Toàn cảnh thị trường lao động Tp.HCM năm 2014 Ba thách thức lớn: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp


Bài tết DL 2015:

 

Toàn cảnh thị trường lao động Tp.HCM năm 2014

Ba thách thức lớn: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp

 

 

Sự biến động về lao động vẫn tiếp tục diễn ra khá cao ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng ổn định hơn. 3 vấn đề tồn tại không nhỏ đối với người lao động là kỹ năng làm việc, sử dụng ngoại ngữ và tác phong-kỷ luật công nghiệp. Đó là những ghi nhận tổng quát về thị trường lao động tại Tp.HCM trong năm 2014 này.

Xuân Nghi

 

Vượt qua khó khăn chung của cả nước, năm 2014 Tp.HCM vẫn duy trì đà phục hồi kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của khu vực phía Nam và cả nước. Nhu cầu việc làm và tuyển dụng tại TP năng động và đông dân nhất nước này cũng ghi nhận sự biến thiên theo đà phục hồi và tăng trưởng chung của kinh tế thành phố.

 

Tăng cuối năm vì… thời vụ!

 

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI) đã tiến hành khảo sát liên tục và tổng hợp từ 17.633 doanh nghiệp (DN) với 208.688 chỗ làm việc, trong đó 105.000 chỗ làm việc mới trong suốt năm 2014, đã công bố một con số khá ấn tượng cho “bức tranh kinh tế - thị trường lao động” năm 2014.

 

Theo Chuyên gia về Thị trường lao động Trần Anh Tuấn, kinh tế TP tăng trưởng tạo điều kiện thị trường lao động thành phố phát triển ổn định, biến động dịch chuyển lao động giữa các DN giảm, mức bình quân biến động dịch chuyển lao động dưới 10% thấp hơn so năm 2013- 2014 (15% – 10%). Quá trình tái cấu trúc bộ máy nhân sự của nhiều DN làm tăng nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu tìm việc của người lao động có xu hướng gia tăng ở người có trình độ đại học và có kinh nghiệm. Một số liệu khác của Phòng Việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH Tp.HCM cũng cho kết quả theo đó, năm 2014 thành phố giải quyết việc làm cho 290.035 người (trong đó 141.856 nữ) đạt 109,4% chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, số chỗ làm việc mới tạo ra là 121.381. Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố vào thời điểm tháng 10/2014 là 4,67%.

 

Số liệu ghi nhận cho thấy, TTLĐ Tp.HCM trong 6 tháng cuối năm 2014, nhu cầu tuyển dụng của DN tăng 6,20% so với 6 tháng đầu năm. Cuối năm 2014, hàng trăm điểm mua sắm với nhiều mặt hàng khuyến mại đang được các DN chuẩn bị triển khai, cùng hàng loạt các chương trình kích cầu khác của chính quyền thành phố. Thị trường bán lẻ phát triển sôi động, các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoàn thành đơn đặt hàng; và đây chính là nguyên nhân tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt nhu cầu lao động bán thời gian, lao động thời vụ.

 

Thực trạng đào tạo và việc làm năm 2014

 

Qua số liệu khảo sát tại 47 trường PTTH trên địa bàn thành phố năm 2014 cho thấy, đa số học sinh bậc học này có xu hướng quan tâm tìm hiểu về các khối ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế – tài chính. Tuy niên, so với năm 2013, năm nay tỷ lệ học sinh có nhu cầu chọn nhóm ngành kinh tế - tài chính giảm từ 30,43% năm 2013 xuống   25,77% năm 2014; nhu cầu học sinh chọn nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có xu hướng tăng so năm 2013 từ 31,24% năm 2013 lên 31,33% năm 2014. Điều đáng chú ý là nhóm ngành sư phạm - quản lý giáo dục nhu cầu học sinh tăng từ 10,80% năm lên 16,59 vào năm 2014… Tình trạng học sinh chủ yếu thích đăng ký theo học các khối ngành kinh tế đã giảm hẳn so với mọi năm, thay vào đó là nhu cầu tăng trong các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, sư phạm - quản lý giáo dục, y - dược, khoa học xã hội và nhân văn.

