Quan tâm học nghề chuẩn quốc tế


Năm nay không chỉ học sinh (HS) các trường THPT tốp giữa hay tốp dưới mà ngay cả HS trường tốp trên cũng có ý định đăng ký vào trường nghề để khẳng định “ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Đặc biệt, dù chọn trường nghề nhưng các em vẫn mong muốn được đào tạo theo chuẩn quốc tế để hội nhập thị trường lao động. 
 

HS Trường THPT Hoa Sen đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tại chương trình
 
Đây là các vấn đề được HS Trường THPT Gia Định và THPT Hoa Sen (TP.HCM) đặt ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
 
Học trường “điểm” vẫn chọn học nghề
 
Trong phần giới thiệu chung của chương trình tổ chức tại Trường THPT Gia Định, TS. Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết: “Điểm trung bình vào ĐH của HS Trường THPT Gia Định năm 2014 là 18,5 điểm, đứng thứ 18 trong các trường THPT ở TP.HCM (chỉ đứng sau các trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa…) và xếp thứ 63/3.000 trường THPT trong cả nước”.
 
Dù là HS của trường có nhiều thành tích học tập nhưng các em vẫn không ngần ngại có dự định học trường nghề. Em Tạ Hồng Loan (lớp 12D5) đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta cứ đi theo một lối mòn là nhất thiết phải học ĐH. Em nghĩ rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà có thể chọn trường nghề để rút ngắn thời gian học các môn đại cương cũng như giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho gia đình. Cách nghĩ này của em có thật sự là đúng đắn hay không?”.
 
Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho biết: “Các môn học đại cương như triết học, pháp luật đại cương… sẽ giúp các em rất nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, nhu cầu lao động hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là học bằng cấp nào cũng có thể thành công khi đảm bảo được các yếu tố về kiến thức, năng lực ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức xã hội. Hiện nhu cầu lao động nước ta ở bậc ĐH chỉ chiếm khoảng 12-15%, trong khi đó bậc TC chiếm đến 35%, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ trọng khoảng 45%”.
 
Không cần học ĐH, HS trường nghề cũng có thể được học các chương trình theo chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Duy Thơ - Hiệu trưởng Trường Maac Viet Arena - cho hay: “Không chỉ có trường chúng tôi mà nhiều trường khác cũng đã có những chương trình tiên tiến nhờ việc hợp tác với các trường ở các nước có nền giáo dục phát triển, vì thế không cần học ĐH các em cũng có thể “chạm tay” đến tiêu chuẩn quốc tế. Trường Maac Viet Arena đào tạo ngành CNTT theo tiêu chuẩn Ấn Độ - một quốc gia đang rất phát triển về ngành này. Nhiều năm qua, từng có một số sinh viên rời ghế giảng đường để theo học chương trình ở Arena và rất thành công”.
 
Nhiều trường có chương trình quốc tế
 
Nắm bắt xu thế hội nhập không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải có những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội quốc tế. Tuy nhiên, việc đi du học sẽ tốn kém rất nhiều tài chính của gia đình, vì thế nhiều HS quan tâm đến các trường quốc tế ở Việt Nam.
 
PGS.TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết năm 2015, ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển 400 chỉ tiêu. Từ năm nay, trường đào tạo ngành này theo chương trình tiên tiến được ĐH Harvard và ĐH Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) hỗ trợ.
Em Nguyễn Trần Hoàng Luật (lớp 12H1 Trường THPT Hoa Sen) hỏi: “Em được biết hiện ở Việt Nam có nhiều trường ĐH, CĐ quốc tế nhưng hầu hết là trường ngoài công lập. Vậy ở Việt Nam có trường quốc tế công lập nào không?”. ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp - Việc làm (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “ĐH Quốc tế trực thuộc ĐHQG TP.HCM là trường ĐH công lập duy nhất ở Việt Nam đào tạo bằng tiếng Anh. Bằng tốt nghiệp của sinh viên không phải do Bộ GD-ĐT cấp mà là do ĐHQG TP.HCM cấp theo chuẩn quốc tế. Sinh viên có thể học chương trình toàn phần ở Việt Nam (điểm chuẩn những năm trước khoảng 18-22 điểm) hoặc chương trình 2+2 liên kết với các trường ở nước ngoài: Các em học 2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài (điểm chuẩn những năm trước khoảng 15-16 điểm)”.
 
