Cung lao động tăng, nhưng kỹ năng yếu


Nhu cầu tìm việc dự báo sẽ gia tăng trong quý III, do sinh viên nghỉ hè và tốt nghiệp ra trường. Thời gian tới cũng sẽ có sự cạnh tranh giữa người lao động mới tham gia vào thị trường lao động và lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc.

Nhu cầu không tăng

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, các phiên giao dịch việc làm từ trung tuần tháng 6 trở lại đây cho thấy có sự gia tăng về nhu cầu tìm việc của sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển lao động thời gian này lại không tăng do nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất. Chỉ có một số ngành nghề có nhu cầu tuyển lao động như du lịch, bán hàng, xây dựng, công nghệ thông tin…

Nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu cơ hội việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.


Anh Hoàng Đăng Quang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi sắp tốt nghiệp trường cao đẳng nghề về điện và muốn tìm việc phù hợp. Tôi nộp đơn tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, thì các công ty đều yêu cầu phải có kinh nghiệm. Một số đơn vị thương mại chuyên về điện tử còn yêu cầu có kỹ năng bán hàng, làm việc theo nhóm”.

Còn theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian này khá đông sinh viên sắp tốt nghiệp đến tìm hiểu thông tin việc làm, nhưng qua phỏng vấn cho thấy họ còn thiếu sự chuẩn bị. “Chúng tôi chỉ cần đưa ra một số tình huống và khó khăn khi làm việc thì đa phần tỏ ra lúng túng và dễ bỏ cuộc. Điều này có thể do nhà trường chưa cung cấp kỹ năng này và một phần cũng do các bạn trẻ chưa chủ động tiếp thu”, ông Nguyễn Trọng Hưng, phòng Nhân sự Công ty Mediamart cho biết.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, khả năng thực tế của ứng viên vẫn là rào cản lớn trong tuyển dụng. Khi tuyển dụng, nhiều bạn trẻ vẫn có đòi hỏi về mức lương và chế độ làm việc, trong khi kỹ năng và kinh nghiệm thực tế còn ít. Do đó, tỷ lệ kết nối cung cầu qua sàn giao dịch việc làm chỉ đạt khoảng 30%. Để cho người lao động, nhất là các bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc có kỹ năng phù hợp, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã thành lập tổ tư vấn cho từng nhóm đối tượng theo trình độ.

Cùng quan điểm ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: “Vẫn có sự chênh lệch giữa cung - cầu lao động, ngành nghề thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…), nhưng đối tượng này thì rất thiếu.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 140.000 lao động cho các vị trí việc làm, trong đó lao động thời vụ là 30.000 vị trí. Nhu cầu tuyển dụng tập trung phát triển ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su. Bên cạnh đó, các nhóm ngành kinh tế dịch vụ cũng được chú trọng. Về nguồn cung lao động, dự báo nhu cầu tìm việc sẽ tăng 10% so với đầu năm, do sinh viên ra trường từ tháng 7.

Thiếu dự báo

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 785.000 lao động được giải quyết việc làm, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình thiếu hụt lao động, lao động nhảy việc vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng ít biến động hơn so với các năm trước. Số lao động thiếu hụt trong các doanh nghiệp dần được cân bằng ngay vào tháng cuối của quý I. Cục Việc làm tập trung phát triển thị trường lao động thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, điều tra lao động, tiền lương, nhu cầu sử dụng lao động… Số người tìm được việc làm qua các trung tâm dịch vụ việc làm là 347.000 người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động cấp quốc gia, các tỉnh, thành sớm hoàn thiện một cách có hệ thống; trong đó có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo - các đơn vị dịch vụ việc làm - doanh nghiệp. Hệ thống dự báo nhu cầu thị trường lao động phải thống kê nhu cầu của từng ngành nghề theo từng giai đoạn cụ thể. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đào tạo rà soát lại quá trình đào tạo phù hợp yêu cầu cung ứng lao động.

Viện Nghiên cứu lao động xã hội cho biết, từ trung tuần tháng 7, bản tin thị trường lao động sẽ được nối lại, trong đó dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn để làm cơ sở hoạch định chính sách lao động, việc làm.
 

Xuân Minh - Thùy Hoa

 

Nguồn: http://baotintuc.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878681

TRUY CẬP HÔM NAY: 919

ĐANG ONLINE: 133