Sau đại học là trung cấp…


Đức Tâm

 

Nghe qua có vẻ phi lý khi đã có bằng đại học rồi lại đi học trung cấp. Tuy nhiên, ngẫm lại có gì lạ đâu khi người ta đi học cái nghề mình yêu thích, để được sống bằng nghề đó sau khi đã có khoảng thời gian trải nghiệm đủ dài để hiểu mình cần gì…

 

Bỏ ngang đại học, chuyển qua học công nghệ thông tin tại Aptech. Tốt nghiệp và có việc làm ổn định nhưng thiếu niềm vui, vậy là bỏ tất cả, Nguyễn Khoa quyết định học nghề lễ tân khách sạn tại trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn SaigonTourist (STHC) thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist). Sau hai năm, Khoa tốt nghiệp lớp lễ tân khách sạn năm sao, được trường giữ lại làm việc ở phòng đào tạo, kiêm vị trí trợ giảng bộ môn lễ tân mà mình yêu thích.

 

Tốt nghiệp trường Đại học Sài Gòn ngành tiếng Anh thương mại-du lịch, đi làm được chín tháng ở vị trí thư ký văn phòng, kiêm biên dịch viên nhưng cảm thấy không có niềm vui với công việc, Nguyễn Kim Trâm xin nghỉ để đi học nghề mình thích và hiện rất hài lòng với quyết định của mình.

 

Đại diện Resort Hồ Tràm Vũng Tàu đến STHC tuyển nhân viên. Ảnh: Hoàng Đôn Nhật Tân

Đại diện Resort Hồ Tràm Vũng Tàu đến STHC tuyển nhân viên. Ảnh: Hoàng Đôn Nhật Tân

 

Những người đi ngược dòng

 

Không riêng gì Khoa và Trâm, những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 800 cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng đăng ký tham gia các khóa học chính quy tại STHC.

 

“Thú thật, khi quyết định nghỉ việc để đi học trung cấp, tôi rất lo và sợ vì thấy mình đi ngược xu hướng, khác mọi người, cộng thêm phần cha mẹ phản đối nữa. Nhưng sau khoảng hai tuần học, tôi dần tự tin và biết rằng minh đã đúng. Những thay đổi tích cực sau đó đã thuyết phục được cha mẹ. Từ phản đối, quay sang ủng hộ và bây giờ thì cha mẹ hài lòng về công việc hiện tại của tôi”, Nguyễn Khoa chia sẻ.

 

Đó là câu chuyện của Nguyễn Khoa – chàng trai thích công việc “phục vụ” để mang lại niềm vui cho chính mình từ sự hài lòng của người khác.

 

Câu chuyện của Nguyễn Kim Trâm cũng không khác mấy. “Khi tôi thông báo nghỉ việc và đi học ngành lễ tân khách sạn năm sao, cha mẹ tôi rất ngạc nhiên, sau đó tỏ vẻ không hài lòng: “Cho con ăn học đại học, có công việc văn phòng nhẹ nhàng, sao bây giờ lại đòi đi làm công việc phục vụ người khác?”, Kim Trâm, cô cử nhân Anh văn, nhớ lại.

 

“Tuy nhiên một tháng sau đó, khi thấy tôi ăn mặc không còn xuề xòa, cái lưng không còn khòm khòm, trang điểm xinh hơn và duyên hơn, giao tiếp lịch sự hơn, nhìn chung mọi thứ đều thay đổi theo chiều hướng tích cực, ba mẹ bắt đầu thay đổi cách nhìn”, Kim Trâm chia sẻ.

 

Kim Trâm nói tiếp: “Thời gian đi làm, tuy ngắn nhưng cũng đủ giúp tôi hiểu rằng doanh nghiệp trả lương theo vị trí và năng lực chứ không theo bằng cấp. Không ai cho mình làm quản lý khi mới vừa tốt nghiệp, dù là đại học; đối với nghề quản lý nhà hàng-khách sạn, đều này lại càng đúng. Do vậy, tôi chấp nhận và sẽ phấn đấu đi lên từ vị trí thấp nhất”.

 

Ở một khía cạnh nào đó, các bạn như Khoa và Trâm đã thật sự dũng cảm trong quyết định của mình. Họ dũng cảm vì đi ngược con đường mà nhiều người vẫn đi.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2015 thành phố cần 265.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động trung cấp chiếm 35%. Tỷ lệ này vẫn sẽ duy trì cho đến năm 2020, do vậy cơ hội để học viên các trường trung cấp ra trường xin việc làm rất thuận lợi.
 

Biết mình biết người

 

Khi phần đông học sinh có xu hướng chọn các trường đại học, cao đẳng thì việc các trường trung cấp gặp khó khăn trong việc tuyển học viên là chuyện đương nhiên. Và trên thực tế, đã có nhiều trường trung cấp phải đóng cửa hoặc đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Trong câu chuyện này, việc STHC luôn có lượng thí sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu đặt ra là một trường hợp đáng chú ý.

 

“Chúng tôi biết xã hội cần gì và biết mình có gì. Chúng tôi ra đời từ doanh nghiệp, sống trong hơi thở doanh nghiệp nên hiểu rất rõ thị trường cần gì”, ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng trường STHC nói.

 

“Xã hội cần cái gì, chúng tôi dạy đúng cái đó, không hơn, không kém. Điều này giúp sinh viên cảm thấy việc học nhẹ nhàng, hữu ích và có đủ thời gian thực hành thuần thục từng kỹ năng mà công việc yêu cầu”, ông Hùng phân tích.

 

Đề làm được điều này, STHC tuyển những giảng viên xuất thân từ trong nghề ra. Nhiều người trong họ không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng đều là những bậc thầy trong nghề, có kinh nghiệm, có kỹ năng, sống trong hơi thở thời đại, có nhiều mối quan hệ và quan trọng nhất, họ có tình yêu với công việc, với sinh viên.

 

Theo ông Hùng, cách đây khoảng 5-6 năm, khi STHC còn thi tuyển (bây giờ thì chỉ cần phỏng vấn xét tuyển), tỷ lệ chọi để vào trường luôn ở mức hơn 1/10, tức hơn 10 thí sinh, mới lấy một thí sinh. Với sự thành công như vậy, trường chịu áp lực mở rộng ngành nghề và nâng cấp lên cao đẳng từ doanh nghiệp sở hữu nhưng ban lãnh đạo trường đã thuyết phục được doanh nghiệp giữ nguyên mô hình hoạt động như từ trước đến nay.

 

“Chúng tôi không muốn mở rộng tràn lan theo chiều ngang, không muốn nâng cấp theo chiều dọc, khi biết những điều đó sẽ làm mình mất đi thế mạnh vốn có. Chúng tôi muốn đào tạo những nghề mà chúng tôi giỏi nhất. Đây là câu chuyện “biết mình”, nhưng “biết mình” không chưa đủ, còn phải dũng cảm “giữ mình” nữa”, ông Hùng nói.

 

Nguồn: sgtiepthi.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877583

TRUY CẬP HÔM NAY: 850

ĐANG ONLINE: 8