THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2015 VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC 06 CUỐI NĂM 2015 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 153 /BC-TTDBNL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 06 năm 2015

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2015

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

PHẦN I

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

 

            Trong 06 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh thường xuyên khảo sát, cập nhật cung – cầu thị trường lao động từ các sàn giao dịch việc làm, các kênh thông tin tuyển dụng – tìm việc của doanh nghiệp – người lao động với tổng số 9.078 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 80.692 chỗ làm việc – 37.778 người lao động có nhu cầu tìm việc; đồng thời trung tâm cũng đã thực hiện hướng nghiệp, khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của 21.867 học sinh tại 70 trường trung học phổ thông và 3.025 sinh viên tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Từ kết quả tổng hợp cơ sở dữ liệu, phân tích thị trường lao động thành phố 06 tháng đầu năm 2015 diễn biến như sau:

 

I.  TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ

 

           Trong 06 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tăng trưởng ổn định, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt kết quả tích cực. Theo thống kê của Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM từ 01/01/2015 đến 20/5/2015, có 11.419 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,2% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2014, tác động thuận lợi phát triển ổn định thị trường lao động thành phố.

 

           Tổng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 06 tháng đầu năm 2015 tăng 7,4% so với 06 tháng đầu năm 2014. Tình hình tuyển dụng trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có sự gia tăng về nhu cầu lao động đã qua đào tạo nghề, kinh nghiệm làm việc, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao luôn được các doanh nghiệp chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu.

 

Biểu đồ 1: So sánh nhu cầu nhân lực 06 tháng đầu năm 2015

 

           Đặc điểm thị trường lao động tại thành phố Hồ Chí Minh 06 tháng đầu năm 2015 như sau:

 

           Nhìn chung, thị trường lao động phát triển trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ.

 

          Quý I/2015, nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở các nhóm ngành nghề như: Dịch vụ - phục vụ (23,76%); Kinh doanh – Bán hàng (19,04%); Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (11,11%); Kinh doanh tài sản - Bất động sản (6,94%); Công nghệ thông tin (5,53%); Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (3,69%)… Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm chiếm khoảng 40% tập trung ở các nhóm nghề như: Cơ khí – Tự động hoá; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng; Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp; Dệt may – Giày da, Kế toán – kiểm toán; Kinh doanh tài sản- Bất động sản…

 

          Quý II/2015, nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng 12,48% so với quý I/2015. Thị trường lao động thành phố vẫn tiếp tục phát triển theo xu hướng tăng về chất lượng chuyên môn. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc tăng 52% so với quý I/2015.

 

 

Biểu đồ 2: So sánh chỉ số nhu cầu nhân lực  quý I/2015 và quý II/2015

 

           Nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2015 tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh – Bán hàng (26,02%); Dịch vụ -  phục vụ (17,70%); Dịch vụ du lịch nhà hàng khách sạn (8,92%); Công nghệ thông tin (6,09%); Vận tải – kho bãi – Xuất nhập khẩu (4,92%)…

 

           Về trình độ chuyên môn: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm (33,60%); Trung cấp chiếm (21,18%); Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm (15,43%); Lao động chưa qua đào tạo chiếm (29,79%).

 

            Về nhu cầu học nghề: theo số liệu khảo sát hướng nghiệp tại 70 trường THPT trên địa bàn thành phố 06 tháng đầu năm 2015: Khi được khảo sát 95% học sinh lựa chọn được ngành nghề mong muốn được đào tạo; 5% học sinh vẫn chưa định hướng được ngành nghề trong tương lai (06 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ học sinh chưa định hướng được là 20%).

 

Bảng 1: Xu hướng chọn nghề của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM

STT

Ngành nghề

Tỷ lệ (%)

2014

2015

1

Kỹ thuật công nghệ

31,40

26,04

2

Khoa học tự nhiên

2,07

2,60

3

Khoa học xã hội - Nhân văn

5,77

5,84

4

Sư phạm - Quản lý giáo dục

14,36

14,90

5

Nông - Lâm - Ngư

0,04

0,03

6

Kinh tế - Tài chính

25,71

29,40

7

Y - Dược

8,16

8,61

8

Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao

9,57

9,51

9

Ngành nghề khác

2,94

3,08

 

           

            Nhu cầu đào tạo theo nhóm ngành của học sinh khi được khảo sát như sau: Nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ (26,04%), Khoa học tự nhiên (2,60%), Khoa học xã hội– Nhân văn (5,42%), Sư phạm – Quản lý giáo dục (14,90%), Nông – Lâm – Ngư (0,03%), Kinh tế - Tài chính (29,40%), Y dược (8,61%), Nghệ thuật – Thể dục – Thể thao (9,51%), Ngành nghề khác (3,08%).

