THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I/2015 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II/2015 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 60/BC-TTDBNL-PTDB Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 03 năm 2015

 

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I/2015
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II/2015
TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I/2015


Trong quý I/2015 Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đã khảo sát 3.946 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 37.976 chỗ làm việc và 17.642 lao động có nhu cầu tìm việc. Từ kết quả khảo sát, tổng hợp và phân tích cơ sở dữ liệu, thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong quý I/2015 diễn biến như sau:


 1. Nhu cầu tuyển dụng lao động


   Kinh tế thành phố trong quý I/2015 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, tình hình đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tăng lên cả về số lượng lẫn số vốn đầu tư, mức GDP của TP.HCM trong quý I/2015 phấn đấu tăng 8% trở lên. Những điều này đã tác động tích cực đến thị trường lao động trên địa bàn. Nhu cầu nhân lực thành phố trong quý I/2015 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như: Dịch vụ - phục vụ (23,76%); Kinh doanh – Bán hàng (19,04%); Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (11,11%); Kinh doanh tài sản - Bất động sản (6,94%); Công nghệ thông tin (5,53%); Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (3,69%)…

 

Biểu đồ 01: 06 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý I/2015


   Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề trong quý I/2015 cụ thể như sau:


   Lao động có trình độ Đại học trở lên chiếm 14,33%; Cao đẳng chiếm 18,91%; Trung cấp chiếm 18,93%; Công nhân kĩ thuật và sơ cấp nghề chiếm 10,82%; lao động phổ thông chiếm 37,01%.


     + Nhu cầu nhân lực có trình độ Cao đẳng – Đại học – Trên đại học của quý I/2015 chiếm 33,24% trong tổng số nhu cầu. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng trình độ chuyên môn chất lượng cao chủ yếu là Kinh doanh – Bán hàng, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Công nghệ thông tin, Quản lý điều hành, Kế toán Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng…


     + Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Sơ cấp nghề (7,13%) tăng 47,52%  Công nhân kỹ thuật (3,69%);Trung cấp (18,93%); nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Dịch vụ - phục vụ...


     + Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 37,01%, giảm 21,08% so quý IV/2014, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm nhiều trong các doanh nghiệp sản xuất – chế biến. Cho thấy tình hình thiếu hụt lao động phổ thông thấp hơn so các năm trước. Các nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng lao động cao trong quý I/2015 như: Dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà, nhân viên giao hàng…), Kinh doanh – Bán hàng, Lễ tân, nhân viên giới thiệu sản phẩm, tài xế…



Biểu đồ 02: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo trình độ nghề trong quý I/2015


   Quý I/2015, nhu cầu tuyển dụng không có kinh nghiệm chiếm tỷ lệ 60,02%, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành Dịch vụ phục vụ, Marketing – Quan hệ công chúng, Kinh doanh bán hàng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm tập trung ở các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin, Dệt may – giày da, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng…


Bảng 1: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm

Quý IV/2014(%)

Quý I/2015(%)

1 Năm

34,42

27,21

2 - 5 Năm

16,37

12,40

Trên 5 năm

0,7

0,37

Không có kinh nghiệm

48,52

60,02

 
 2. Nhu cầu tìm việc làm

   Nhu cầu tìm việc làm có số lượng nhiều ở một số ngành nghề như: Kế toán - kiểm toán (23,13%); Kinh doanh – Bán hàng (10,42%); Hành chính văn phòng (7,95%); Cơ khí - Tự động hoá (5,08%), Công nghệ thông tin (4,08%); Quản lý điều hành (3,78%); Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (3,76%)…
 


Biểu đồ 3: Nhóm ngành có nguồn cung nhân lực cao trong quý I/2015


   Về trình độ lao động: Nhu cầu tìm việc tập trung nhiều nhất ở trình độ Đại học (60,97%); Cao đẳng (20,45%); Trung cấp (9,07%); Lao động chưa qua đào tạo – Sơ cấp nghề - CNKT(6,44%).


   Về kinh nghiệm của người tìm việc: Lao động tìm việc có kinh nghiệm từ 1 -5 năm kinh nghiệm chiếm 66,21% và trên 5 năm kinh nghiệm 22,13%, không có kinh nghiệm làm việc là 11,67%.


