Đổi mới từ chương trình giáo dục


Nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng đang diễn ra xung quanh thứ hạng 12 của giáo dục VN theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Vấn đề quan trọng là qua kết quả này, chúng ta rút ra được điều gì cho quá trình đổi mới giáo dục sắp tới.

 

Hệ thống giáo dục VN duy trì sự cào bằng nội dung giáo dục cho tất cả HS trong suốt 12 năm trong khi ở các nước tiên tiến phân luồng theo hướng nghiệp tương lai của mỗi người Hệ thống giáo dục VN duy trì sự cào bằng nội dung giáo dục cho tất cả HS trong suốt 12 năm trong khi ở các nước tiên tiến phân luồng theo hướng nghiệp tương lai của mỗi người  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Bản báo cáo "Education at a Glance 2014" dài hơn 500 trang và kèm theo nhiều bảng biểu, phụ lục. Nếu đọc kỹ tài liệu này của OECD, có thể thấy hàng loạt vấn đề lớn của giáo dục nước ta, không phải chỉ có niềm hứng khởi.

 

Khác biệt về kết cấu hệ thống giáo dục

 

Trước hết, đây không phải là bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu của OECD, mà là báo cáo đánh giá tình hình giáo dục các nước thành viên của tổ chức này. Nước ta không phải là thành viên OECD, mà chỉ là một nước được tham chiếu, so sánh. Kiến thức toán và khoa học của học sinh 15 tuổi (mà VN có thứ hạng cao) là một trong hàng trăm tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục. Ngoài tiêu chí này, VN không hề được nhắc đến ở các tiêu chí giáo dục quan trọng. Có thể vì họ không có số liệu về giáo dục VN, nhưng khả năng lớn hơn là do kết cấu hệ thống giáo dục của ta quá khác so với các nước OECD.

 

Báo cáo này thể hiện việc ứng dụng rộng rãi hệ thống phân loại giáo dục quốc tế (International Standard Classification of Education - ISCED) ở các nước thành viên. Theo đó, hệ thống giáo dục được phân thành 6 cấp (levels), từ ISCED 1 đến ISCED 6.

 

Nhìn thoáng qua, nhiều người dễ đánh đồng ISCED 1 với tiểu học, ISCED 2 với THCS, ISCED 3 với THPT ở nước ta. Nhưng xem kỹ định nghĩa và phân tích nội hàm giáo dục theo ISCED thì thấy rõ giữa ISCED 2 và THCS ở nước ta đã bắt đầu có sự khác biệt, còn giữa ISCED 3 và THPT ở nước ta thì vênh nhau một trời một vực.

 

ISCED phân luồng rõ rệt

 

ISCED 2 yêu cầu phân luồng HS theo 2 hướng phù hợp với tố chất, năng khiếu, dự định hướng nghiệp tương lai của mỗi người. ISCED 2A dành cho học sinh có thiên hướng theo học các ngành đào tạo cơ bản, ISCED 2B dành cho học sinh theo học các ngành đào tạo thực hành, học nghề. Chính vì tính hướng nghiệp từ ISCED 2, học sinh ở các nước ứng dụng ISCED thường chỉ học 7 - 8 môn (bao gồm một số môn tự chọn theo nguyện vọng cá nhân), trong khi học sinh bậc THCS ở nước ta phải học giống nhau 12 - 14 môn.

 

Lên đến THPT, sự khác biệt của nước ta với ISCED 3 lại càng lớn. Học sinh bậc THPT ở nước ta tiếp tục học các môn tương tự như bậc THCS trong khi ISCED 3 yêu cầu phân luồng học sinh theo 3 hướng: ISCED 3A cho người muốn vào ĐH theo các ngành cơ bản, ISCED 3B cho học sinh muốn học tiếp các nghề kỹ thuật cao, ISCED 3C cho học sinh có nhu cầu đi làm ngay sau cấp học này. ISCED 3A, ISCED 3B là cấp dự bị ĐH, thường kéo dài 2 năm. ISCED 3C, về bản chất chính là CĐ 3 năm ở nước ta. Số môn học (cả bắt buộc và tự chọn) ở cấp ISCED 3 tại hầu hết các nước tiên tiến thường chỉ bằng một nửa số môn học THPT ở VN.