 

           Số học sinh có nhu cầu học đại học cao nhất chiếm 88,36%, trong khi đó nhu cầu học bậc cao đẳng  8,71% và trung cấp chỉ chiếm 3,93%.

 

                                                                         Bảng 2: Xu hướng chọn bậc học của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM

Bậc học

Tỷ lệ (%)

2014

2015

Đại học

80,74

88,36

Cao đẳng

15,26

8,71

Trung cấp

4,00

3,93

 

II.  PHÂN TÍCH CUNG LAO ĐỘNG (NGUỒN NHÂN LỰC CÓ NHU CẦU VIỆC LÀM)

 

      1. Nhu cầu tìm việc làm

 

          Trong 06 tháng đầu năm 2015, khoảng 70.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học – cao đẳng tăng cường cho nguồn nhân lực thành phố góp phần gia tăng sự cạnh tranh giữa người lao động có kinh nghiệm làm việc là sinh viên mới ra trường. Tổng nhu cầu tìm việc của người lao động tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2014.

 

          Nhu cầu tìm việc của người lao động nhiều ở một số ngành như: Kế toán – Kiểm toán (25,44%); Kinh doanh – Bán hàng (9,84%); Hành chính văn phòng (8,75%); Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,46%); Cơ khí – Tự động hoá (4,51%); Công nghệ thông tin (3,97%)…So với cùng kỳ năm 2014, nhu cầu tìm việc tăng ở các nhóm ngành như: Kinh doanh bán hàng; Dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà…); Dệt may – Giày da; Y dược – chăm sóc sức khoẻ; Hành chính văn phòng; Cơ khí – Tự động hoá; Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng…

 

         Nhu cầu tìm việc của người lao động có kinh nghiệm trong 06 tháng đầu năm 2015 chiếm 88,32% trong tổng số người tìm việc; trong đó số người tìm việc có 01 năm kinh nghiệm chiếm 22,91%, từ 2 năm đến 5 năm kinh nghiệm chiếm 41,59%, trên 5 năm kinh nghiệm chiếm 23,81%.

 

Bảng 3: Nhu cầu tìm việc theo kinh nghiệm

Kinh nghiệm

Tỷ lệ 2014

(%)

Tỷ lệ 2015 (%)

Không có kinh nghiệm

19.52

11,67

1 Năm

11.99

22,91

2 - 5 Năm

48.80

41,59

Trên 5 năm

19.69

23,81

 

 

Biểu đồ 3: Những nhóm ngành nghề có chỉ số nhu cầu tìm việc cao trong 06 tháng đầu năm 2015

 

III. PHÂN TÍCH CẦU VIỆC LÀM (NHU CẦU TUYỂN DỤNG NHÂN LỰC)

       1. Nhu cầu tuyển dụng

 

          Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trên đại học chiếm (0,43%); Đại học chiếm (15,96%) tăng 18,96%; Cao đẳng (17,46%) chủ yếu ở các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng; Kinh doanh – Bán hàng; Kế toán kiểm toán; Quản lý điều hành…

 

          Nhu cầu tuyển lao động có trình độ Sơ cấp nghề chiếm (7,82%); Công nhân kỹ thuật (5,44%); Trung cấp (20,12%) tập trung ở các nhóm ngành như: Dệt may giày da, Điện tử - Cơ điện tử; Cơ khí, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp; Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu; Mộc – Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp…

 

         Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm (33,19%) chủ yếu ở các nhóm ngành: Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn; Dịch vụ - phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà…)  Thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng; Bán hàng…

 

         Những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong 06 tháng đầu năm 2015 là: Kinh doanh – Bán hàng (22,73%); Dịch vụ phục vụ (20,55%); Công nghệ thông tin (5,83%); Kinh doanh tài sản – Bất động sản (4,86%); Vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu (4,34%)…

