Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hướng đến sự phát triển bền vững của dệt may Việt Nam


Ngành Dệt May Việt Nam đang xác định hướng dịch chuyển của ngành trong chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng Thời trang – Công nghệ - Thương hiệu, nhằm đón đầu các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh mang lại cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP… Thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” của Ủy Ban nhân dân TP. HCM, việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành mối quan tâm hàng đầu, là yếu tố then chốt để giải bài toán năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành. Ngày 18/12/2014, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex tại TP. HCM đã tổ chức “Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực gắn với sự phát triển ngành Dệt May Khu vực phía Nam, giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030”.  

 

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Tổng thư ký hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội, ông Hồ Ngọc Tiến – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP. HCM, các ông, bà đại diện các Ban chức năng Tập đoàn, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực dệt maycùng các thầy cô trong BGH, các thầy cô giảng viên trường Vinatex TP. HCM.

 

Tại buổi hội thảo các đại biểu được nghe các bài tham luận từ các diễn giả xoay quanh các chủ đề như: Dệt may Việt Nam và nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển; Thực trạng và dự báo nguồn nhân lực của ngành dệt may khu vực phía Nam; Các nguồn lực, giải pháp thực hiện ODM; Đổi mới và liên kết đào tạo quốc tế cho nhân lực ngành dệt may Việt Nam; Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp dệt may với vai trò bồi dưỡng năng lực quản trị và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến 2030.

 


Ông Trần Anh Tuấn-Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM

 

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho biết theo khảo sát của Trung tâm nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngành dệt may tại TP. HCM năm 2013 – 2014 đối với lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao nhất với 55,9%, công nhân kỹ thuật chiếm 30%, trung cấp chiếm 4,1%, cao đẳng chiếm 5,1%, đại học trở lên chiếm 4%. Dự báo về xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Dự kiến nhu cầu nhân lực ngành dệt may khu vực phía Nam trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025 mỗi năm khoảng 60.000 chỗ việc làm trống, riêng TP. HCM 20.500 chỗ việc làm. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 50%, công nhân kỹ thuật chiếm 30%, lao động có trình độ trung cấp, Cao đẳng, Đại học trở lên chiếm 20%. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, ngành dệt may dư thừa chỗ làm, vấn đề ở đây không còn là có bao nhiêu chỗ làm cho người lao động, mà đó là sự chuẩn bị  như thế nào về chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của DN.  

 

Việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong dịch chuyển phương thức sản xuất kinh doanh từ hình thức gia công sang hình thức sản xuất FOB, ODM… có giá trị gia tăng cao hơn đang được các doanh nghiệp chú trọng. Công ty CP quốc tế Phong Phú là đơn vị điển hình đã thực hiện thành công phương thức sản xuất ODM mang lại kết quả cao. Bà Nguyễn Thị Liên – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú, chia sẻ ODM là phương thức sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo giá trị cao nhất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để thực hiện tốt phương thức sản xuất ODM dệt may Việt Nam cần phát triển đồng bộ ba khâu đó là phát triển sản phẩm, marketing và liên kết chuỗi, trong đó trọng tâm nhất là khâu marketing định hướng sản phẩm cho thị trường. Hiện nay công ty rất cần nguồn nhân lực là nhân viên marketing, nhân viên kinh doanh, để mở rộng sản xuất nhưng khó tuyển được người. Một thực tế hiện nay một sinh viên ra trường để sử dụng được doanh nghiệp phải mất ba năm đào tạo lại, đây là vấn đề khó khăn, rào cản lớn cho doanh nghiệp.

 

TS. Bùi Mai Hương – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt May, Khoa Cơ Khí, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, cho rằng đổi mới và liên kết đào tạo là nhu cầu và yêu cầu với các trường, viện và cơ sở đào tạo ngành Dệt May Việt Nam. Bên cạnh đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học, đào tạo cũng cần tập trung vào một số khâu yếu và thiếu của ngành dệt may hiện nay nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm như khâu thiết kế dệt may, thiết kế thời trang và khâu hóa dệt. Theo TS. Bùi Mai Hương, việc đổi mới phát triển hoạt động đào tạo không phải chỉ là nhiệm vụ của các trường mà còn cần sự chung sức của các Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị cho nguồn nhân lực dệt may cho giai đoạn phát triển mới, là yếu tố quan trọng tăng khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Đồng thời các trường đào tạo dệt may cũng cần xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất để tham gia vào mạng lưới các trường đại học dệt trên thế giới.
 


Ông Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội

 

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Xuân Hiệp –Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp dệt may, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội, cho biết mỗi năm Việt Nam cần tới 2.500 nhân lực kỹ thuật cho ngành dệt may, trong đó ước tính nhu cầu cán bộ kỹ thuật cho ngành dệt, sợi, nhuộm khoảng 300 người. Tuy nhiên, mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được 20 – 30 người ở bậc đại học. Trước tình hình đó, vừa qua Tập đoàn đã khai trương “Trung tâm đào tạo cán bộ doanh nghiệp dệt may”, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ nhu cầu mở rộng đầu tư của Tập đoàn và các doanh nghiệp. hiện nay Trung tâm đã khai giảng được 4 lớp học tại Khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

 

Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi tại hội thảo về những yêu cầu cụ thể xuất phát từ tình hình thực tế tại đơn vị mình và đưa ra những ý kiến đóng góp sát thực giúp cho nhà trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Mong muốn nhà trường tiếp tục hợp tác hơn nữa cùng doanh nghiệp để mở rộng mô hình đào tạo linh hoạt tại đơn vị.
 

 

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Hồ Ngọc Tiến – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP. HCM, nhấn mạnh: “Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về nội dung, phương pháp giảng dạy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có điều chỉnh lại chương trình đào tạo, ngoài việc đào tạo chuyên môn nhà trường đặc biệt chú trọng các môn rèn luyện về đạo đức, thái độ, sự tuân thủ... để khi tốt nghiệp về nhận nhiệm vụ tại các đơn vị, các em có một tinh thần, một thái độ làm việc tốt dù ở vị trí công việc nào được giao, phấn đấu, rèn luyện tay nghề, phát triển kỹ năng đáp ứng cho công việc của mình. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP. HCM luôn hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, gắn với sự phát triển ngành Dệt May Việt Nam”.

 

Cẩm Hà

 

Nguồn: vinatex.com

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024720955

TRUY CẬP HÔM NAY: 5466

ĐANG ONLINE: 37