Cần nguồn nhân lực chất lượng cao


TP Hồ Chí Minh hiện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là một trong những thách thức lớn khi nền kinh tế nước ta ngày càng hòa nhập sâu, rộng vào nền kinh tế của khu vực và thế giới.

 

TP Hồ Chí Minh đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề cao. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Điện - Điện tử Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. Ảnh: TẤT CƯỜNG

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 6-2015 khoảng 25.000 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung nhiều ở các ngành như kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; kinh doanh tài sản - bất động sản; vận tải kho bãi - xuất nhập khẩu; tài chính ngân hàng; kế toán - kiểm toán; công nghệ thông tin (CNTT); điện-điện tử; công nghệ thực phẩm…Thống kê về nhu cầu tuyển dụng, DN hiện cần khoảng 35% số lao động phổ thông; 15% số lao động sơ cấp nghề-công nhân kỹ thuật, 20% số lao động trung cấp, khoảng 30% số lao động có trình độ cao đẳng-đại học-trên đại học.

 

Nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục chênh lệch giữa cung - cầu và chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN. Vài năm gần đây, khi hoạt động kinh tế của thành phố có sự đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ thông qua quá trình tái cơ cấu sản xuất càng khan hiếm thêm nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao.

 

TP Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư, phát triển bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gồm cơ khí; điện tử - CNTT; chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao-su. Vì thế, các ngành nghề này sẽ là trọng tâm của chương trình đào tạo và thi tuyển nguồn nhân lực trong một vài năm tới. Một số ngành nghề khác như tín dụng, bảo hiểm, giáo dục, du lịch, y tế, kinh doanh bất động sản, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai, thương mại… cũng đang “khát” những người làm việc có tay nghề. Theo dự báo nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015-2020, mỗi năm, dự kiến cộng đồng DN tại TP Hồ Chí Minh cần khoảng 270.000 chỗ làm, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng, DN ngày càng yêu cầu nhân lực có chất lượng, trình độ và giảm về số lượng.

 

Bà Trần Thùy Vân, Giám đốc nhân sự Công ty may mặc P-D (quận Tân Phú) cho biết, trước đây, công ty chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ phổ thông, vài năm nay, do yêu cầu của hàng xuất khẩu đòi hỏi chất lượng cao buộc công ty phải chọn người có tay nghề. Riêng đội ngũ quản lý, ngoài nghiệp vụ chuyên môn giỏi, họ còn phải rành cả tiếng Anh để có thể giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương trực tiếp với đối tác nước ngoài.

 

Đến cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành, đây là cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm thích hợp, nhưng cũng đặt ra cho mỗi cá nhân về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và phải cạnh tranh với nguồn nhân lực từ các quốc gia trong khu vực. Ông Trần Trọng Thành, Giám đốc Công ty sản xuất thực phẩm Hoa Chi (quận Bình Tân) chia sẻ, khi nền kinh tế hội nhập với khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, DN muốn tồn tại buộc mình thay đổi, phải đầu tư cho quy mô sản xuất lớn hơn, công nghệ tiên tiến hơn. Khi DN đổi mới, buộc nguồn nhân lực phải có một trình độ tương ứng để thích ứng, nếu không tìm được nguồn nhân lực trong nước, DN buộc phải chọn nhân công nước ngoài.

 

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải đào tạo, nhưng từ kết quả đào tạo với nhu cầu của DN hiện nay đang còn một khoảng cách khá xa. Không ít người đã hoàn thành khóa học cử nhân, thậm chí là thạc sĩ, nhưng vẫn không “thạo việc” khi DN tuyển dụng. Đơn cử như nhân lực ngành CNTT của thành phố, một ngành chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu nhu cầu nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2010-2015, nhân lực CNTT chiếm tỷ lệ 7,75%; giai đoạn 2015 - 2020, dự báo mỗi năm có khoảng 6% trong tổng số 270.000 đến 280.000 tổng nhu cầu nhân lực, tập trung vào lĩnh vực lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, phần cứng, kỹ thuật viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, kỹ thuật viên an ninh mạng…Tuy nhiên, một thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, hiện có 72% số sinh viên CNTT không có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ có khoảng 15% số sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của công việc mà DN cần.

 

Mặt khác, cũng có nhiều người có học vị, kinh nghiệm nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả của chất xám do DN bố trí chỗ làm và trả lương không phù hợp. Công ty tuyển dụng trực tuyến Vietnam Works ngày 16-6-2015 công bố khảo sát về việc xác định mức lương cho thấy, 54% nhân viên không cảm thấy mức lương hiện tại là xứng đáng với đóng góp của họ cho DN. Các DN hầu hết đều chưa xác định được mức lương chuẩn phù hợp nhu cầu của nhân viên và người tìm việc. Ông Ga-ku E-chize-nia - Giám đốc Điều hành của Vietnam Works, cho biết, năm 2014, khảo sát hơn 6.000 người lao động, các khoản lương (lương cứng) phổ biến nhất cho nhân viên tại Việt Nam là dưới 6 triệu đồng/tháng (chiếm 36%) và từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng (chiếm 32%)…

 

Việc biết được mức lương phù hợp để thu hút ứng viên không những giúp tối ưu nguồn đầu tư của DN đối với nguồn nhân lực, mà còn kích thích các DN cân đối quỹ lương cho đội ngũ nhân tài dài lâu…

 

ĐẠI ĐỒNG

 

Nguồn: http://ptnlvn.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875455

TRUY CẬP HÔM NAY: 487

ĐANG ONLINE: 9