CHUYÊN ĐỀ: ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ


Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội .

 

 

Đạo: Đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở.

 

Đức: Theo Khổng Tử, sống đúng luân thường là có Đức. Theo Đạo (Lão tử) tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức.



Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt-xấu, hơn nữa xem như là đúng-sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hoá, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.

Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

 

Con người sống trên đời cần rất nhiều thứ như tiền bạc, tình yêu, địa vị, gia đình, con cái, tiện nghi, vân vân… Nhưng trong tất cả những cái đó, con người rất cần Đạo đức làm nền tảng, làm cốt lõi, làm linh hồn. Thiếu Đạo đức, con người sẽ làm đổ vỡ tất cả. Ví dụ một người kỹ sư thiếu đạo đức sẽ tạo nên một công trình kém chất lượng; một luật sư kém đạo đức sẽ lách qua kẻ hở pháp luật để bênh vực kẻ có tội; một bác sĩ kém đạo đức sẽ kéo dài bệnh để ăn tiền; một viên chức kém đạo đức sẽ lợi dụng chức quyền để làm khổ dân… Vì vậy, trong bất cứ lãnh vực nào, nghề nghiệp nào, con người vẫn luôn luôn cần đạo đức để làm đúng với trách nhiệm của mình.

 

Đến nay, Việt Nam có 157 kỹ sư  được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Năm 2010, chỉ có 7 kỹ sư  được nhận chứng chỉ này. Đây là con số quá ít trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập.  Việc công nhận kỹ sư chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư của Việt Nam lên tầm khu vực, giúp họ dễ dàng tham gia vào thị trường khu vực ASEAN.

 

Để được nhận chứng chỉ, một KS phải đạt tiêu chuẩn: tốt nghiệp trường đại học  kỹ thuật và tương đương, hành nghề liên tục trong 7 năm, trong đó có ít nhất 2 năm chủ trì các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, xuất sắc trong các kỹ năng thẩm định, phản biện, đánh giá, kỹ năng thực hành và tổ chức sản xuất kinh doanh, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, cam kết tham gia học tập liên tục để nâng cao kiến thức...

 

Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ nơi cuộc sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại đã làm cho con người có những cách nhìn mới về những giá trị đạo đức. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến mang lại cho con người nhiều tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho con người nhiều nỗi phiền toái, và còn lấy mất khỏi con người nhiều giá trị cao đẹp – vốn là những điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng sống của con người.

 

Những phương tiện khoa học kỹ thuật vốn không tốt cũng không xấu. Nó tốt hay xấu là phụ thuộc vào người sử dụng nó. Thế nhưng, những phương tiện khoa học kỹ thuật, hay nói một cách nôm na hơn là cuộc sống hiện đại đã làm cho con người, nhất là những người trẻ, có những thay đổi cách nhìn về giá trị đạo đức.

 

Đạo đức ngày nay bao gồm nhiều lãnh vực, chứ không gói gọn trong cách học làm người: Đạo đức sinh học, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong chính trị, đạo đức trong nhà trường, đạo đức trong tôn giáo… mỗi một trong những nền đạo đức này nói lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Giá trị của chúng khác nhau, tuy nhiên, chúng có một điểm chung là con người. Giá trị đạo đức thực là cái bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung mãn hơn.

 

“Đạo đức là cốt ở sống hợp với bản tính của con người. Các triết gia không đồng ý với nhau, khi cần phải định bản tính của con người là gì, điều này tùy thuộc vào quan niệm siêu hình của từng môn phái; nhưng tất cả đều đồng ý mà quả quyết rằng đời sống đạo đức là cốt ở sự thực hiện cứu cánh của con người đúng theo chân bản tính của nó. Như thế đạo đức không phải là gò ép con người và làm cho nó suy giảm, trái lại đạo đức là làm nảy nở tất cả những gì có giá trị nơi con người. Vậy đạo đức rất là quan hệ; không có đạo đức, người ta có thể làm một kỹ sư hay một thương gia tài giỏi, nhưng không có đạo đức thì không thể trở nên một con người hoàn hảo và không thể phát triển tất cả những gì cao quý tốt đẹp của bản thân chúng ta.”

 

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP 

 

1.   Ngày nay cụm từ "Đạo đức nghề nghiệp" nên được nhắc thật nhiều để thức tỉnh một số đông người trong xã hội chúng ta ngày càng đánh mất nó.

