Quan tâm hơn nữa đến đời sống của lao động nữ ngụ cư


Tại một hội thảo về lao động ngụ cư ngành dệt may do Công đoàn Dệt May Việt Nam và Viện FES vừa tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, nhân lực ngành dệt may tại các thành phố lớn hiện nay chủ yếu là lao động nữ ngụ cư, kỹ năng làm việc chưa cao nên thu nhập thấp. Họ luôn phải chịu sức ép lớn từ xã hội, gia đình trong vấn đề an ninh - trật tự, kinh tế, nơi ở và việc học hành của con cái.

 

Hơn 70% số lao động ngành dệt may là nữ, trong đó có nhiều người phải xa quê để mưu sinh

 

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, từ năm 1991 tới nay, trên địa bàn thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) hình thành và phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Số người vào thành phố tìm việc làm hằng năm khoảng 70.000 người. Phần lớn họ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa và nghề nghiệp chuyên môn thấp, cho nên chủ yếu xin vào làm việc tại những doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, xây dựng... với thu nhập không cao. Theo ông Tuấn, 80% số tiền lương hằng tháng của lao động nữ ngụ cư dành cho việc chi tiêu cuộc sống hằng ngày và tiền thuê nhà trọ.

 

Phó đại diện Văn phòng Viện FES tại Việt Nam Tiêu Dũng Tiến cho biết, điều tra của Tổng cục Thống kê và khảo sát của Viện Khoa học Lao động - Xã hội cho thấy, số lao động nữ ngụ cư tại các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều KCX, KCN như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… chủ yếu đến từ những vùng khó khăn, trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật thấp. Theo điều tra này, tỷ lệ đã tốt nghiệp THPT của lao động nữ ngụ cư chỉ chiếm 49,01% so với 75% của lao động nữ sở tại. Thậm chí, có khoảng 1,74% lao động nữ ngụ cư chưa tốt nghiệp tiểu học và 5,56% mới tốt nghiệp tiểu học.

 

Ông Tiến cũng cho biết, theo khảo sát của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Action Aid Việt Nam, phần lớn lao động nữ ngụ cư có thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, chỗ ở tạm bợ, sinh hoạt thiếu thốn. Tỷ lệ lao động nữ có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm đến 31,3%; từ 4,1 đến 5 triệu đồng/tháng chiếm 28,6% và chỉ có khoảng 2% có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập thì thấp nhưng họ phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc thuê nhà, nuôi con, gửi trẻ, nên không tích lũy được nhiều cho tương lai hay về già.


Theo Trưởng phòng nhân sự, Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Hữu Tuấn, những lao động nữ ngụ cư khi đã có gia đình và con nhỏ càng khó khăn, vất vả hơn. Do đặc thù lao động ngành dệt may thường xuyên phải tăng ca, không thể đưa rước con đi học, cho nên thường phải thuê người đón và giữ trẻ ngoài giờ. Nếu nuôi con ở cùng thì không đủ chi tiêu, không người chăm giữ, còn gửi về quê cho cha mẹ, người thân nuôi hộ thì cũng bất an về tâm lý và tình cảm mẹ con… Đặc biệt, môi trường sống ở nhà trọ ẩm ướt, chật chội, thiếu ánh sáng và không khí đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, nếu con không có hộ khẩu thì không được nhận vào trường theo tuyến, trẻ dưới 18 tháng tuổi không có chỗ gửi hoặc có thì chi phí cao.

 

Chị Nguyễn Thị Bé, công nhân của một công ty may ở quận 7 cho biết, chị có kinh nghiệm hơn năm năm làm công nhân may, tổng thu nhập được khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, trừ hết các loại chi phí, tháng nào tằn tiện lắm chị cũng chỉ để dành được khoảng một triệu đồng để gửi cho bố, mẹ ở quê. Còn nữ công nhân Châu Thị Vân làm việc tại KCX Tân Thuận, quận 7 cho hay, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, vì phải chi phí nào là tiền nhà, tiền điện, tiền gửi về quê để ông bà ngoại nuôi giúp con gái hai tuổi. Theo chị Vân, nhiều khi nhớ con quá muốn về quê đón lên thành phố nhưng điều kiện không cho phép do cả hai vợ chồng đều thường xuyên phải tăng ca, không thể đưa rước con đi học được.

 

Theo đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam, để bảo vệ nữ lao động tốt hơn, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã cùng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành. Đây là văn bản pháp lý để công đoàn cơ sở làm căn cứ bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trong đó có lao động nữ ngụ cư.

 

Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Thị Thủy cho hay, để hỗ trợ người lao động, nhiều công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam đã có nhiều việc làm thiết thực, như: Phối hợp với chính quyền địa phương nơi người lao động tạm trú để hỗ trợ họ về mặt pháp lý, nơi ở bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng mô hình câu lạc bộ công nhân nhà trọ; tăng cường kiểm tra, giám sát về việc thực hiện chính sách tiền lương, chế độ BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động… Để người lao động an tâm làm việc, một số DN còn xây nhà lưu trú cho công nhân, ca-bin vắt sữa cho các nữ công nhân đang nuôi con nhỏ như: Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Tổng công ty Việt Thắng… Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, Công đoàn Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công còn phối hợp chính quyền thường xuyên đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; thúc đẩy phong trào rèn luyện tay nghề cho công nhân… Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, công đoàn đã đàm phán với chính quyền để thực hiện tốt thỏa ước lao động cấp công ty và ngành; thực hiện nhiều chính sách có lợi cho người lao động, nhất là nữ lao động ngụ cư…
 

Hải Đăng
 
Nguồn: nhandan.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878489

TRUY CẬP HÔM NAY: 727

ĐANG ONLINE: 5