Nhân lực ngành dệt may: Khủng hoảng thiếu


Nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam hầu hết chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ bằng cách tự mở 1 - 2 cửa hàng thời trang cho riêng mình, chưa đủ khả năng thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành.

Đào tạo không theo kịp

Dệt may là ngành kinh tế chủ lực, thu hút một lượng lớn lực lượng lao động trong xã hội, là ngành có doanh thu xuất khẩu đứng thứ hai chỉ sau dầu thô. Xét từ góc độ thương mại quốc tế, dệt may được đánh giá là ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh do tận dụng được nguồn nhân công và có tay nghề. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm may xuất khẩu của Việt Nam có đến gần 70% được xuất theo hình thức gia công và 30% theo hình thức bán gia công.

Tại TPHCM, phần nhiều lao động ngành may là lao động di chuyển từ tỉnh, TP khác (đa số ở miền Bắc, miền Trung vào). Tình trạng dịch chuyển lao động luôn diễn ra. Gần 80% là lao động nữ. Lao động ngành dệt may hiện nay chủ yếu tự học, tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính. Chỉ có khoảng 15% lao động trong ngành dệt may có trình độ từ trung cấp trở lên và tình trạng thiếu hụt lao động, mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra.

Hiện nay, khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp. Chuỗi cung ứng nhân lực cho khâu sản xuất may có khá nhiều cơ sở đào tạo nhưng nhân lực cho khâu sợi, dệt, lụa thì rất ít cơ sở đào tạo. TPHCM - nơi tập trung chủ yếu các cơ sở đào tạo lao động ngành dệt may - cũng chỉ có 11 trường đào tạo nhóm ngành dệt may, bao gồm 4 ngành. Hàng năm, chỉ tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.900 lao động (trình độ đại học là 200 người). Con số này quá ít so với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam hầu hết chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ bằng cách tự mở 1-2 cửa hàng thời trang cho riêng mình, chưa đủ khả năng thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành. Nếu không phát triển được nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trong khâu thiết kế thời trang thì ngành dệt may không bao giờ giải quyết được vấn đề nâng cao giá trị gia tăng.

 

Kiểm tra sản phẩm may xuất khẩu. Ảnh: VIỆT DŨNG


Nút thắt

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo. Các vị trí mà nhiều doanh nghiệp đang “khát” người có kinh nghiệm như: chuyền trưởng, chuyên viên thiết kế, nhân viên may mẫu… Đối với các vị trí quản lý như trưởng phòng kế hoạch, quản lý đơn hàng, quản lý các bộ phận hoàn thành…, doanh nghiệp luôn đòi hỏi kinh nghiệm - kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm đối tác, khả năng ngoại ngữ bên cạnh các kỹ năng về chuyên ngành. Có thể kể ra những nghề hiện nay đang cần và sắp tới cũng vẫn thiếu nhiều lao động như: công nghệ sợi - dệt; thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài)…

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực, trong đó có ngành dệt may. Dự báo về xu hướng năm 2015 và giai đoạn  2015 - 2020 đến 2025, nhu cầu tuyển dụng ngành dệt may chiếm tỷ trọng 7,6% tổng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động TPHCM (khoảng 20.500 chỗ làm việc trống mỗi năm).

Nhân lực mới là nút thắt quan trọng nhất của ngành dệt may khi hội nhập. Ngành dệt may muốn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại cần phải có nguồn nhân lực đủ mạnh. Trong đó, đào tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng để phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch sản xuất dệt may từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển. Các hoạt động hướng nghiệp cần định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm, nhằm mục đích tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực của ngành. Theo yêu cầu doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng phải luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp như: nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới…

Doanh nghiệp cần mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc vào nhân lực có sẵn do các trường đào tạo. Doanh nghiệp cần chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho ngành. Trên cơ sở thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối nguồn nhân lực thừa - thiếu thế nào, các cơ sở giáo dục cần rà soát lại quá trình cung ứng lao động. Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.

Mức độ tập trung lao động dệt may trong các doanh nghiệp quy mô lớn không nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ: doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người chiếm 79%, quy mô từ 1.000 người trở lên chiếm chỉ chiếm 1,7%.


TRẦN ANH TUẤN
(Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)


Nguồn: sggp.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024714347

TRUY CẬP HÔM NAY: 346

ĐANG ONLINE: 95