 

Ví dụ 1 : Giáo viên không dạy hết cho học trò khi lên lớp, giữ lại các phần bài để dạy riêng trong các buổi học thêm. Sau đó ra bài kiểm tra bằng phần kiến thức ấy để đánh đố những học sinh không đi học thêm ở nhà thầy cô.

 

Ví dụ 2: Bác sĩ không chữa hết bệnh cho bệnh nhân. Họ cho thuốc theo kiểu nuôi bệnh để cho bệnh nhân cứ phải đeo theo nộp tiền cho họ. Nếu bạn chữa bệnh trong các bệnh viện chuyên khoa thì đã có các phác đồ điều trị và có bệnh án kê đơn thuốc rõ ràng, có sự quản lý và chịu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo. Nhưng bệnh viện luôn quá tải. Người bệnh thì ngày càng đông do môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Các phòng mạch tư mọc lên như nấm. Bao nhiêu bác sĩ trong số này còn y đức? Họ kê đơn thuốc không đọc được. Chia thuốc theo từng liều gói sẵn cho bạn để bạn chả biết được đó là thuốc gì. Nếu đơn kê đúng mà thuốc có là bột khoai nghiền đóng viên bạn cũng chịu, không thể kiểm tra. Tinh vi hơn họ vờ không bán thuốc (để có vẻ là họ chỉ khám bệnh và kê đơn thôi) nhưng chỉ định nhà thuốc buộc bạn phải mua ở đó để ăn chia tiền mua thuốc của bạn với nơi bán thuốc... rất rất nhiều bài bản để lừa người xui quẩy bị bệnh.

 

Ví dụ 3: Nếu bạn thuê thợ xây mà không biết gì về xây dựng hoặc không có thời gian để giám sát họ sẽ ăn cắp của bạn hoặc là vật tư , hoặc là các công đoạn thực hiện công việc. Ví dụ như sơn tường phải lăn 2 lần họ chỉ lăn 1 lần, họ có thể không đầm nền nhà của bạn trước khi lót gạch...

 

 Ba ví dụ trên cho các bạn những suy nghĩ gì?  thật thấy xấu hổ cho tầng lớp những người tri thức. Họ được học hành, đào luyện để được xã hội phân công trọng trách chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục nuôi dưỡng thế hệ trẻ vậy mà chỉ vì tham vọng phì gia mà đánh mất "đạo đức nghề nghiệp". kiếm tiền trên sức khỏe, mạng sống của đồng bào và kiếm tiền thô bạo trước tầm nhìn ngây thơ của con trẻ đều là tội ác.

 

2. Con người sống trên đời cần có đạo đức, mà để sống thì con người cần làm việc, có nghề nghiệp vì thế bất cứ nghề gì cũng cần đạo đức nghề nghiệp để tạo ra giá trị, lơi ích cho xã hội. Nhưng mỗi người chỉ có thể có đạo đức khi nghề nghiệp của họ đảm bảo được cuộc sống, chừng nào cuộc sống còn khó khăn thì chừng đó hạt mầm đạo đức chưa đủ dinh dưỡng để mà nảy nở. Dù có cơ chế giám sát, kiểm tra đội ngũ thanh tra đó thì cũng đạt đc ít kết quả nếu đời sống của họ chưa đc bảo đảm, khác gì kiểm soát việc các giáo viên dạy thêm và đủ thứ việc làm phạm pháp khác. Bạn làm nghề gì, đạo đức nghề nghiệp của bạn như thế nào?

 

ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ

 

Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Các quy định mang tính đạo đức của công chức đã và đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Xin-ga-po… Ở Việt Nam, công chức thi hành công vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thái độ, tinh thần, trách nhiệm, ý thức của công chức trong quá trình thực thi công vụ trong mối quan hệ với công dân phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ. Pháp luật có được thực thi hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ.

 

Điều 8, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và chịu sự giám sát của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến đạo đức công vụ, trong đó phải kể đến là: Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2003), Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm năm 1998, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan (ban hành theo Nghị định 71/CP của Chính phủ năm 1998)…

 

Đạo đức với tư cách là những chuẩn mực xử sự được xã hội thừa nhận, được hình thành và vận dụng từ chính thực tế của đời sống xã hội. Trong những năm qua, cơ chế thị trường đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đạo đức là một trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất. Thực trạng đời sống đạo đức của nước ta hiện nay mang nhiều nét phức tạp, có những cái đã định hình, có những cái còn đang phôi thai, những nhân tố mới tích cực và tiêu cực.

