16 năm Tư vấn mùa thi: Chọn ngành phù hợp với nhu cầu


Học sinh ở các huyện Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai) đặt rất nhiều câu hỏi về quy chế thi, định hướng ngành nghề tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Định Quán sáng qua 31.1.

Chọn ngành phù hợp với nhu cầu - ảnh 1
Chọn ngành phù hợp với nhu cầu - ảnh 2
Học sinh Đồng Nai tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức  hôm qua 31.1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Nhu cầu nhân lực rất lớn

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm khu vực phía nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Nhu cầu nhân lực trong tỉnh cũng như khu vực đang phát triển theo xu hướng công nghệ, dịch vụ cao. Toàn tỉnh có 63 khu công nghiệp và cụm công nghiệp nên cần một nguồn nhân lực lớn, mỗi năm cần hơn 100.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%. Tại TP.HCM, trong tổng nhu cầu nhân lực 5 năm tới, khối ngành kinh tế chiếm 33%; khoa học xã hội nhân văn, du lịch 8%; y dược khoảng 5%; sư phạm, quản lý giáo dục 5%...”.

 

 
 

Sáng nay 1.2, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) cho hơn 2.000 học sinh của 7 trường trong huyện. Đài PT-TH Lâm Đồng truyền hình trực tiếp lúc 8 giờ 30. Phụ huynh và học sinh có thể đặt câu hỏi qua số điện thoại nóng: 063.3645045. Sau đó đoàn sẽ tư vấn cho khoảng 2.000 học sinh H.Di Linh.

 

Trước thực tế này, ông Tuấn khuyên học sinh cần lựa chọn bậc học phù hợp với năng lực, không nên bằng mọi giá phải vào ĐH. “Vì nhu cầu nhân lực trình độ ĐH chỉ chiếm khoảng 13 - 15%, CĐ là 17%, trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất, hơn 40%. Học bậc nào không quan trọng, quan trọng là các em phải có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ và tác phong làm việc nghiêm túc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Quan tâm đến sư phạm, kinh tế

 

Nhóm ngành kinh tế cũng vẫn còn sức hút đối với rất nhiều học sinh. Nguyễn Văn Nam, học lớp 12 Trường THPT Định Quán, băn khoăn: “Em có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Kinh tế - Luật, ngành kinh tế đối ngoại, vậy cơ hội việc làm ngành này như thế nào?”. PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó phòng Sau ĐH và quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Đây là một trong những ngành nóng nhận được nhiều hồ sơ đăng ký trong những năm qua tại trường, đồng thời là một trong 2 chương trình (cùng với tài chính - ngân hàng) được kiểm định bởi mạng kiểm định ĐH Đông Nam Á. Qua khảo sát gần đây do trường thực hiện, có 98,7% sinh viên tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành”.

 

Ngoài ra, ngành giáo dục mầm non cũng nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh về phương thức xét tuyển, cơ hội việc làm. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: “Tổ hợp môn xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non là toán, văn và năng khiếu, trong đó môn năng khiếu được trường tổ chức thi tuyển. Các em sẽ trải qua các phần thi đọc diễn cảm - kể chuyện và hát. Điểm năng khiếu được tính tổng điểm 2 phần thi ấy chia trung bình. Hiện nay các thành phố đều có nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non rất lớn, do hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang rất phát triển”.

 

Thắc mắc về điểm xét học bạ

 

Học sinh Đỗ Tuấn Anh (Trường THPT Nguyễn Trãi) băn khoăn: “Một số trường ngoài công lập xét tuyển từ kết quả học bạ với mức điểm trung bình là 6,5. Thông tin này có chính xác không và có áp dụng cho tất cả các trường, các ngành không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ giải đáp: “Cả nước có khoảng 200 trường có đề án tuyển sinh riêng, hầu hết dùng kết quả học bạ để xét tuyển với mức điểm xét tùy thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, ngưỡng tối thiểu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là 6,0 đối với bậc ĐH và 5,5 đối với bậc CĐ. Có một số trường muốn tăng chất lượng đầu vào thì lấy điểm cao hơn, chẳng hạn 6,5. Các em quan tâm trường nào thì phải xem kỹ thông tin về mức điểm tối thiểu quy định của trường đó”.

 

Chưa hiểu rõ về cách thức chọn môn thi để xét tốt nghiệp và xét vào ĐH, CĐ, học sinh Thùy Dương (lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Trãi) hỏi: “Em thi khối A nhưng trong những môn bắt buộc để xét tốt nghiệp có môn văn và Anh văn, như vậy em phải thi thêm môn gì để có thể xét tuyển vào ĐH?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trả lời: “Khi thi tốt nghiệp, các em phải thi bắt buộc 4 môn gồm toán, văn, tiếng Anh và một môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh có quyền lựa chọn thêm các môn khác để phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển. Nếu em dự định thi khối A thì phải thi thêm môn lý và hóa”. Tuy nhiên, thạc sĩ Sơn cho rằng thí sinh chỉ cần chọn thêm môn lý là có thể xét tuyển 2 khối A1 và D1 và có rất nhiều trường sử dụng khối A1 giống như khối chung cho tất cả các ngành.

 

Báo Thanh Niên cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ chương trình: Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Vietravel, nhãn hàng nước uống ISOTONIC 7UP REVIVE thuộc Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo VN, Sở GD-ĐT, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Ngân hàng Agribank chi nhánh Đồng Nai, Trường THPT Định Quán.

 

Mỹ Quyên - Minh Luân

 

Nguồn: thanhnien.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024706054

TRUY CẬP HÔM NAY: 10711

ĐANG ONLINE: 103