Công nhân bỏ nhà máy sau tết: “Khoảng lặng” của thị trường việc làm?


Ảnh minh họa

 

Năm nào cũng vậy, tình trạng một bộ phận công nhân về quê ăn tết không trở lại làm việc hoặc tìm việc khác xảy ra đối với hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn (KCN). Đây được xem là bài toán nan giải khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy. Thưởng tết rồi tính tiếp!

 

Lực lượng lao động các KCN tại TP.HCM chủ yếu là nhân công từ các tỉnh khu vực miền Trung. Nhiều người có tư tưởng cố gắng làm hết năm để có khoản tiền thưởng về quê ăn tết, chuyện có quay lại nhà máy, xí nghiệp làm việc tiếp hay không… chưa tính! Điều này lí giải vì sao sau tết nguyên đán rất nhiều công ty chưa thể đi vào hoạt động bởi công nhân “bặt vô âm tín”.

Nói về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ quản lý các KCN địa bàn TP.HCM cho biết đây là bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp khi còn quá phụ thuộc vào lực lượng nhân công rẻ từ các tỉnh xa. “Ngoài ra, tại một số tỉnh miền Trung các khu công nghiệp và khu chế xuất đang rầm rộ mọc lên và nhu cầu lao động ở mức khá cao, do vậy đang xuất hiện dòng chảy nhân công từ TP.HCM về miền Trung. Xu thế này khiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đau đầu tìm phương án giải quyết, nhưng xem ra giải pháp tuyển nhân công ngay sau những ngày tết chưa phải là giải pháp hiệu quả nhất”, ông Nam cho hay.

Thời điểm ngay sau tết, đi dọc các KCN ở TP.HCM như: Linh Trung, Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Tân Bình… dễ gặp chi chit băng rôn tuyển lao động. So với thời điểm vài tháng trước tết nhu cầu tuyển dụng các KCN tăng lên rõ rệt. Thậm chí, một vài doanh nghiệp do quá “khát” lao động nên đưa ra điều kiện tuyển dụng rất thoáng, chỉ cần đủ sức khỏe. Dù điều kiện tuyển dụng “dễ dãi” nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển được rất ít công nhân.

Thiếu hụt bình quân 4%

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho biết, theo dự báo, sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2015 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM khoảng 4%. Trong tháng 2, dự kiến TPHCM sẽ cần 17.000 chỗ làm việc và 10.000 lao động thời vụ trong các nhóm ngành nghề: Marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn, nghiên cứu thị trường, thư ký văn phòng, người dẫn chương trình, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, giao hàng, nhân viên bảo vệ… Sang tháng 3, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến sẽ tăng, dự kiến nhu cầu tuyển dụng khoảng 23.000 chỗ làm việc, tập trung nhiều trong các nhóm ngành nghề như: Dệt may – giày da, chế biến thực phẩm, nhựa – bao bì, xây dựng, công nghệ thông tin, cơ khí, kinh doanh – bán hàng…

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp chấp nhận “tốn kém” tuyển dụng thêm lao động từ trước tết nguyên đán để đón đầu cho sự thiếu hụt sau tết. Điều này cho thấy doanh nghiệp ý thức được sẽ có một lượng lao động nhất định “một đi không trở lại”. Chuyện tìm việc khác sau khi nhận lương, thưởng tết thường được lí giải bằng những lí do rất dễ hiểu: do chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo đời sống hoặc điều kiện làm việc quá khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện công nhân bỏ nhà máy sau tết thực sự là “khoảng lặng” của thị trường lao động, việc làm. Những cách làm hay được áp dụng mấy năm gần đây như: tặng vé tàu xe, mua quà tết, mừng tuổi ngày làm việc đầu năm,… dù được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng nhưng chuyện người lao động có trở lại làm việc hay không còn phụ thuộc vào quá trình lâu dài, thu nhập và nhiều chính sách an sinh xã hội khác. Để chấn chỉnh được những vấn đề này, ngoài chính sách vĩ mô, rất cần sự đồng thuận triển khai từ phía doanh nghiệp thì chuyện bỏ nhà máy, xí nghiệp sau tết mới mong giảm thiểu.

 

(LĐ) Quang Hiếu

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024923221

TRUY CẬP HÔM NAY: 3375

ĐANG ONLINE: 61