Lúng túng hướng nghiệp


Ở nước ta tuy đã thành lập một vài trung tâm dự báo nhân lực nhưng thông tin cũng bị hạn chế chưa đến với các em học sinh và các bậc cha mẹ. Nếu công tác hướng nghiệp ngay từ nhà trường được thực hiện tốt thì cũng sẽ hạn chế xu hướng lựa chọn ngành nghề sai.

 

Vừa loạn vừa thiếu thông tin

 

Hồi hộp chờ đợi, phải đến cuối tháng 2 vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới công bố chính thức Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2015. Cô Nguyễn Kim Nhung, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), liền tất tả dẫn con gái Tố Uyên đang học lớp 12 ra hiệu sách. Số là cô thì muốn con gái theo học ngành Công nghệ sinh học bởi “nó học rất khá môn Sinh”, còn Uyên lại nằng nặc đòi mẹ cho thi Tài chính – Ngân hàng vì “chị Vy hàng xóm cũng học ngành ấy bây giờ khá lắm”.

 

Biểu đồ minh họa nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 8 nhóm ngành tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2015, xu hướng đến 2020-2025

 

Chẳng thể giải thích cho con, lại nghe có người mách, cô đưa con đến quầy sách Hướng nghiệp – Kỹ năng cho bạn trẻ mà hoa cả mắt với những tựa sách: Bạn trẻ khởi nghiệp, Tư duy triệu phú, Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen, Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Vạn sự khởi đầu nan gian nan đừng có nản…

 

Người bán hàng bảo: “Toàn sách bán chạy đấy”. Con gái cô trả lời: “Con đọc cả rồi”. Cô lật vài cuốn thấy toàn nói chuyện đâu đâu, lòng hoang mang.

 

Tình cảnh của cô Nhung cũng là thực tế tâm trạng của rất nhiều bậc phụ huynh. Điều đáng nói ở đây là sự hoang mang này cứ kéo dài năm này qua năm khác.

 

Chia sẻ vấn đề hướng nghiệp cho học sinh, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) băn khoăn: “Chúng ta còn thiếu hệ thống dự báo xu hướng nghề nghiệp, dự báo tình hình lao động việc làm. Ngay cả khi Chính phủ đã có Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhưng thông tin vẫn chưa được đầy đủ, các cơ sở đào tạo cũng chưa chú ý để lấy làm căn cứ tuyển sinh”.

 

Chớ viển vông khi chọn nghề

 

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm) cho thấy: giai đoạn 2013-2020, thị trường lao động sẽ cần số lượng rất lớn kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ trình độ cao đẳng và trung cấp.

 

Khảo sát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực TP. Hồ Chí Minh trong 1, 2 năm trở lại đây cũng cho thấy, lực lượng lao động trình độ cao chiếm tỷ lệ khá thấp, đại học chỉ cần 12,31%, trên đại học chỉ 0,5%. Trong khi lao động ở trình độ trung cấp lại cần nhiều nhất (21,52%), cao đẳng là 11,21%. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn đang ở mức báo động.

 

Phân tích quy hoạch phát triển nhân lực tại nhiều địa phương, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2020, nguồn lao động cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao sẽ được ưu tiên. Theo đó, các ngành công nghiệp chủ lực sẽ được chú ý như: Cơ khí chế tạo chính xác - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược - mỹ phẩm…

 

Trước những ý kiến cho rằng, hiện nay khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng đã giảm độ “nóng”, đã bão hòa, tỷ lệ cử nhân tốt nghiệp khối ngành này ra trường không xin được việc làm tăng cao, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm phân tích: thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đã có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế thời gian tới là rất lớn.

 

Theo dự báo về nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 8 nhóm ngành TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 -2015 và xu hướng giai đoạn 2020- 2025 thì, trong những năm tới, mỗi năm TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 67.000 lao động nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính và chiếm khoảng 33% tổng nhu cầu lao động các nhóm ngành.

 

Ông Trần Anh Tuấn, nhấn mạnh thêm: “Tuy nhiên, nhân lực khối ngành kinh tế chưa hẳn là dư thừa mà chỉ dư thừa nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Riêng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu”.

 

Nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cũng cho rằng, xu hướng chung, xã hội hiện đại sẽ tự sàng lọc chất lượng lao động. Vì thế, câu tục ngữ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” sẽ luôn đúng bởi nếu mỗi ai vững tay nghề, không cứ là bằng cấp loại gì nhất định sẽ có vị trí xứng đáng.

 

Cần hướng nghiệp chuyên sâu

 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khiến cả học sinh và phụ huynh hoang mang là do công tác hướng nghiệp thiếu đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu nên kém hiệu quả. Thạc sĩ Lê Thị Thu Thủy, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) thẳng thắn: “Ở nước ta tuy đã thành lập một vài trung tâm dự báo nhân lực nhưng thông tin cũng bị hạn chế chưa đến với các em học sinh và các bậc cha mẹ.

 

Nguyên nhân của sự lúng túng trong hướng nghiệp thì có nhiều, song nếu công tác hướng nghiệp ngay từ nhà trường được thực hiện tốt thì cũng sẽ hạn chế xu hướng lựa chọn ngành nghề sai”.

 

Thạc sĩ Lê Thị Thu Thủy dẫn chứng cụ thể: Thời gian gầy đây trong Điều lệ trường đã quy định đưa thêm nhân sự cán bộ tư vấn vào trường học. Nhưng thực tế triển khai lại không khả thi. Có một số trường quan tâm đến công tác tư vấn hướng nghiệp, song mới chỉ tổ chức tập huấn cho giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn chứ chưa có người chuyên trách như ở các nước phát triển.

 

Ngay trong dự thảo đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa sau 2015 phần năng lực hướng nghiệp chỉ là một ý nhỏ được lồng ghép trong những tiết trải nghiệm sáng tạo.

 

Nhận thấy công tác hướng nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập, Chương trình hướng nghiệp do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam sang nước ta nghiên cứu và làm thí điểm chương trình hướng nghiệp. Đây là chương trình đào tạo trực tiếp nghiệp vụ cho giáo viên cốt cán làm công tác hướng nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế được cung cấp các bộ công cụ rất hữu ích như bộ sách giới thiệu hơn 200 ngành nghề để học sinh và giáo viên tra cứu, lựa chọn. Qua tập huấn, giáo viên cũng sẽ có kỹ năng phát hiện, giúp học sinh tự đánh giá đúng năng lực của mình để hướng nghiệp.

 

Cùng với ILO, Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla Măng, Vương quốc Bỉ cũng đang xây dựng thí điểm tại Quảng Ninh và Nghệ An chương trình “Tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho học sinh trung học”. Cả hai chương trình bước đầu được các địa phương đánh giá là rất khả quan.

 

 

Nguồn: http://thoibaonganhang.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024873813

TRUY CẬP HÔM NAY: 2889

ĐANG ONLINE: 29