Thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng lao động


Tính đến cuối tháng 3-2015, tại 14 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 1.342 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD. Trong số này, có 536 dự án nước ngoài (5,2 tỷ USD) và 806 dự án trong nước (3,47 tỷ USD). Tổng diện tích đất mà 14 KCX, KCN cho thuê được 1.405 ha/2.175 ha, tỷ lệ lấp đầy là 65%.

 

Thu hút đầu tư cao gấp 1,4 lần

 

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), trong năm năm qua, tổng vốn thu hút đầu tư đạt bốn tỷ USD và dự ước năm 2015 đạt thêm 750 triệu USD. Đây không chỉ là việc đạt chỉ tiêu 100% kế hoạch mà “điểm nhấn” chính là thành quả thu hút đầu tư của thành phố cao gấp 1,4 lần so với năm năm trước đây (2006-2010 đạt hơn 2,8 tỷ USD).

 

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, Hepza đã tập trung thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, tập trung vào bốn ngành trọng điểm theo định hướng của thành phố. Cụ thể, ngành điện tử-công nghệ thông tin (CNTT) thu hút hơn 1,226 tỷ USD; ngành hóa chất-nhựa cao-su là 389,48 triệu USD; ngành cơ khí chế tạo là 457,17 triệu USD và ngành chế biến tinh lương thực-thực phẩm là 210,85 triệu USD. Song hành với sự phát triển đó, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đã đạt hơn sáu tỷ USD, tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu năm năm ước đạt 15,28%/năm. Số thu ngân sách theo sự phát triển của xuất khẩu đã có tốc độ tăng bình quân 30%/năm với giá trị tuyệt đối đạt hơn 11,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,31 lần so với giai đoạn năm năm trước (2006-2010 đạt hơn 8,7 nghìn tỷ đồng).

 

Tuy vậy, cho đến cuối năm 2014, do nhiều yếu tố khách quan trong nước và quốc tế, việc giới thiệu lao động bảo đảm cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN chỉ đạt hơn 61 nghìn lao động (81,46% kế hoạch). Phân tích sâu hơn cho thấy, trong số đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp KCX-KCN giới thiệu được hơn 33 nghìn lao động, các DN tự tuyển 28 nghìn lao động. Trong số những lao động được giới thiệu tuyển dụng, có 20% số lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học. Hepza cũng dự đoán trong năm 2015 sẽ giới thiệu thêm khoảng 15 nghìn lao động có việc làm tại các KCX-KCN.

 

Trên bình diện toàn thành phố, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh Trương Hồng Sơn khái quát: “Tổng số công nhân-viên chức-lao động trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,29 triệu người, trong đó khu vực ngoài nhà nước là hơn một triệu người và phần đông là anh chị em công nhân. Vì vậy, việc nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, từng bước trí thức hóa công nhân luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp công đoàn”.

 

Nâng dần chất lượng nguồn nhân lực

 

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Phượng Trân nêu một thực tế: “Tập đoàn Intel khi đầu tư vào thành phố họ chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường để dễ đào tạo bài bản từ đầu. Theo họ, cách quản lý cũng rất thoáng và họ giao việc theo nhóm, mỗi nhóm bảy người. Những “công nhân chất lượng cao” của họ không bị quản lý về giờ giấc mà theo từng công việc, công trình và sản phẩm họ làm ra thì chất lượng tuyệt vời. Đó là cách quản lý nguồn nhân lực rất mới, mang lại hiệu quả công việc cao, kích thích sự sáng tạo của lao động... mà chúng ta cần học hỏi”.

 

Cũng trong năm năm qua, đã có 4.556 lượt công đoàn cơ sở tại TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thi tay nghề với 219.117 lượt lao động tham gia; kết quả có 144.477 lao động được nâng bậc thợ, 139.340 lượt lao động được nâng lương. Nhiều phong trào thi đua tại các cấp công đoàn ngày càng được phát huy, hơn 13 nghìn công trình, sản phẩm mới được hoàn thiện; 22.573 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 7.713 đề tài nghiên cứu khoa học, làm lợi 330,7 tỷ đồng.

 

Trong tổng số hơn 274 nghìn lao động (60,07% nữ) thì số có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 252.895 (92,21%). Nếu như năm 2001 có 50% số lao động có trình độ học vấn THCS và 5% số lao động có trình độ đại học, thì đến cuối năm 2014, tỷ lệ tương ứng đã là 39,29% và 9,8%. Số lao động làm trong các lĩnh vực có chuyên môn cao như cơ khí tăng 4,31%, điện tử-CNTT tăng 12,68%.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn nhận định (qua khảo sát 3.946 doanh nghiệp): Trong quý I-2015, các DN tuyển lao động có trình độ đại học chiếm 14,33%; trung cấp chiếm 18,93%; công nhân kỹ thuật và sơ cấp nghề chiếm 10,82%; lao động phổ thông chiếm 37,01%. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các DN trong quý II-2015 khoảng 65 nghìn chỗ làm, trong đó lao động có trình độ đại học và trên đại học là 27%, tập trung thu hút các ngành nghề: kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ ô-tô, xe máy, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự... Vì vậy, công đoàn các cấp cần phối hợp người sử dụng lao động thực hiện các chính sách khuyến khích lao động học tập để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa và nâng cao tay nghề.

 

ĐỨC ANH
 
Nguồn: nhandan.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876754

TRUY CẬP HÔM NAY: 1857

ĐANG ONLINE: 6