Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn


(HCM CityWeb)- TPHCM là nơi đang phát triển đô thị hóa với tiến bộ rất nhanh. Hàng năm, có khoảng 1.000 hecta đất ngoại thành được chuyển mục đích sử dụng từ sản xuất nông nghiệp sang xây dựng cơ bản, khu công nghiệp, khu đô thị mới...

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng và  Phó chủ tịch UBNDTP  Lê Thanh Liêm
tham quan một mô hình trồng lan ở huyện Củ Chi .
 
Nhưng theo yêu cầu chung của thành phố, mặc dù đất nông nghiệp giảm nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp không những không được giảm mà còn phải tăng, giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp ngoại thành phải ngày càng cao hơn. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngoại thành là cần thiết nhằm chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống tạo ra giá trị thấp, sang nền kinh tế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
 
Những năm qua, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, Hội Nông dân, các sở, ngành thành phố, các quận huyện có sản xuất nông nghiệp để chỉ đạo đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn ngoại thành ngày càng hiệu quả hơn. Đến nay, tiềm năng đất đai, kinh tế nông nghiệp – nông thôn đang từng bước phát huy, sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú; nhiều ngành nghề được khôi phục, mở rộng, giải quyết được nhiều việc làm cho bà con nông dân. Năng suất cây trồng, vật nuôi và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất đều có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu vật nuôi – cây trồng từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, phục vụ đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, pháttriển theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và hiệu quả kinhtế cao. Nhiều địa phương qua chuyển đổi đã có những bước phát triển nhảy vọt, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất tăng đáng kể và đời sống bà con nông dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là sự chuyển dịch ở các vùng sản xuất lúa một vụ năng suất thấp (huyện Cần Giờ, Nhà Bè) và các quận vùng ven như quận 9, 12 và Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần giải quyết xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình giống cây con chất lượng cao, một trong 12 chương trình mục tiêu trọng điểm của thành phố cũng đã tác động tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành.
 
Nhìn chung, mặc dù điều kiện sản xuất nông nghiệp của thành phố không thuận lợi, đất nông nghiệp ngoại thành giảm theo tiến trình đô thị hóa nhưng sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp ngoại thành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, đạt và vượt mục tiêu thành phố giao trong những năm vừa qua. Nhiều mô hình chuyển đổi đã triển khai thành công, được nhân rộng trong bà con ở các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đó chứng tỏ chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố là đi đúng hướng và đạt được kết quả khả quan.
 
Phát huy những thành quả đã đạt được và những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cơ cấu cây trồng vật nuôi của nông nghiệp – nông thôn thành phố trong thời kỳ vừa qua, trong kế hoạch đến năm 2015 và 2020 chúng ta tiếp thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp – nông thôn ngoại thành theo hướng: Giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ phục vụ nông nghiệp trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng vùng nông thôn ngoại thành đạt 11% năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015, phấn đấu để tốc độ về phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt trên dưới 6%, trong đó duy trì tỷ trọng trồng trọt ở mức xấp xỉ cùng kỳ, chăn nuôi. Hình thành các ngành và các vùng sản xuất hàng hóa lớn như vùng nuôi tôm sú, bò sữa, vùng rau an toàn, vùng sản xuất hoa lan cây kiểng, vùng làng nghề nông thôn truyền thống, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái, nhà nghỉ cuối tuần... kết hợp hài hòa với bảo vệ và duy trì môi trường sinh thái thiên nhiên của thành phố.
 
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ngoại thành thành phố vừa là xu thế tất yếu, vừa là yêu cầu bức thiết nhằm chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp của thành phố theo hướng tạo ra hiệu quả kinh tế cao, có hàm lượng đầu tư khoa học công nghệ cao, mang tính bền vững... phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp – nông thôn ngoại thành, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho bà con nông dân của chúng ta.

 

Nguồn: http://hochiminhcity.gov.vn/ ĐẶNG TỐ HỒNG

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877002

TRUY CẬP HÔM NAY: 250

ĐANG ONLINE: 12