 

Giáo dục VN duy trì sự cào bằng nội dung giáo dục cho tất cả học sinh trong suốt 12 năm, trong khi theo ISCED, điều này chỉ áp dụng cho ISCED 1 (với số năm học phổ biến là 6 năm), từ ISCED 2 trở lên phân luồng mạnh và thực dụng. Đối với những HS muốn đi làm sớm, họ có thể kết thúc cấp giáo dục mà nước ta gọi là trung cấp trong 5 năm sau ISCED 1 hoặc cấp CĐ sau 6 năm học ISCED 2B và ISCED 3C. Trong khi đó, học sinh ở nước ta hết 12 năm mới chỉ tốt nghiệp THPT, cần học thêm 3 năm nữa mới xong CĐ. Nói chung, để kết thúc giáo dục CĐ và ĐH, học sinh VN phải học nhiều hơn học sinh nước ngoài 1 - 2 năm. Điều này gây lãng phí vật chất cho gia đình, xã hội và thời gian lao động.

 

Tính chung cho toàn khối OECD, số người tốt nghiệp cấp ISCED 3 trở lên chiếm 75% tổng số người lớn trong độ tuổi 25 - 64. Trong khi đó, số người tốt nghiệp cấp ISCED 4 và ISCED 5 chỉ chiếm 32%. Điều đó cho thấy tỷ lệ người kết thúc học sau cấp ISCED 3 ở các nước OECD rất lớn. Trong khi đó, ở nước ta khoảng 80 - 85% học sinh hết THPT đăng ký thi vào ĐH. Xu hướng học sinh dồn nhiều vào ĐH dẫn đến sự mất cân đối trên thị trường lao động, giảm chất lượng đào tạo ở cả CĐ và ĐH, hỏng cả "thầy" lẫn "thợ". Tình trạng thất nghiệp ở đối tượng có bằng ĐH gia tăng, với số lượng hiện tại khoảng 150.000 người, trong khi thị trường lao động thiếu thợ có tay nghề cao.

 

Kinh nghiệm cho VN

 

Trở lại câu chuyện thứ bậc 12 của giáo dục VN. Tuổi 15 là thời điểm học sinh nước ta kết thúc THCS (lớp 9), còn ở các nước khác kết thúc ISCED 2. Với tố chất của học sinh VN và sự chú trọng dạy - học lệch về các môn toán, lý, hóa, việc VN được xếp thứ hạng cao theo tiêu chí "toán và khoa học" có thể hiểu được.

 

Sự phân luồng ISCED 2 thành ISCED 2A và ISCED 2B theo tính hướng nghiệp ở các nước áp dụng ISCED làm cho các môn toán và khoa học không còn được nhiều học sinh chú trọng ưu tiên như ở VN. Nếu đánh giá ở thời điểm kết thúc THPT tại VN và ISCED 3 ở các nước khác, thứ hạng của nước ta theo tiêu chí "toán và khoa học" có thể còn cao hơn khi tính ở tuổi 15. Một lý do là việc phân luồng mạnh ở cấp ISCED 3 ra các nhánh 3A, 3B và 3C ở các nước khác dẫn đến việc nhiều học sinh không ưu tiên chọn học toán và các môn khoa học tự nhiên nếu họ không có ý định đi theo các ngành đó ở bậc ĐH. Trong khi ở nước ta việc chú trọng môn toán và các môn khoa học tự nhiên kéo dài đến hết THPT đối với tất cả học sinh.

 

Báo cáo giáo dục của tổ chức trên là một tài liệu quý. Nó đánh giá giáo dục theo nhiều tiêu chí. Nếu lập được các bảng biểu tương tự cho giáo dục VN và đối chiếu, ắt sẽ có nhiều điểm để giật mình. Chẳng hạn dựa vào chỉ tiêu D2, tỷ lệ bình quân học sinh/giáo viên theo tiêu chuẩn của OECD và các nước khác, đối chiếu với tỷ lệ quy định của VN và thực tế diễn ra ở các địa phương cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm.

 

Hệ thống phân loại quốc tế hiện áp dụng ở nhiều nước tiên tiến. Muốn hội nhập, giáo dục VN phải hòa cùng dòng chảy này, chứ không thể đứng tách biệt. Như thế vừa khó phát triển bền vững, vừa không thể so sánh được với các nền giáo dục tiên tiến. Vì vậy, trước khi đổi mới sách giáo khoa, việc Bộ GD-ĐT cần làm là đổi mới toàn diện chương trình giáo dục, trên tinh thần áp dụng hiệu quả hệ thống ISCED của UNESCO và kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến.

 

Tiến sĩ Lương Hoài Nam

 

Nguồn: thanhnien.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877780

TRUY CẬP HÔM NAY: 18

ĐANG ONLINE: 8