           

Biểu đồ 4: Những ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao nhất trong 06 tháng đầu năm 2015

  

         

Biểu đồ 5: Nhu cầu tìm việc theo trình độ nghề 06 tháng đầu năm 2015

 

         Về kinh nghiệm: nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tiếp tục sự cân bằng giữa tuyển dụng lao động có kinh nghiệm và lao động không có kinh nghiệm. Với tỷ lệ 50,43% nhu cầu tuyển dụng lao động là chưa có kinh nghiệm là cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, tập trung chủ yếu trong các nhóm ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh - Bán hàng, Marketing - Quan hệ công chúng, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Vận tải, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Hành chính văn phòng, Truyền thông - Quảng cáo - Thiết kế đồ hoạ, Công nghệ thông tin, Điện tử - Cơ điện tử, …

 

Bảng 4: Nhu cầu tuyển dụng 06 tháng đầu năm 2015 theo kinh nghiệm

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

06 tháng đầu năm 2014

06 tháng đầu năm 2015

Không có kinh nghiệm

50.43

46,21

1 Năm

33.86

38,84

2 - 5 Năm

14.94

14,26

Trên 5 năm

0.76

0,69

 

 

Bảng 5: Mức lương tuyển dụng 06 tháng đầu năm 2015

Mức lương

06 tháng
đầu năm 2014

(%)

06 tháng
 đầu năm 2015

(%)

Dưới 3 triệu

25,65

10,81

3 đến 5 triệu

43,34

34,39

5 đến 8 triệu

22,32

36,96

8 đến 10 triệu

3,17

8,82

10 đến 15 triệu

2,87

5,89

Trên 15 triệu

2,66

3,13

 

 

       2. So sánh cung – cầu lao động

 

            Phân tích một số nhóm ngành nghề nổi bật về sự chênh lệch cung – cầu trong 06 tháng đầu năm 2015.

 

            + Công nghệ thông tin (5,83%): 06 tháng đầu năm 2015, 81,73% nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ 01 đến 05 năm kinh nghiệm. Nhu cầu tuyển dụng thường xuyên ở các vị trí: Lập trình viên (C++, Ruby, Java, Php, C#...) yêu cầu kiến thức nền tảng về ngôn ngữ và công nghệ. Xu hướng lập trình di động ứng dụng cho các thiết bị thông minh ngày càng rộng rãi, đáp ứng được với xu hướng của thị trường công nghệ, ứng viên phải thường xuyên cập nhật công nghệ và ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng của ngành (Anh, Nhật), các vị trí khác như: nhân viên tư vấn, triển khai phần mềm, nhân viên kiểm định chất lượng phần mềm... Đối với các vị trí tuyển dụng nhân viên SEO yêu cầu những kỹ năng như: kỹ năng biên tập nội dung, khả năng am hiểu mạng xã hội, kỹ năng phân tích vấn đề, xây dựng liên kết, am hiểu kiến thức HTML…Để có thể tham gia vào sự phát triển của ngành – đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, sinh viên phải nâng cao khả năng tự nghiên cứu – sáng tạo, cập nhật công nghệ, ý tưởng khởi nghiệp với các dự án nhỏ từ khi được đào tạo trên ghế nhà trường.

 

           + Dệt may- Da giày: Nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành theo xu hướng nhân lực chất lượng cao (kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm làm việc). Trên 80% nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm ở các vị trí như: kỹ sư công nghệ dệt, chuyên viên thiết kế, nhân viên may mẫu, chuyền trưởng…Mức lương từ 5 triệu trở lên chiếm 34,72%; 57,64% vị trí tuyển dụng có mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu.

 

           + Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (9,96%): nhu cầu tuyển dụng tăng gấp 2 lần so với 06 tháng đầu năm 2014. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở các vị trí nhân viên doanh du lịch, điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân, nhân viên bếp, … Ngoài ra, các nhà tuyển dụng nhân sự ngành này, đặc biệt với các vị trí quản lý đều yêu cầu ứng viên phải trình độ ngoại ngữ (Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.)

