Thị trường lao động ở TPHCM: Vẫn chênh lệch cung - cầu


Thị trường lao động trên địa bàn TPHCM tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc  “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc. Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

Người lao động tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: HỒ THU



Có nhiều nguyên nhân trong quan hệ cung - cầu của thị trường lao động TP dẫn đến thực trạng trên. Đặc biệt, hệ thống thông tin thị trường lao động của TP còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện để hoàn thành nhiệm vụ của nó là nhằm tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành.

Thông tin về thị trường lao động có số liệu được thu thập từ ba nguồn chính: hệ thống báo cáo định kỳ chính thức; các cuộc điều tra chọn mẫu chuyên ngành và các cuộc tổng điều tra dân số. Ở nguồn thứ nhất, nhóm chỉ tiêu về lao động và thu thập (tiền lương) được các sở, ngành, TP thực hiện đầy đủ nhưng các số liệu báo cáo còn những mức độ chênh lệch, tính cập nhật chưa cao. Các cuộc điều tra chuyên đề lao động, việc làm có nhiều cải tiến qua từng năm, song cỡ mẫu chưa đủ đại diện việc suy rộng các chỉ tiêu chi tiết trong khi nhu cầu của các nhà lập chính sách và quản lý lại cần có những số liệu chi tiết. Còn các cuộc tổng điều tra dân số 10 năm mới thực hiện một lần, thông tin không được kịp thời. Thông tin hướng nghiệp dạy nghề vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, chưa kịp thời và người lao động cũng chưa thỏa mãn, chưa được đáp ứng đầy đủ thông tin về cung - cầu, về giá cả lao động, pháp luật… từ hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm của TP.

Có mấy câu hỏi cần nêu ra: Trong việc thông tin thị trường lao động của TP, chúng ta đã định hướng sự chú ý của thanh niên, của người lao động vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của TP và cả nước cần phát triển? Đã kích thích sự hứng thú của thanh niên, người lao động tìm hiểu và theo học các ngành, nghề của địa phương, xã hội đang cần? Đã giúp thanh niên, người lao động tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp?  Khó có thể nói chúng ta đã hoàn thành 3 câu hỏi đó.

Thời gian tới, thị trường lao động TP có sự chuyển động cả về chất và lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ đẩy nhanh nhu cầu nguồn lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đồng thời, việc chuyển dịch này dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác, hoặc rất khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc thích hợp. Vì thế, cần có sự kết nối giữa người lao động, sinh viên với doanh nghiệp; giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp. Hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động của quốc gia, các tỉnh, TP cần được hoàn thiện có khoa học, có hệ thống và phối hợp giữa cơ quan quản lý đào tạo, việc làm với các đơn vị dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp theo hệ thống tiêu chuẩn và định kỳ thường xuyên. Phải thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa - thiếu cụ thể như thế nào. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đào tạo rà soát lại quá trình đào tạo phù hợp yêu cầu cung ứng lao động. Nhà trường, người lao động và xã hội đều biết các thông tin này, góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động.

TRẦN ANH TUẤN
(Phó Giám đốcTrung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)

 

Nguồn: http://sggp.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933300

TRUY CẬP HÔM NAY: 6094

ĐANG ONLINE: 37