nghệ dệt, công nghệ sợi…

 

Bảng 4:  Tiền lương bình quân của người lao động khu vực phía Nam

Đvt: nghìn đồng

Năm

Đông Nam Bộ

Đồng Bằng SCL

Chung

Tổng

Dệt May

Tổng

Dệt May

Tổng

Dệt May

2009

2.436

1.937

1.765

1.337

2.157

1.849

2010

2.038

1.690

2.265

1.586

2.130

1.670

2011

3.804

3.142

2.506

2.108

3.260

2.921

2012

4.893

4.197

3.293

2.830

4.246

3.913

2013

5.103

4.336

3.649

2.877

4.504

3.988

Nguồn: Tổng Cục Thống kê năm 2013

 

            Mức lương của lao động ngành Dệt may khu vực phía Nam có xu hướng tăng mỗi năm. Mức lương bình quân của lao động ngành Dệt may khu vực Đông Nam Bộ cao hơn 50,69% so với mức lương bình quân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Mức lương khu vực Đông Nam Bộ có xu hướng tăng cao hơn so với khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

 

2. Dự báo nhu cầu nhân lực ngành Dệt May giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025

 

Dự báo về xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với  các năm trước. Nhiều nhân lực có trình độ, kỹ năng được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.

 

Căn cứ tình hình sử dụng lao động của ngành Dệt May khu vực phía Nam (Số liệu thống kê của Tổng Cục thống kê 2013), tình hình dịch chuyển lao động ngành Dệt may khoảng 15% mỗi năm. Dự kiến Nhu cầu nhân lực ngành Dệt May khu vực phía Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng 60.000 chỗ việc làm trống (kể cả chỗ làm việc mới và chỗ làm việc thay thế). Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 50%, công nhân kỹ thuật chiếm 30%, lao động có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trở lên chiếm 20%.

 

Biểu đồ 3: Dự báo cơ cấu nhu cầu tuyển dụng theo trình độ ngành Dệt May

 trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025 tại khu vực phía Nam

 

Dự báo giai đoạn  2015 – 2020 đến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng ngành Dệt May  chiếm tỷ trọng 7,6% tổng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 20.500 chỗ làm việc trống 1 năm). Theo  xu hướng giảm nhiều ở tuyển dụng lao động phổ thông, sơ cấp nghề  và tập trung nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật lành nghề, trung cấp nghề, chú trọng tăng nhu cầu tuyển dụng lao động cao đẳng, đại học đặc biệt lao động cho thiết kế, tạo mẫu sản phẩm do các doanh nghiệp ngày càng chú trọng khâu tạo mẫu, thiết kế sản phẩm may cho phù hợp với xu hướng của thị trường nội địa.

 

Biểu đồ 4: Dự báo nhu cầu nhân ngành Dệt May trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025

 

Đồng thời cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015. AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm…

 

Nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp phát triển bền vững và lâu dài của ngành Dệt may, trong đó đào tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng để phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch sản xuất dệt may từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển.

 

Lao động ngành dệt may hiện nay chủ yếu tự học, tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính. Do yêu cầu về lao động của ngành Dệt May tăng rất nhanh nên khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp. Chuỗi cung ứng nhân lực cho khâu sản xuất may có khá nhiều cơ sở đào tạo nhưng nhân lực cho khâu sợi, dệt, lụa thì rất ít cơ sở đào tạo. Nếu không phát triển được nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trong khâu thiết kế thời trang thì ngành dệt may không bao giờ giải quyết được vấn đề nâng cao giá trị gia tăng. 

 

Các cơ sở đào tạo lao động ngành Dệt may tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh có 11 trường đào tạo nhóm ngành Dệt – May bao gồm 4 ngành: Công nghệ may; Thiết kế thời trang; Công nghệ sợi dệt và May thời trang, hằng năm tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.900 lao động trong đó trình độ đại học là 200 người, trình độ cao đẳng 1.400 người, trình độ trung cấp 300 người. Con số này quá ít so với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

 

Nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam hầu hết chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ bằng cách tự mở 1-2 cửa hàng thời trang cho riêng mình, chưa đủ khả năng thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành.

 

Nhân lực mới là nút thắt quan trọng nhất của ngành dệt may khi tận dụng các hiệp định thương mại. Ngành Dệt May muốn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại cần phải có nguồn nhân lực đủ mạnh. Theo đó, doanh nghiệp cần mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc vào nhân lực có sẵn do các trường đào tạo. Doanh nghiệp phải chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho ngành.

 

Đối với TP. HCM, ngành 27/8/2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4300/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đã giao nhiệm vụ cho Sở Lao động – TBXH thành phố triển khai quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp nói chung, Dệt May nói riêng. Lập kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật phục vụ quá trình phát triển của ngành công nghiệp Dệt May theo định hướng quy hoạch.

 

3. Kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

 

3.1- Quản lý  thị trường lao động  (cung – cầu), quản lý nguồn  nhân lực về  đào tạo và việc làm ,hệ thống cập nhật di chuyển, biến  động lao động.

 

3.2- Chính sách đột phá về tiền lương, trả lương cao xứng đáng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động chất lượng cao, phù hợp với giá cả sức lao động.

 

3.3- Tạo dựng môi trường làm việc,xây dựng các quy định, văn hóa của doanh nghiệp

 

3.4- Đào tạo nguồn nhân lực của các trường Đại học, Cao đẳng, kết nối cung cầu giữa hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và người sử dụng lao động.Công tác đào tạo nguồn nhân lực  cần phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.

 

3.5- Hoàn thiện hệ thống Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động của Quốc gia và các Tỉnh, Thành phố có khoa học, có hệ thống tổ chức và phối hợp giữa cơ quan quản lý đào tạo – việc làm với các đơn vị dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp theo hệ thống tiêu chuẩn và định kỳ thường xuyên.. Dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề.

 

3.6- Cân đối nguồn nhân lực hiện nay và các năm tới.Việc thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu như thế nào là một yếu tố quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình cung ứng lao động.

 

3.7- Tổ chức hoạt động hướng nghiệp, định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm, nhằm mục đích tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành; điều quan tâm của hoạt động thông tin trong đó tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng, giúp cho học sinh - sinh viên - người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.

 

3.8-  Hoàn thiện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp  của người lao đông theo yêu cầu doanh nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

TRẦN ANH TUẤN

Phó Giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Tháng 03 năm 2015

 


 

            Nguồn tài liệu tham khảo

  • Niên giám thống kê của Tổng cục thống kê
  • Niên giám thống kê TP.HCM 2013
  • Số liệu điều tra khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM các năm.

Quyết định số 3218/QĐ-BCT về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722104

TRUY CẬP HÔM NAY: 6722

ĐANG ONLINE: 19