 

         + Kinh doanh - bán hàng: nhu cầu tuyển dụng tăng 8,16% so với 06 tháng đầu năm 2014; 65% nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm. Xu hướng tuyển dụng kinh doanh bán hàng yêu cầu ứng viên có kiến thức kỹ thuật chuyên ngành– kết hợp với kiến thức marketing (nhân viên bán hàng kỹ thuật). Theo số liệu thống kê trong 06 tháng đầu năm 2015 mức lương đối với nhóm ngành kinh doanh – bán hàng cụ thể như sau: dưới 3 triệu chiếm 3,31%; 3 triệu đến 5 triệu chiếm 32,78%; 5 triệu đến 8 triệu chiếm 44,71% và trên 8 triệu chiếm 19,21%.

 

        Tình hình thị trường lao động của thành phố 06 tháng đầu năm 2015; những vấn đề cần được quan tâm:

 

          - Lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng được doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất – chế biến – chế tạo. Vì vậy, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp và trường đào tạo nghề.

 

         - Thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng chuẩn bị quá trình hội nhập thị trường lao động ASEAN cuối năm 2015.

 

PHẦN II

DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2015

 

I. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2015

 

      1. Đặc điểm

 

          Kinh tế xã hội thành phố phát triển là điều kiện phát triển thị trường lao động 06 tháng cuối năm 2015 theo xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

       - Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng GDP của thành phố năm 2015, căn cứ khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kết hợp ứng dụng các phương pháp dự báo phân tích nhu cầu nhân lực; dự kiến 06 tháng cuối năm 2015 toàn thành phố có nhu cầu 140.000 chỗ làm việc trống, trong đó 30.000 nhu cầu lao động thời vụ. Trong 06 tháng cuối năm 2015 thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Thị trường lao động 06 tháng cuối năm 2015 phát triển theo 04 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hoá chất - nhựa cao su. Bên cạnh đó, các nhóm ngành kinh tế dịch vụ: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, kinh doanh tài sản - bất động sản, dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai, thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dịch vụ bưu chính, viễn thông…cũng được chú trọng.

 

      2. Dự báo nhu cầu thị trường lao động 06 tháng cuối năm 2015:

 

        - Quý III/2015, nhu cầu nhân lực khoảng 70.000 chỗ làm việc; tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như : Marketing - Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ ô tô – xe máy, Nông – lâm nghiệp – thuỷ sản, Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Quản lý nhân sự, Hoá – Hoá chất, Dịch vụ - Phục vụ, Điện – Điện tử,  …

 

        - Quý IV/2015, thị trường lao động dự kiến khoảng 70.000 chỗ làm việc trống, việc tuyển dụng nhân sự chú trọng chất lượng, trình độ tiếp tục là xu hướng của năm 2015 và sẽ diễn ra mạnh hơn. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng, Nhân viên kinh doanh.

 

        - Nhu cầu tìm việc trong 06 tháng cuối năm 2015 dự kiến tăng 10% so với đầu năm. Sẽ có sự cạnh tranh giữa sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, người lao động muốn tìm cơ hội phát triển mới.

 

                               Bảng 6: Cơ cấu nhu cầu nhân lực về trình độ chuyên môn 06 tháng cuối năm 2015

STT

Ngành nghề

Tỷ lệ (%)

1

Kinh doanh - Thương mại - Quản lý

31,59

2

Dịch vụ phục vụ

17,68

3

Điện tử - Công nghệ thông tin

8,11

4

Du lịch

6,86

5

Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng - Bảo hiểm

4,80

6

Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai

4,59

7

Dệt may - Giày da - Thủ công mỹ nghệ

4,00

8

Kinh doanh tài sản - Bất động sản

3,87

9

Dịch vụ vận tải - Kho bãi - Dịch vụ cảng

3,68

10

Cơ khí

2,91

11

Xây dựng - Kiến trúc - Môi trường

1,66

 

                                        Tổng nhu cầu tuyển dụng 06 tháng cuối năm 2015: 140.000 chỗ làm việc

 

Bảng 7: Cơ cấu nhu cầu nhân lực về trình độ chuyên môn 06 tháng cuối năm 2015

STT

Trình Độ

Cơ cấu nhu cầu (%)

