Khu công nghiệp, khu chế xuất: Nhộn nhịp lao động ngay sau Tết


 
 
90% công nhân quay trở lại làm việc

Mấy năm trước, sau Tết là thời điểm các khu công nghiệp, khu chế xuất rất thưa thớt, vắng bóng người. Cùng thời gian này năm 2014, nhiều khu công nghiệp đã phải treo biển "tuyển mới lao động” vì không ít công nhân lao động về quê ăn tết "một đi không trở lại”. Tuy nhiên, không khí năm nay khác hẳn. Phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều địa phương đã nhộn nhịp sản xuất vì số công nhân lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉtết đã đạt 80 – 90%.

Tại Hà Nội, những khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long… công nhân đã quay trở lại làm việc ngay từ ngày mùng 5,6 Tết. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, sáng 24-2, ngày làm việc chính thức đầu tiên của năm mới Ất Mùi 2015, nhiều công ty trên địa bàn Thủ đô đã phát động phong trào thi đua sản xuất đầu năm.

Lãnh đạo Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, đến thời điểm này (ngày 8 Tết), lượng công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết đã gần đạt 100%. Trong khi đó, mọi năm, phải ngoài rằm tháng Giêng (15-1 âm lịch), số lượng công nhân mới lên tương đối đầy đủ. Không khí lao động sản xuất tại các nhà máy khác trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hiện cũng đang rất nhộn nhịp và sôi nổi, mọi hoạt động hầu như đã trở lại bình thường.

Tại Phú Thọ không khí lao động sản xuất đầu năm của nhiều doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Thụy Vân cũng đã và đang vào guồng quay ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tại Công ty TNHH Seshin (công ty thuộc lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư nước ngoài), khoảng 6.000 công nhân lao động hầu như đã tề tựu đông đủ. Nhiều công nhân cho biết, số lượng đơn hàng khá lớn nên công việc rất bận rộn, anh em công nhân chú tâm làm việc ngay từ những ngày đầu năm.

Tương tự, không khí lao động ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất phía Nam cũng đã khá sôi động. Theo phản ảnh của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ngay từ ngày 24-2 (tức mùng 6 Tết), tỷ lệ công nhân trở lại làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 90-95%. Còn tại Tập đoàn Phong Thái ở Khu công nghiệp Sông Mây ở huyện Trảng Bom, Tết Ất Mùi 2015, người lao động đi làm trở lại vào ngày 23-2, đến thời điểm này, 95% công nhân đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn 1 tuần. Cảnh nhộn nhịp lao động đầu năm cũng diễn ra tương tự ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc tỉnh Đồng Tháp. Hiện, tại địa phương này có khoảng 60.000 công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, công ty. So với những năm trước, tỉ lệ công nhân trở lại làm việc đạt trên 95%.


Công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán
Ảnh: S. Xanh

Không thiếu hụt lao động

Theo đánh giá chung, trong dịp Tết vừa qua, bên cạnh kế hoạch phân công nghỉ Tết hợp lý, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương làm trong ngày nghỉ Tết cao hơn, đồng thời có chế độ đãi ngộ tốt hơn nên đã tạo động lực cho công nhân sớm quay lại làm việc. Nhờ đó, hoạt động sản xuất ở các nhà máy, khu công nghiệp tại nhiều địa phương không bị ảnh hưởng.

Nhận định về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán của ngành dệt may ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho rằng, đầu năm 2015 lao động của ngành dệt may khởi sắc hơn so với các năm trước đó, mặc dù đây là ngành thường xuyên có sự biến động về lao động. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt lao động chỉ nằm ở mức 10 - 15%. Trong đó, 5% là không quay lại sau Tết, 10% quay trở lại làm việc chậm so với ngày khai trương của các doanh nghiệp. Số lượng lao động thiếu hụt đầu năm không đáng kể cho nên không ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đơn hàng xuất khẩu. Lý do, DN nắm được quy luật nguồn lao động sau Tết vì thế đã có sự chủ động và chuẩn bị hàng hóa từ cuối năm trước.

Lý giải nguyên nhân giảm tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, ông Trần Công Khanh – Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh khẳng định do DN không ngừng chăm lo đời sống cho người lao động. Theo đó, DN lên kế hoạch tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, cộng với chế độ đãi ngộ tốt, cho nên tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau tết khá cao. Ngoài ra, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi đồng thời động viên người lao động làm việc hiệu quả hơn nên ngày ra quân đầu năm DN còn lên kế hoạch "lì xì lấy may”.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM nhấn mạnh, nhờ có sự chăm sóc nhiệt tình từ phía DN cũng như sự quan tâm đặc biệt của cơ quan Nhà nước nên thị trường lao động được bình ổn sau Tết. Dự báo, sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2015 chỉ ở mức 4%. Điều này cũng báo hiệu sự ổn định, phát triển của nền kinh tế đất nước trong năm 2015 này.

Duy Phương - Thanh Giang
Nguồn: http://tinday.net/

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722255

TRUY CẬP HÔM NAY: 6895

ĐANG ONLINE: 19