 

Công tác tư vấn và truyền thông về định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc phổ thông tại TP tiếp tục thực hiện đạt được hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi được phần nào suy nghĩ trong việc chọn nghề của các em học sinh. Trong khi đó, học sinh có xu hướng giảm nhu cầu chọn học ở các khối ngành nghề khác như: Nghệ thuật – TDTT (12,28% năm 2013 giảm còn 10,72% năm 2014) , khoa học tự nhiên (3,10% năm 2013 xuống 2,17% năm 2014), nông – lâm – ngư (o,o9% so với 0,25% năm 2013). Công tác hướng nghiệp theo chuyên đề “ Đại học không phải là con đường duy nhất” đã có những thành công bước đầu. Vì mặc dù số học sinh có nhu cầu học đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao là 75,40% nhưng đã giảm so năm 2013 (80,74%); trong khi đó, nhu cầu học bậc cao đẳng và trung cấp, tuy chiếm tỷ lệ thấp 13,54% và 11,05% nhưng tăng về tỷ lệ học sinh có nhu cầu học so năm 2013 (cao đẳng 12,57% và trung cấp 6,69%). Điều này cho thấy, tâm lý của phụ huynh và học sinh đã một phần thay đổi, học sinh có thể tự đánh giá được lực học của mình.

 

Thực tế TTLĐ trong những năm gần đây, số lượng người lao động có trình độ cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN. Các DN luôn trong tình trạng thiếu hụt người lao động có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Vì vậy, cũng trong các năm qua chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo nghề có trình độ cao đẳng và trung cấp luôn gia tăng.  Thống kê khảo sát nguồn cung nhân lực của Cục Việc làm Bộ LĐ-TB-XH và Sở Lao động – TBXH Tp.HCM năm 2014 thì, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại TP (có bằng và không bằng hoặc chỉ có chứng chỉ nghề ngắn hạn) chiếm tỷ trọng 69,83% so tổng số lực lượng lao động toàn TP. Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động tại Tp.HCM ngày càng tăng; cụ thể tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp) tăng hằng năm, từ năm 2011 là 28,8% đến năm 2013 là 31,2% và năm 2014 ước tính 34,90%. Tuy nhiên, con số ước tính của FALMI cho thấy: Năm 2014 tỷ lệ lao động có trình độ đại học chiếm 18,6% so tổng số lực lượng lao động, trình độ cao đẳng chiếm 2,8%, trình độ trung cấp chiếm 3,6%, dạy nghề chiếm 9,9%. Bình luận về con số này, ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Với cơ cấu trình độ của lực lượng lao động hiện tại việc đáp ứng yêu cầu hội nhập của kinh tế thành phố trong giai đoạn 2015 – 2020 sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về chất lượng lao động so với các nước trong khu vực”.

 

Dự báo TTLĐ Tp.HCM năm 2015

 

Năm 2015 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, Việt Nam trở thành thành viên, cũng là điều kiện thuận lợi cho Tp.HCM tiếp tục tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy TTLĐ phát triển. Song song, công tác hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin TTLĐ được quan tâm đẩy mạnh phát triển là hướng đi đúng đắn cho việc cân đối cung – cầu lao động của TTLĐ TP.

 

Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Tp.HCM năm 2015 là 9,5% - 10%, căn cứ chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2011- 2015 và ứng dụng các phương pháp dự báo phân tích nhu cầu nhân lực; FALMI đưa ra con số nhu cầu việc làm dự kiến năm 2015 là 265.000 chỗ làm việc trống, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề cơ khí, xây dựng, CNTT, kinh doanh, dịch vụ - phục vụ, y tế - CSSK, du lịch, tư vấn – bảo hiểm, điện tử,  điện - điện công nghiệp - điện lạnh, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm,… Nhu cầu tuyển dụng tại các KCX – KCN thành phố khoảng 30.000 chỗ làm việc, trong đó, chỗ làm việc mới khoảng 10.000, chỗ làm việc thay thế 20.000.

 

Về xu hướng năm 2015 và các năm tới, TTLĐ tiếp tục tăng nhanh phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với  các năm trước, nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực FALMI, có ba vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam cần quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). “Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp”. Ông Tuấn nhấn mạnh.


Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (Vietnam Economic Times)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024920666

TRUY CẬP HÔM NAY: 782

ĐANG ONLINE: 107