Tuy không phải là trường quốc tế nhưng nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM đã đẩy mạnh việc liên kết với chương trình quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho sinh viên. Một em HS Trường THPT Hoa Sen phân vân: “Hiện ở Việt Nam có trường ĐH nào liên kết với quốc tế đào tạo ngành lập trình viên không?, vì gia đình em không đủ năng lực tài chính cho em du học”. ThS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Ngành CNTT của Trường ĐH Hoa Sen hiện đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế Mỹ và Pháp, sau 2-3 năm học các em có thể chuyển tiếp ra nước ngoài học tập nhưng những em không có điều kiện vẫn có thể ở lại trường học suốt 4 năm. Ngoài ra, nhiều ngành khác của trường cũng đào tạo liên kết, các em được thực tập không chỉ ở các doanh nghiệp trong nước mà có thể ra nước ngoài”.
 
Hiện nay, Trường ĐH Tân Tạo là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành y khoa theo chuẩn quốc tế của Mỹ và sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. TS. Nguyễn Thanh Trường (đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tân Tạo) cho hay: “Chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Tân Tạo kết hợp với chương trình giảng dạy của các trường y khoa hàng đầu của Mỹ. Sinh viên của trường phải vượt qua kỳ thi USMLE Step 2 vào cuối năm thứ 3, USMLE Step 1 vào cuối năm thứ 5 và USMLE Step 3 vào cuối năm thứ 6 để đạt chứng chỉ tương đương với sinh viên của các trường ĐH y tại Mỹ”…
 
Bài, ảnh: Dương Bình
 
HỎI - ĐÁP
 
Được biết năm nay Trường ĐH Luật TP.HCM dành 20% chỉ tiêu cho những thí sinh thi phỏng vấn riêng. Vậy hình thức phỏng vấn này như thế nào? (em Tú Như, học lớp 12CH Trường THPT Gia Định hỏi)
 
- TS. Trần Phú Vinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, giải đáp: Năm 2015, Trường ĐH Luật TP.HCM tuyển sinh theo 3 phương thức. Phương thức 1 dành 20% chỉ tiêu xét tuyển điểm học bạ THPT của 3 môn theo khối xét tuyển. Phương thức 2 dành 60% xét tuyển theo tổ hợp môn các em đã thi tại kỳ thi THPT quốc gia. Phương thức 3 dành 20% chỉ tiêu cho thí sinh làm bài thi riêng chứ không phải phỏng vấn. Tức là khi các em đăng ký trên mạng máy tính, trường sẽ xét khoảng từ 4.500 đến 5.000 thí sinh làm bài thi trắc nghiệm và tự luận. Bài thi này kiểm tra kiến thức xã hội, ngôn ngữ, pháp luật… trong suốt quá trình học và thực nghiệm của các em.
 
Em muốn học ngành sư phạm tiếng Anh, ngoài Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn trường nào đào tạo ngành này? Vào ĐH, làm thế nào để em được xét du học? (em Minh Thư, học lớp 12A5 Trường THPT Gia Định hỏi)
 
TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trả lời: Để trở thành một giáo viên tiếng Anh, em có thể học ngành sư phạm tiếng Anh ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hoặc Trường ĐH Hoa Sen. Ngoài ra em có thể học ngành ngôn ngữ Anh ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM rồi học thêm một chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên, những năm trước điểm chuẩn vào ngành này ở Trường ĐH Sư phạm hay ĐH KHXH&NV rất cao, em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng. Trong quá trình học, Trường ĐH KHXH&NV có trung tâm giới thiệu du học, ngoài ra nếu em học giỏi em có thể tự xin học bổng du học...
 
M.Châu (ghi)
 
Nguồn: http://giaoduc.edu.vn
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024705155

TRUY CẬP HÔM NAY: 9809

ĐANG ONLINE: 89