Hãy chọn ngành phù hợp


Thực tế hiện nay, mọi người thường tìm hiểu thông tin từ truyền thông và các tổ chức lao động, việc làm về việc ngành nào hiện đang là “điểm sáng”, “điểm nóng”, thu hút nhân lực nhất để tìm kiếm hoặc chuyển đổi công việc. Nhiều ứng viên tìm đến các tổ chức tư vấn việc làm, hỏi rằng họ có thể làm lại từ đầu ở một ngành nghề hoàn toàn mới được hay không? Chuyển ngành là một quá trình không hề đơn giản. Theo đánh giá của tôi, không có ngành nào gọi là “hot”, mà vấn đề chính là do con người quyết định chọn nghề nghiệp có phù hợp hay không.


Sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình. Vấn đề cần lưu ý hiện nay, phần đông sinh viên mới ra trường phân vân không biết nên gửi hồ sơ vào doanh nghiệp nhà nước hay nước ngoài. Họ cẩn thận soi xét các chế độ đãi ngộ, môi trường văn hóa công ty, chính sách phát triển nhân viên chứ không chỉ chuyện thu nhập. Tại các hội thảo tư vấn việc làm, nhiều trường hợp băn khoăn, cho rằng môi trường làm việc và chính sách phát triển của doanh nghiệp nhà nước không bằng các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi thấy, mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Như thế, cần khẳng định lại, quan trọng nhất là người lao động chọn được nơi làm việc phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.

TPHCM là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực lớn của Việt Nam. Hàng năm tại TP có trên 70.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp. Nếu tính cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật và đào tạo nghề ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người có chuyên môn có nhu cầu việc làm, trên 40% là lao động nữ. Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát, những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai điều trên.

Trong vấn đề hội nhập nhanh với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, điều cốt lõi là người sinh viên, người lao động phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính. Đó là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Người lao động cần có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.


TRẦN ANH TUẤN
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực
và Thông tin thị trường lao động TPHCM

Nguồn: http://sggp.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877077

TRUY CẬP HÔM NAY: 327

ĐANG ONLINE: 9