Chọn ngành, né... xếp hàng chờ việc


Thất nghiệp giờ đây không chỉ… ám ảnh những sinh viên chuẩn bị ra trường mà còn bắt đầu dấy lên lo lắng cho cả những học sinh chuẩn bị chọn lối vào ĐH.

Không chỉ sinh viên, nhiều học sinh hiện nay rất quan tâm đến vấn đề việc làm

khi theo đuổi ngành nghề. Ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do trường mới tổ chức

 

Các chuyên gia dự báo, xã hội sắp tới cần nhân lực chất lượng cao, sẽ có tình trạng người làm không hết việc kẻ lần không ra. Để hội nhập, bên cạnh bằng cấp, kiến thức chuyên môn, người học cần trang bị vững vàng các kỹ năng, ngoại ngữ…
 
Người học cần “đa năng”
 
Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp gần đây, học sinh liên tục đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề làm sao để lựa chọn được ngành học mà khi ra trường không rơi vào cảnh… xếp hàng chờ việc. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí có em còn dò xét, liệu em nên học nghề thay vì chọn ĐH trong khi nghe có thông tin thu nhập của kỹ sư, cử nhân không bằng người công nhân tay nghề vững.
 
Bên lề của các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhiều học sinh cũng bày tỏ chọn ngành nghề hiện nay không chỉ đơn giản ở sở thích, sở trường. Bởi những ngành mình thích nếu “không may” rơi vào ngành hot, nhiều học sinh khác cũng lựa chọn, khi đó các em không chỉ căng thẳng “chọi” đầu vào mà còn phải cạnh tranh gắt gao chỗ làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, điều học sinh hết sức lo lắng trong chọn nghề chính là về lâu về dài không rơi vào cảnh triền miên thất nghiệp.
 
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) lưu ý, có rất nhiều yếu tố để học sinh căn cứ lựa chọn ngành nghề như sở thích, điều kiện gia đình, thực lực bản thân… Trong đó, một điều hết sức quan trọng thí sinh cũng cần chú ý chính là tham khảo nhu cầu nhân lực của ngành nghề mình định chọn trong vòng 5 năm tới. Điều này giúp các em không “đâm đầu” vào những ngành nghề mà nhu cầu nhân lực đã bão hòa. Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận, thị trường lao động đa dạng, người học học một ngành nghề có thể làm nhiều công việc khác nhau. Nhưng để đáp ứng được điều đó, người học cũng cần phải “đa năng”, có kiến thức, năng lực thực sự.
 
Không thiếu việc cho người có năng lực
 
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho rằng, việc học sinh quan tâm ngành nghề dễ đậu, dễ kiếm việc làm hoặc lương cao là chính đáng. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém mà người học không nên bỏ qua chính là tìm hiểu phương thức để kiếm được việc làm tốt, có thu nhập mơ ước. Ông Tuấn dự báo, trong tương lai sẽ có xu hướng người làm không hết việc kẻ lần không ra. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được, bởi trong những năm tới, thị trường lao động có nhiều nhu cầu nhân lực trình độ cao. Theo đó, người lao động phải hội tụ được nhiều yếu tố trong đó có kiến thức vững, kỹ năng, thái độ, ngoại ngữ, sức khỏe… Những người học đáp ứng được các tiêu chí trên sẽ không thiếu việc làm, thậm chí có rất nhiều cơ hội chọn lựa. Ngược lại, lao động nào bị “hổng” các yếu tố trên thì khả năng thất nghiệp là rất lớn. Ông Tuấn khẳng định, trong tương lai, bằng cấp cao thôi chưa đủ quyết định thành công, đơn vị tuyển dụng còn đánh giá rất cao kỹ năng khác ở người lao động.
 
Đồng quan điểm, ThS. Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn - cũng nhận định, trong điều kiện hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, người lao động được tự do di chuyển trong khu vực. Cơ hội việc làm sẽ rộng mở đối với những người lao động đã “đạt chuẩn” kiến thức lẫn kỹ năng, nhất là ngoại ngữ. Lao động nào còn yếu hoặc thiếu những yếu tố quan trọng này sẽ gặp thiệt thòi. ThS. Toàn cho biết, thực tế những sinh viên học tốt, chịu khó trải nghiệm tích lũy kỹ năng thường dễ có việc làm. Những em chỉ học “cầm chừng”, học cho có, thiếu động lực thường mất cơ hội. Trong tình hình hiện nay, ông Toàn cho rằng, thay vì quá lo lắng đến vấn đề thất nghiệp, các học sinh nên mạnh dạn lựa chọn ngành nghề và đầu tư học tập tốt. Bởi cơ hội việc làm khó bị tuột khỏi tay những lao động có năng lực.
 
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Nguồn: http://giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878207

TRUY CẬP HÔM NAY: 445

ĐANG ONLINE: 12