SỰ PHÙ HỢP NGHỀ VÀ HỘI NHẬP THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG


Theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM giai đoạn 2015-2020, mỗi năm thành phố có nhu cầu trên 270.000 việc làm trống, trong đó có 120.000 việc làm mới và trên 50% chỗ làm việc có nhu cầu lao động nữ. Nghịch lý ở đây, TP.HCM đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

 

Với góc nhìn của người làm công tác Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu về thị trường lao động thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Theo tôi có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỹ luật và trách nhiệm)

 

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.

 

Rõ ràng việc chuẩn bị cho quá trình hội nhập cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015 phải được sinh viên, những người lao động trẻ tương lai đầu tư ngay từ bây giờ. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người Việt trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập quốc tế, góp phần mang trí tuệ và bản lĩnh VN sánh cùng với bạn bè quốc tế.

 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

trả lời phỏng vấn đài truyền hình VTV về nhân lực khi hội nhập Asean

 

Việc gia nhập ASEAN 2015 là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động chúng ta còn quá trình để tiếp cận. Vấn đề này chuẩn bị nguồn nhân lực gia nhập ASEAN đã được các cơ quan Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu xã hội - nhân lực phân tích nhiều, Đảng và Nhà nước cũng đã xác định các chủ trương, chỉ đạo cụ thể để phát huy ưu thế khắc phục hạn chế hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề đang tích cực cải tiến quy trình đào tạo để nâng cao chất lượng. Các hoạt động hướng nghiệp tích cực hơn, tạo cho người học sinh hiểu được mình, hiểu xu hướng nhân lực, chọn ngành nghề để học và phát triển.

 

Chúng ta phải thấy rằng, trong nền kinh tế dựa vào kỹ năng, bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp người học chuẩn bị một số nghề khác nhau. Với cùng một ngành học có nhiều cơ sở đào tạo, đặt ra bức tranh về sự cạnh tranh trong đào tạo, bên cạnh công tác truyền thông tốt, bài toán đặt ra đối với các cơ sở chính là làm sao tạo được sản phẩm đào tạo mang bản sắc riêng của trường, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, với nền kinh tế dựa vào kỹ năng.

 

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.

 

Ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp.

 

Ở nhiều hội thảo, chương trình về nghề nghiệp, không ít ứng viên đã hỏi về các bí quyết làm giàu với số tiền nhỏ bé. Xã hội thực tế cũng có một số ngành nghề mang lại lợi nhuận lớn nhưng bỏ ra chi phí thấp. Nhưng, để đạt điều bạn mong muốn phải là một quá trình. Bạn cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp.

 

Sự chênh lệch ở thị trường lao động kéo theo tình trạng di chuyển lao động trong quá trình làm việc. Mặc dù nạn thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, nhưng nhảy việc vẫn là thực trạng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp. Nếu sự di chuyển chỉ theo cảm tính hoặc chỉ căn cứ đơn thuần vào thu nhập thì sự thiệt hại trước tiên thuộc về người lao động (có thể do nắm sai thông tin phải làm lại từ đầu...), đồng thời, đổi việc cũng sẽ gây thiệt hại đối với sự ổn định và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một điểm tích cực của năm 2014, sự dịch chuyển lao động tại TP.HCM dưới mức 10% (các năm trước trên 20%). Điều này chứng tỏ sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp dần theo hướng ổn định và phát triển. Nhân lực trở thành vốn quý và sự gắn bó với sự nghiệp lâu dài bắt đầu được trân trọng. Mặt khác, các hoạt động về thông tin thị trường lao động cũng được thực hiện khá tốt, tạo dư luận xã hội giúp cho người lao động hiểu được thị trường và chọn lựa việc làm cũng như phấn đấu ổn định sự nghiệp.

 

Vấn đề cần lưu ý, phần đông sinh viên mới ra trường phân vân không biết nên gửi hồ sơ vào doanh nghiệp nhà nước hay nước ngoài. Họ cẩn thận soi xét các chế độ đãi ngộ, môi trường văn hóa công ty, chính sách phát triển nhân viên chứ không chỉ chuyện thu nhập. Tại các hội thảo tư vấn việc làm, nhiều trường hợp băn khoăn, cho rằng môi trường làm việc và chính sách phát triển của doanh nghiệp nhà nước không bằng các doanh nghiệp nước ngoài. Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tuỳ theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.

 

Thực tế hiện nay, hầu hết mọi người đều ngóng trông thông tin từ báo giới truyền thông và các tổ chức lao động, việc làm rằng ngành nào hiện đang là “điểm sáng”, “điểm nóng”, thu hút nhân lực nhất? Để họ - những người hiện đang chới với trong nguy cơ thất nghiệp bởi lĩnh vực họ đang làm bị đóng băng, phá sản, rút vốn đầu tư - có thể chuyển ngành với hy vọng tìm cơ hội mới. Nhiều ứng viên tìm đến các tổ chức tư vấn việc làm, hỏi rằng họ có thể làm lại từ đầu ở một ngành nghề hoàn toàn mới được hay không? Chuyển ngành là một quá trình không hề đơn giản. Và theo đánh giá của tôi, không có ngành nào gọi là "hot", mà chỉ do chính con người quyết định chọn nghề, sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người.

 

 Dự báo về xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với  các năm trước   Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.

 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực lớn của Việt Nam. Hàng năm tại thành phố có trên 70.000 sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tốt nghiệp ra trường. Nếu tính cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật và đào tạo nghề ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người có chuyên môn có nhu cầu việc làm, trên 40% là lao động nữ. Trong đó, các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TPHCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng: giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo… 

 

Nhiều doanh nghiệp hiện nay có những cách phỏng vấn khác nhau, từ kiểu hỏi đáp thân mật để đánh giá độ “chân thành” của ứng viên cho đến việc tạo áp lực bằng cách liên tục đưa ra các tình huống khó khăn để xem xét năng lực thực sự của người được phỏng vấn. Nhưng dù phải ứng phó với kiểu phỏng vấn nào đi nữa, người lao động phải luôn giữ được sự tự tin, 40% doanh nghiệp xem giao tiếp là kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần có.

 

Hiện nay đa số các doanh nghiệp trả lương theo vị trí làm việc của người lao động được tuyển chọn và thỏa thuận hợp đồng lao động theo quy định pháp luật về điều kiện, mức lương, chính sách phúc lợi...nếu vị trí làm việc và bằng cấp tương xứng nhu cầu tuyển dụng thì người lao động được hưởng lương theo bằng cấp và có thể cao hơn.

 

Vấn đề hội nhập nhanh với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp của thanh niên người lao động  điều cốt lõi là người sinh viên, người lao động phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại, để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp

 

                                                                                                    Trần Anh Tuấn 

                                                                                                     Phó Giám đốc

                                                                                 Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                           và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Tháng 04/2015

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024927440

TRUY CẬP HÔM NAY: 183

ĐANG ONLINE: 45