Bảng 2: Kinh nghiệm nhu cầu tìm việc làm

Kinh nghiệm

Quý I/2015(%)

Không có kinh nghiệm

11,67

1 Năm

28,47

2 - 5 Năm

37,74

Trên 5 năm

22,13

 

 3. Đánh giá chung


   Một số nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng cao trong quý I/2015:


     + Dịch vụ phục vụ: Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng trong quý I/2015 chiếm tỷ trọng (23,76%) ở các vị trí như bảo vệ, giao nhận hàng, nhân viên phục vụ,  nhân viên vệ sinh…


     + Kinh doanh – Bán hàng: chiếm tỷ trọng (19,04%) là một trong các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý I/2015. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đối với nhóm ngành này tăng 4,28% so với quý IV/2014; 70,83% nhu cầu tuyển dụng đã qua đào tạo (từ sơ cấp trở lên)… Xu hướng tuyển dụng lao động tập trung tiêu thụ cho thị trường bán lẻ - phục vụ tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán 2015, Quốc tế phụ nữ 8/3 vẫn theo xu hướng lao động đã qua đào tạo chuyên môn.


     + Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn:  là một trong những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý I/2015 (tăng hơn 3 lần so với quý I/2014). Nhu cầu lực lượng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 68,5% chủ yếu ở các vị trí công việc mang tính chất thời vụ: Lễ tân, nhân viên phục vụ tiệc cưới, phụ bếp, pha chế…Đối với các vị trí tuyển dụng yêu cầu lao động có trình độ Đại học – Cao đẳng như: Quản lý nhà hàng – khách sạn, giám sát nhà hàng, Điều hành Tour, Thông dịch viên…


     + Kinh doanh tài sản – Bất động sản: chiếm tỷ trọng (6,94%). Lãi suất giảm, niềm tin thị trường được cải thiện và những thay đổi tích cực trong Luật nhà ở thúc đẩy sự phục hồi của thị trường Bất động sản trong năm 2015, là nguyên nhân thể hiện sự tăng trưởng về chỉ số nhu cầu nhân lực trong quý I/2015, xu hướng của những tháng tiếp theo.


II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II/2015


  Tình hình kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, thị trường lao động tăng trưởng ổn định, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Năm 2015 là năm bản lề thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020 và thời điểm cuối năm Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thị trường lao động được mở rộng sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, nguồn lao động cũng dồi dào, chất lượng lao động cũng từng bước được nâng lên.


  Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM trong quý II/2015 khoảng 65.000 chỗ làm. Tháng 04/2015: 20.000 chỗ làm việc; tháng 5/2015: 20.000 chỗ làm việc và tháng 6/2015: 25.000 chỗ làm việc. Trong đó, 38% nhu cầu lao động phổ thông, 35% nhu cầu lao động có trình độ Sơ cấp đến Trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, lao động có trình độ đại học và trên đại học là 27%; tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như marketing - kinh doanh - bán hàng, cơ khí, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ ô tô - xe máy, nông  lâm nghiệp - thủy sản, dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa - hóa chất, dịch vụ - phục vụ, điện - điện tử…


  Quý II/2015 là thời điểm tập trung hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện lớn của đất nước Chào mừng Kỷ niệm 40 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015); kỷ niệm 125 ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015); chào mừng Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn gắn liền mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề Dịch vụ phục vụ, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn có xu hướng tăng cao, tuy vậy không xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiều lao động.


  Tháng 4/2015, dự kiến nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 chỗ làm việc và 7.000 lao động thời vụ, bán thời gian thu hút lực lượng lao động là sinh viên trong các nhóm ngành như: Dịch vụ, Du lịch, tổ chức chương trình, sự kiện lễ hội, dịch vụ trang trí, vệ sinh, phiên dịch viên,…


  Quý II/2015, dự kiến nhu cầu tìm việc tăng khoảng 20% so với quý I/2015 do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng...trên địa bàn TP.HCM, sự thu hút nhân lực từ các tỉnh thành phố khác và tình trạng người lao động, đặc biệt nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chuyển việc, tìm việc làm mới với những điều kiện phúc lợi chính sách tốt hơn có thể diễn ra liên tục trong quý II và quý III ở mức dịch chuyển 15-20%, tuy nhiên sẽ không tạo sự xáo trộn lớn trong thị trường lao động của thành phố đang trong quá trình tiếp tục phát triển./.

 
 
Nơi nhận:
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;    
- Phòng Dạy nghề;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng Việc làm;
- Phòng Lao động -Tiền lương - Tiền công;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
 
 
 
 
 
Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024900727

TRUY CẬP HÔM NAY: 3922

ĐANG ONLINE: 45