Cần lắm kỹ năng cho quá trình hội nhập


Thời kỳ hội nhập đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Để người lao động có thêm kiến thức cho quá trình hội nhập, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, về những thuận lợi và khó khăn khi tìm việc.

 

Ông Trần Anh Tuấn tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ông Trần Anh Tuấn tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

 

Phóng viên: Với góc nhìn của một chuyên gia làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, xin ông cho biết những thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình hội nhập?

 

- Ông Trần Anh Tuấn: Theo tôi, có 3 vấn đề thách thức nguồn nhân lực Việt Nam: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, báo cáo, tìm hiểu và xử lý thông tin...

 

Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người Việt trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập quốc tế, góp phần mang trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam sánh cùng bạn bè quốc tế.

 

Trong quá trình tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp (DN) thường than phiền ứng viên thiếu kiến thức lẫn kỹ năng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Một thực trạng dễ thấy là các DN rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong các nguyên nhân.

 

Ở nhiều hội thảo, chương trình về nghề nghiệp, không ít ứng viên đã hỏi về các bí quyết làm giàu với số tiền nhỏ bé. Xã hội thực tế cũng có một số ngành nghề mang lại lợi nhuận lớn nhưng bỏ ra chi phí thấp. Nhưng để đạt điều bạn mong muốn, phải là một quá trình. Bạn cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp.

 

Một khảo sát gần đây cho thấy nhiều sinh viên khi tốt nghiệp luôn mong muốn được làm việc cho các công ty liên doanh, nước ngoài hơn là công ty trong nước. Phải chăng vì họ muốn có một môi trường làm việc chuyên nghiệp?

 

- Phần đông sinh viên mới ra trường phân vân không biết nên gửi hồ sơ vào DN nhà nước hay nước ngoài. Họ cẩn thận soi xét các chế độ đãi ngộ, môi trường văn hóa của công ty, chính sách phát triển nhân viên chứ không chỉ thu nhập. Tại các hội thảo tư vấn việc làm, nhiều trường hợp băn khoăn, cho rằng môi trường làm việc và chính sách phát triển của DN nhà nước không bằng các DN nước ngoài. Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ DN nào cũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng loại hình DN mà có những chế độ đãi ngộ khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh). Không phải tất cả DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các DN trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn nhưng tất nhiên phải phù hợp năng lực nghề nghiệp của mình.

 

Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ trong quá trình hội nhập là gì?

 

- Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết có nhiều nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TP HCM cho thấy những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm các kỹ năng: giao tiếp, viết; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo…

 

Nhiều DN hiện nay có những cách phỏng vấn khác nhau, từ kiểu hỏi đáp thân mật để đánh giá độ “chân thành” của ứng viên cho đến việc tạo áp lực bằng cách liên tục đưa ra các tình huống khó khăn để xem xét năng lực thực sự của người được phỏng vấn. Nhưng dù phải ứng phó với kiểu phỏng vấn nào đi nữa, người lao động phải luôn giữ được sự tự tin, 40% DN xem giao tiếp là kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần có.

 

Không ngừng học tập

Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp, người lao động phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

Bài và ảnh: Nguyên Khôi

 

Nguồn: http://vieclam.nld.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880602

TRUY CẬP HÔM NAY: 2921

ĐANG ONLINE: 9