 

Cơ chế thị trường đã mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, thúc đẩy văn hóa đạo đức, phải gạt bỏ đi những cái cũ kỹ, lạc hậu, cổ vũ cho những gì mới mẻ, hợp quy luật. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp chính là sự đánh thức cá nhân và xã hội Việt Nam, đồng thời tạo đà cho những chuẩn mực đạo đức mới. Nhịp sống sôi động đã thay thế cho nhịp sống thời bao cấp, mọi người phải phát huy cao độ tính tự giác, năng động sáng tạo, chứ không thể trông chờ, ỷ lại. Cơ chế thị trường khuyến khích các cá nhân phấn đấu, khẳng định và tạo lập cơ chế đãi ngộ xứng đáng với sự cống hiến. 

 

Nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã có thể bị biến chất đạo đức bất kỳ lúc nào. Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, đến vấn đề suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận công chức. Các vụ tiêu cực liên quan đến suy thoái đạo đức ở nước ta những năm qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của xã hội về đạo đức người công chức hiện nay.

 

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập vào kinh tế thế giới,đòi hỏi Việt Nam phải tiêu chuẩn hoá các dịch vụ theo thông lệ quốc tế, trong đó, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Nhìn chung, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì để chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được các thành viên tôn trọng chấp hành đuúg đắn, không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy. Lịch sử phát triển hàng trăm năm đạo đức nghề nghiệp trên thế giới cho thấy đây là một hệ thống thể chế phức tạp, cần có sự kết hợp hài hoà giữa kỳ vọng của xã hội, vai trò của nhà nước, nỗ lực của tổ chức nghề nghiệp và ý chí của những người hành nghề.

 

 ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP -BẠN CÓ HAY KHÔNG ?

 

Đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp. Nó quyết định khả năng tồn tại của bạn trong thị trường lao động. Đạo đức nghề nghiệp thể hiện ngay trong cách bạn phản ứng trước những tình huống trong cuộc sống công sở hàng ngày.

 

Vậy liệu bạn có phải là người trung thực trong công việc và mức độ đạo đức nghề nghiệp của bạn ra sao?Hãy làm bài trắc nghiệm sau để có câu trả lời cụ thể:

 

1. Bạn in 200 trang tài liệu và đã dùng hết giấy trong máy in. Sau đó, bạn sẽ làm gì?

 

A. Cho đầy giấy vào khay ngay lúc đó

 

B. Nói cho mọi người xung quanh biết để họ tự cho giấy vào khi cần in

 

C. Không làm gì và nghĩ rằng mọi người sẽ tự biết

 

 2. Sếp giao cho bạn một tập giấy và tình cờ trong đó có một số tài liệu mật. Bạn sẽ:

 

A. Trả lại ngay cho sếp khi phát hiện ra

 

B. Giữ lại và tìm những tài liệu bạn cần

 

C. Đọc tài liệu đó

 

 3. Bạn sẽ hành động ra sao nếu đi làm muộn vì tối hôm trước đi chơi khuya?

 

A. Gọi điện thông báo trước cho nhóm làm việc để họ không khó chịu vì sự chậm chễ của bạn

 

B. Bạn đến muộn và hi vọng không ai để ý

 

C. Bạn đến muộn và nói đó là do tại tắc đường

 

 4. Bạn đã không có một kì nghỉ trong nhiều tháng qua và nhận thấy rằng mình cần phải nghỉ ngơi. Bạn sẽ:

 

A. Nói với sếp rằng bạn cần một kì nghỉ để nghỉ ngơi và nạp năng lượng

 

B. Giả vờ ho và nói rằng bạn cảm thấy không khoẻ, từ đó có cớ để xin nghỉ ốm

 

C. Chờ đợi một ngày nào đó trong tuần sếp không đến công ty, bạn để lại lời nhắn cho mọi người rằng bạn có việc gấp và dành ngày đó để nghỉ ngơi

 

 5. Trong một cuộc họp tẻ nhạt, bạn cảm thấy rằng mình sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn ở bàn làm việc thay vì ngồi đó. Bạn sẽ:

 

A. Cố gắng chịu đựng vì thật bất lịch sự khi bỏ đi giữa chừng

 

B. Giả vờ như nhận được một cuộc điện thoại khẩn cấp và trở lại bàn của mình để làm việc

 

C. Giả vờ vào phòng nghỉ nhưng quay lại bàn làm việc và lên Facebook

 

