Ổn định lao động ngay sau Tết


Năm nay tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết tại các KCN, KCX trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 80%

VH- Năm nay tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán trên địa bàn các tỉnh, thành Đồng Nai, TP.HCM đã giảm đáng kể, khi lượng công nhân quay trở lại làm việc vào những ngày đầu năm mới khá cao.

 

Tính đến ngày 25.2 tại 15 Khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 80% công nhân quay trở lại làm việc sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán 2015. Theo Công ty TNHH Dệt may Thắng Toàn, ngày 25.2, khi công ty bước vào sản xuất chính thức thì đã có hơn 95% công nhân quay trở lại làm việc. Còn tại tỉnh Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 90% người lao động quay trở lại làm việc. Đơn cử như tại Công ty Pousung Việt Nam có khoảng 24.000 lao động, và trong ngày làm việc đầu tiên (24.2) chỉ có 2.900 lao động vắng mặt có lí do như nghỉ thai sản, nghỉ phép... hay như Tập đoàn Phong Thái, hơn 90% trong tổng số 26.000 công nhân đã trở lại làm việc.

 

Ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết: Đến thời điểm này số lượng người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP đạt 80 -85%. Sở dĩ tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết cao đó là do những năm gần đây các doanh nghiệp thường tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết cùng với nhiều chế độ đãi ngộ tốt…

 

Tương tự, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng: Trong những năm gần đây nhờ những nỗ lực chăm lo Tết đối với người lao động tốt hơn nên đã góp phần tích cực bình ổn thị trường lao động sau Tết, sự thiếu hụt lao động phổ thông sẽ không cao như các năm trước. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2015, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết đối với ngành Dệt may chỉ vào khoảng 10 đến 15%. Đây là một tín hiệu vui. Bởi lẽ các năm trước dệt may là một trong những ngành có nhiều sự biến động về lao động sau Tết. Đề cập đến việc nhu cầu sử dụng lao động trong những tháng tới, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, trong tháng 2.2015 này TP sẽ cần thêm 17.000 chỗ làm và 10.000 lao động thời vụ liên quan đến các ngành nghề như bán hàng, thư ký văn phòng, sửa chữa điện, cơ khí… Trong tháng 3.2015, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến sẽ tăng so với tháng 1 và 2.2015, tuy nhiên không xảy tình trạng thiếu hụt lao động.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sáng qua 26.2, UBND TP.HCM họp đánh giá tình hình KT-XH 2 tháng đầu năm và triển khai công tác trọng tâm những tháng tiếp theo.

Hai tháng đầu năm, ngành công nghiệp và thương mại của TP tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 4,8%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 100 ngàn tỉ đồng, tăng gần 12%.

Đặc biệt, trong tháng 2, tháng Tết, TP đã đảm bảo hàng hóa dồi dào, thực hiện tốt việc bình ổn giá nên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này giảm 0,40% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM trong tháng Tết giảm.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm nay, TP có 41 dự án đầu tư mới, tổng số vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh là hơn 500 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ để đầu tư chiều sâu tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. H.M 

 

Tân Phong

Nguồn: baovanhoa.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024705749

TRUY CẬP HÔM NAY: 10403

ĐANG ONLINE: 92