Điệp khúc thiếu và yếu


Nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin (CNTT) tăng liên tục, bắt đầu từ những tháng cuối năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, ước tính chiếm tỷ trọng 8% trong tổng nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với TPHCM trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

 

Lắp ráp màn hình máy vi tính tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cầu nhiều, cung ít

 

Thị trường ngành CNTT thay đổi hàng năm. Nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì ngày nay đã có nhiều lĩnh vực mới được mở rộng như tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game… Tất cả đều là những lĩnh vực phát triển rất nhanh và có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực.

 

Trong quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 đến năm 2020 - 2025, TP ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Trong đó, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp. Với lượng cầu từ 270.000 - 280.000 chỗ làm/năm, riêng ngành CNTT đã chiếm 6% - 7%, tức khoảng 16.000 - 20.000 người/năm. Ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhu cầu nhân lực ngành CNTT cao hơn nhu cầu nhân lực hai ngành chế biến thực phẩm và hóa chất (TP cần khoảng 11.000 lao động/năm ở mỗi ngành); gấp đôi ngành cơ khí (8.000 người/năm). Điều này cho thấy ngành CNTT đang có yêu cầu cao về sự phát triển, nguồn nhân lực chuyên ngành CNTT tập trung vào lĩnh vực: lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên - chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng...

 

Trước nhu cầu khổng lồ đó, cung lại hạn chế. Mỗi năm, lượng sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp khá lớn, tại TPHCM tuyển sinh đào tạo ngành CNTT năm 2011 - 2012 là hơn 20.500 sinh viên, năm 2012 - 2013 gần 18.800 sinh viên, giảm gần 8.500 so với năm 2012. Ngành học CNTT đang giảm sức hút với bạn trẻ. Không những thế, số lượng nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội chỉ khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung mới sử dụng được. Khoảng cách giữa đào tạo với thực tế nhu cầu tại doanh nghiệp là quá xa. Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa giỏi kiến thức, kỹ năng thích ứng sự phát triển của ngành CNTT trong các doanh nghiệp và ngoại ngữ. Thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy, hiện nay 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, đối với sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ khoảng 15% số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại, cá biệt có những doanh nghiệp phải mất tới 2 năm để đào tạo lại.

 

Rõ ràng, cung - cầu nhân lực của ngành này đang tồn tại nhiều nghịch lý. Nguồn nhân lực CNTT có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường lao động, trong khi có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT phải thất nghiệp hoặc làm công việc trái ngành.

 

Khó tuyển nhân sự cấp cao

 

Theo nhiều doanh nghiệp, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo - đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Mặc dù không nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi thẳng kỹ năng mềm của ứng viên trong các thông báo tuyển dụng của mình, song đây thực sự là những gì họ đang tìm kiếm khi tiếp xúc cũng như tiếp nhận ứng viên - nhất là khi tìm người cho những vị trí cao cấp, quan trọng trong đơn vị. Các doanh nghiệp, công ty phần mềm trong nước đang chật vật tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Có thể kể đến các vị trí hiện đang khát nguồn nhân lực trầm trọng như: lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…

 

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để có được đầu ra đáp ứng nhu cầu, nhất thiết doanh nghiệp phải tham gia hỗ trợ huấn luyện chuyên môn và kỹ năng nghề cho sinh viên. Hiện nay, đã có một vài hợp đồng được ký kết theo dạng doanh nghiệp và các trường ĐH-CĐ đào tạo về CNTT gắn kết trực tiếp đào tạo. Tuy số lượng nhân sự được đào tạo theo dạng hợp đồng này chưa nhiều nhưng đó cũng là khởi đầu của một mô hình mới. Các doanh nghiệp cũng cần làm tốt việc thông tin với cơ quan quản lý nhà nước và phối hợp với đơn vị dự báo nhu cầu nhân lực thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo cơ cấu ngành nghề, số lượng lao động ngắn hạn và trung hạn. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn, dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội; xây dựng những chính sách về tiền lương và khen thưởng thu hút nhân lực phù hợp với thực tế đời sống xã hội và giá trị sức lao động.

 

TRẦN ANH TUẤN
(Quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực - Thông tin  thị trường lao động TPHCM)

Nguồn: http://sggp.org.vn/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878498

TRUY CẬP HÔM NAY: 736

ĐANG ONLINE: 8