 6. Bạn phát hiện ra người cùng phòng có mối quan hệ tình cảm với một thực tập sinh ở phòng kế toán.

 

A. Bạn coi như không biết gì

 

B. Bạn nói cho đồng nghiệp thân nhất của mình vì cho rằng rằng anh/chị ấy sẽ không nói với ai

 

C. Bạn sẽ nói cho bất kì ai muốn nghe

 

 7. Bạn sẽ bắt đầu làm việc tại một công ty mới sau một tháng nữa. Tuy nhiên, ngày hôm sau, sếp hiện tại thông báo rằng bạn sẽ giữ vai trò chủ chốt trong dự án mới.

 

A. Để không cản trở công việc của anh/chị ấy, bạn thông báo rằng mình sẽ chuyển đi trong một tháng nữa

 

B. Bạn vẫn bắt đầu kế hoạch cùng sếp. Sau 2 tuần bạn thông báo rằng mình chỉ làm việc cho công ty 2 tuần nữa.

 

C. Không nói gì và làm việc cho tới ngày cuối cùng

 

8. Bạn biết sếp đang trong tâm trạng không vui. Bạn cũng biết rằng đồng nghiệp đang định tới chỗ sếp để yêu cầu tăng lương.

 

A. Bạn lặng lẽ cảnh báo đồng nghiệp rằng anh ta có thể bị “ăn mắng” nếu vào phòng sếp lúc này

 

B. Bạn tiếp tục làm công việc của mình và coi như không liên quan

 

C. Bạn không đề cập tới tâm trạng của sếp và khuyến khích đồng nghiệp đề nghị tăng lương gấp 3 lần

 

 9. Giả sử bây giờ đang là 3h giờ chiều trước ngày nghỉ lễ. Không có điện thoại hay email gửi tới. Bạn sẽ:

 

A. Ở lại cơ quan đến 5 giờ vì đó là công việc của bạn

 

B. Chờ thêm 30 phút để chắc rằng sẽ không có gì đặc biệt xảy ra, sau đó ra về

 

C. Bạn đã về từ trưa

 

 10. Sếp thích ý tưởng của bạn và không ngừng nói về nó với mọi người. Nhưng vấn đề ở chỗ, ý tưởng đó là thành quả cố gắng của bạn và đồng nghiệp. Bạn sẽ:

 

A. Nói với sếp: “Cám ơn sếp vì đã đánh giá cao nhưng đó không phải là ý tưởng của mình tôi. Mọi người trong nhóm đã làm việc rất chăm chỉ”.

 

B. Bạn nhận lời tán thưởng. Sau đó nói với đồng nghiệp mọi chuyện và rằng bạn không biết nói sao với sếp

 

C. Bạn nhận lời khen ngợi và cố gắng đẩy đồng nghiệp ra.

 

Thang điểm:

 

Đáp án A: 1 điểm

 

Đáp án B: 2 điểm

 

Đáp án C: 3 điểm

 

Kết quả:

 

10 điểm: bạn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp tốt cho người khác

 

11 - 15 điểm: Dù không phải là người hoàn hảo nhưng bạn luôn được người khác kính trọng vì đạo đức nghề nghiệp của mình. Hãy luôn nhắc nhở bản thân phải cư xử đúng đắn.

 

16 - 20 điểm: Bạn đang bị lạc trên con đường đạo đức nghề nghiệp. Hãy suy nghĩ và cân nhắc thật kĩ để không đi sai đường.

 

21 - 25 điểm: Bạn đang đứng trước bờ vực không có đạo đức nghề nghiệp và nó có thể phá hỏng sự nghiệp của bạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể thoát khỏi bờ vực đó nếu làm việc chăm chỉ và trung thực với bản thân cũng như mọi người.

 

26 - 30: Mọi người coi bạn như một người không có đạo đức nghề nghiệp. Danh tiếng của bạn bị hủy hoại. Đã đến lúc bạn bắt đầu lại từ đầu để xây dựng đạo đức nghề nghiệp.

 

 Cái nhìn của mỗi người về hạnh phúc sẽ quyết định mục đích sống của họ và đó sẽ là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp.

 

Trần Anh Tuấn

Phó giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

 và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Tổng hợp từ các tư liệu nghiên cứu – Tháng 05 năm 2015

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024872155

TRUY CẬP HÔM NAY: 1216

ĐANG ONLINE: 26