1

Lao động chưa qua đào tạo

34,49

2

Sơ cấp nghề

5,95

3

Công nhân kỹ thuật lành nghề

5,25

4

Trung cấp (CN-TCN)

22,52

5

Cao đẳng (CN-CĐN)

16,09

6

Đại học

15,04

7

Trên đại học

0,66

 
 
 
       3.  Nhu cầu việc làm thời vụ, bán thời gian, việc làm mùa hè cho học sinh, sinh viên
 

            Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ 06 tháng cuối năm 2015 có xu hướng tăng khoảng 17% - 20% so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt các lĩnh vực ngành nghề dịch vụ, phục vụ luôn cần bổ sung nguồn lao động cho các công việc lao động giản đơn, ngắn hạn. Đặc điểm việc làm thời vụ tại thành phố Hồ Chí Minh trong quý III/2015 các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ thường xuyên có nhu cầu khoảng trên 15.000 công việc lao động thời vụ ngắn hạn, lao động bán thời gian, lao động làm việc tại nhà, làm việc trên mạng máy tính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 với đa dạng công việc thuộc nhiều ngành nghề: Công nghệ thông tin (sửa chữa, lắp ráp, thiết kế đồ hoạ, thông tin truyền thông); Điện dân dụng - Điện tử; Thực phẩm; Dệt may – Giày da; Xây dựng - Sửa chữa nhà ở; Dịch vụ - Phục vụ; Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng; Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (ở các vị trí lễ tân, nhân viên phục vụ khu vui chơi – giải trí…); nhân viên Marketing, bán hàng, bán sách, giao hàng, tiếp thị sản phẩm, quảng cáo, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng dịch vụ giúp việc nhà, chăm sóc người già, người bệnh, tham gia các tổ chức tình nguyện, tổ chức Đoàn thể, Xã hội tại thành phố và khu vực nông thôn... là điều kiện thuận lợi để sinh viên học sinh có nhu cầu làm thêm và tìm việc làm cho mùa nghỉ hè.

 

            Việc sinh viên, học sinh làm thêm và tìm việc làm vào mùa hè là điều cần khuyến khích, vì các em sẽ có điều kiện giao tiếp rộng hơn bên ngoài xã hội, giúp cho các em có được thêm sự tự tin và mạnh mẽ, rất có ích cho cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Từ môi trường làm việc các em rèn luyện thêm những kỹ năng mà trong nhà trường, trong gia đình các em không có điều kiện thực hành, trải nghiệm đặc biệt là tìm hiểu những kỹ năng sống quan trọng... Chính vì thế, việc làm thêm, làm việc mùa hè đối với sinh viên học sinh ngoài lợi ích trước mắt là có được những khoản thu nhập, lợi ích cao hơn là các em tích luỹ được kinh nghiệm về kỹ năng và thái độ tham gia thị trường lao động, sự hiểu biết này sẽ vô cùng hữu ích khi các em tốt nghiệp bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, các em sẽ không bị bỡ ngỡ và cảm thấy tự tin hơn.

 

II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

 

            Từ góc độ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố xin đề xuất:

 

           1. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp:

 

            - Năng lực thực hành nghề chuyên môn.

 

            - Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

 

            - Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.

 

            - Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ.

 

           - Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

 

         2. Hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực toàn diện 03 góc độ: Ngành đào tạo, ngành kinh tế và việc làm (gắn với nghề nghiệp) tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và các kỹ năng của nhân lực được đào tạo, hạn chế mất cân đối, thừa thiếu trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, thành phần kinh tế.

 

         3. Đầu tư phát triển tổ chức chuyên nghiệp để mở rộng và toàn diện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

 

         4. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập.

 

        5. Tăng cường quản lý nhà nước về cung – cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động thành phố; thực hiện cập nhật cung – cầu lao động, biến động lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động thất nghiệp theo định kỳ 06 tháng/1lần.

 

       6. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng Tỉnh, Thành và Khu vực.

 

Nơi nhận:                                                      

- Ban Giám đốc - TT Đảng uỷ Sở;      

- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;

- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;

- Lưu./.

 

 

 

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

 

Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877985

TRUY CẬP HÔM NAY: 223

ĐANG ONLINE: 27